Nghị viện quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Thành lập các cơ quan nhà nước
Nghị viện có thẩm quyền thành lập hoặc tham gia thành lập các cơ quan nhà nước cao nhất, bổ nhiệm và bãi miễn các chức vụ nhà nước cao nhất.

Hình thức, phương thức thực hiện quyền quyết định này khác nhau ở mỗi nước. Ví dụ như Nghị viện bầu hoặc bổ nhiệm theo sự đề nghị của cơ quan hoặc nhà chức trách khác; thành lập các cơ quan nhà nước mà không xác định các nhân vật lãnh đạo; thành lập cơ quan nhà nước cùng với việc bầu hoặc bổ nhiệm người lãnh đạo... Nói về phạm vi các cơ quan hoặc các nhà chức trách do Nghị viện thành lập, bổ nhiệm hoặc tham gia thành lập, có thể kể ra nhiều đối tượng như Tổng thống, Chính phủ, các cơ quan tư pháp.
Đối với nguyên thủ quốc gia, ở các nước theo chính thể đại nghị, nhân vật này do Nghị viện bầu hoặc có sự tham gia của Nghị viện. Ví dụ như Nghị viện Hy Lạp bầu Tổng thống Hy Lạp; còn ở âËn Độ, Tổng thống do một cơ quan đặc biệt bầu ra gồm các thành viên được lựa chọn từ cả hai viện và các thành viên được lựa chọn từ các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang. Thậm chí ngay ở các nước cộng hòa tổng thống, Nghị viện cũng tham gia vào các cuộc bầu cử nguyên thủ quốc gia. Ví dụ như ở Mỹ, nếu không một ứng cử viên tổng thống nào có đủ số phiếu cần thiết của đại cử tri (271 phiếu), thì Thượng viện Mỹ sẽ bầu tổng thống từ 3 ứng cử viên có số phiếu cao nhất, còn nếu như Phó tổng thống cũng không được bầu, Thượng viện sẽ bầu từ hai ứng cả viên có số phiếu cao nhất.
Sự tham gia của Nghị viện vào việc thành lập Chính phủ có thể nhận thấy thậm chí ở một số nước theo chính thể cộng hòa tổng thống. Ở Mỹ, Ecuador, việc Nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm các bộ trưởng đòi hỏi phải có sự tán thành của Thượng viện; ở Philippines cần có sự tán thành của một uỷ ban đặc biệt gồm Chủ tịch Thượng viện và mỗi viện cử 12 thành viên.
Các nước theo chính thể đại nghị, Nguyên thủ Quốc gia thường bổ nhiệm lãnh đạo đảng (hoặc liên minh đảng) thắng cử làm Thủ tướng và theo đề nghị của lãnh đạo đảng - những thành viên khác của Chính phủ (Hy Lạp, âËn Độ, Italy, Canada). Một số nước như Đức, Nhật, Tây Ban Nha, Thủ tướng do Nghị viện trực tiếp bầu và chỉ sau đó Nguyên thủ Quốc gia mới ban hành văn bản thích ứng. Các Bộ trưởng cũng có thể do Nghị viện bầu ra (đúng hơn là do các nhóm đảng trong Nghị viện bầu).
Nghị viện các nước dưới những hình thức khác nhau không hiếm khi tham gia vào việc thành lập các cơ quan tư pháp. Ví dụ như Hiến pháp Mỹ quy định quyền của Tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án tối cao theo đề nghị và với sự đồng ý của Thượng viện. Ở Pháp, cả hai Viện bầu ra Toà án công lý cấp cao - cơ quan tư pháp đặc biệt để xem xét tội phản quốc của Tổng thống và bầu phần lớn các thành viên Toà án công lý của nền Cộng hòa - Tòa án xem xét những tội phạm, tội danh gắn với chức quyền của thành viên Chính phủ. Ở Đức, hai viện bầu các thẩm phán của Toà án Hiến pháp Liên bang. Ở Nga, Hội đồng liên bang (Thượng viện) bổ nhiệm các quan toà của Toà án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và Tòa án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga theo sự giới thiệu của Tổng thống.