Cầu Trường Tiền – 3 lần gãy nhịp, 3 lần trùng tu
Được khởi xây từ năm 1897 cho đến năm 1899 dưới thời Thành Thái, đến nay, cầu Trường Tiền, Huế tròn 110 tuổi. Cây cầu được xem là một trong những biểu tượng của Huế và đã gợi bao cảm hứng, đi vào nhạc họa thi ca…
3 lần gãy nhịp
Cầu Trường Tiền nối 2 bờ Bắc - Nam của sông Hương đoạn chảy qua Kinh thành Huế. Dân gian cứ quen với câu ca: “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…”, nhưng theo dân kỹ thuật thì chính xác cầu có 6 nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Cầu có chiều dài khoảng 402m tính từ 2 mố; còn nếu tính cả đường dẫn khoảng 453m. Lúc mới được xây dựng, cầu chưa có phần lề dành cho người đi bộ. Mặt cầu được lát bằng ván lim. Đến năm Giáp Thìn - 1904, một cơn bão lớn (dân Huế vẫn thường gọi là “bão năm Thìn”) “thổi” mất 4 nhịp cầu xuống sông Hương, tính từ phía Bắc sang. Hình ảnh này đã được một người Pháp chụp lại, một số nhà nghiên cứu sưu tập được và hiện vẫn còn lưu giữ. Mãi đến năm 1906 cầu Trường Tiền mới được tu sửa. Lần này, mặt cầu bằng ván lim được thay bằng bêtông. Câu ca: “Chợ Đông Ba đưa ra ngoài giại/Cầu Trường Tiền đúc lại xi-mon (ximăng)” là nói về sự kiện này. Năm 1937 dưới triều Bảo Đại, cầu được mở thêm phần đường dành cho người đi bộ…
Trong suốt chiều dài 110 năm, cầu Trường Tiền đã 3 lần gãy nhịp. Trong đó, một lần do bão như đã đề cập. Hai lần còn lại, một lần vào năm 1946 và một lần nữa vào năm 1968, cầu Trường Tiền phải chấp nhận hy sinh để chặn bước quân thù, chung tay vì công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc…
Cầu Trường Tiền như một chứng nhân của những thời khắc lịch sử nơi vùng đất Kinh đô một thuở. Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, dù trong hoàn cảnh đất nước còn không ít khó khăn nhưng cầu Trường Tiền đã được Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu một cách quy mô. Chiếc cầu xưa giờ đây đã liền nhịp, nối những niềm vui giữa hai bờ Nam-Bắc...

3 lần trung tu
Tính đến nay, cầu Trường Tiền trải qua 3 lần trùng tu lớn. Lần thứ nhất vào năm 1906 sau cơn bão năm Giáp Thìn-1904. Lần thứ 2 vào năm 1953-1954. Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho biết, ở lần trùng tu này cụ thân sinh của ông (ông Hồ Quýnh) là một trong những nhân công trực tiếp tham gia. Sau khi công trình hoàn tất, cụ Quýnh đã xin về mấy tấm ván vốn được dùng đóng cốp-pha đúc cầu làm bộ phản để nằm. Bộ ván đó hiện còn được lưu giữ tại nhà người anh ruột của Hồ Vĩnh. Ông Vĩnh cho hay, lúc nhỏ, nằm với cha trên bộ ván ấy, nghe kể chuyện làm cầu, tình cảm với cây cầu quê hương thấm vào người lúc nào không biết. Sau này, Hồ Vĩnh cứ vậy để tâm nghiên cứu và gần như thuộc nằm lòng lịch sử, thước tấc của cây cầu…
Do việc duy tu bảo dưỡng thiếu thường xuyên trong một thời gian dài trước đây đã khiến rất nhiều cấu kiện của cầu bị hư hỏng, gỉ sét và xuống cấp nghiêm trọng, năm 1991, Nhà nước quyết định đại trùng tu cây cầu, với số vốn đầu tư lúc ấy là 54 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước hơn 40,1 tỷ đồng, vốn vay lãi suất nhẹ của Chính phủ Pháp là 7,2 triệu francs. Cầu do các công nhân và kỹ sư của Công ty cầu I Thăng Long thi công; riêng việc khôi phục vài số 4 có sự giám sát về mặt kỹ thuật của chuyên gia Pháp. Tập đoàn Baudin - Chanteauneuf và hãng sơn Présiozo (Pháp) cung cấp vật tư...

Trong những ngày cầu Trường Tiền được thi công, biết ông Hồ Vĩnh làm công tác nghiên cứu và nặng lòng với cây cầu, lãnh đạo Cty Cầu I Thăng Long tạo điều kiện để ông thâm nhập công trường, cùng ăn, cùng ở, cùng dõi theo từng thao tác của các công nhân, kỹ sư nơi đây. Cho đến giờ, ông Hồ Vĩnh vẫn còn lưu cả một tập “nhật ký” công trường, trong đó có vẽ thuyết minh các chi tiết của cây cầu; ghi chép tỉ mỉ các cuộc phỏng vấn các kỹ sư và công nhân trên công trường… Đặc biệt, phần sơn do một chuyên gia gốc Đài Loan đến từ công ty được Pháp thuê lại phụ trách sơn chính. Mặt sơn được làm nguội kỹ, sơn 3 lớp gồm lớp lót, lớp trung gian và lớp phủ (lớp hoàn thiện). Mỗi lần sơn đều phải đo đạc, “ngó nghiêng” thời tiết. Ngày nào nóng quá hoặc lạnh quá thì việc sơn cầu đều được đình hoãn… Đợt sửa chữa lớn này kéo dài 4 năm ròng rã mới chính thức thông xe… Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, trong 6 nhịp Trường Tiền hiện nay, vài cầu ở các nhịp số 5 và số 6 (tính từ bờ bắc sang) là nguyên gốc còn giữ lại, đã 110 tuổi. Đợt tu sửa 1991-1995, các vài cầu này đã được gia cố. Riêng nhịp số 4 (cũng tính từ bờ bắc sang) được làm mới hoàn toàn.
Cầu Trường Tiền được coi là biểu tượng, là một phần làm nên “cốt cách và tâm hồn” Huế. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà Festival Nghề truyền thống Huế 2009 sắp tới lại được gắn liền với sự kiện 110 năm cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba. Trong tương lai, khi Huế có thêm một cây cầu đường bộ bắc qua sông Hương, nhiều người đã nghĩ đến ý tưởng dành riêng cầu Trường Tiền cho người đi bộ và các phương tiện thô sơ khác; sử dụng cầu Trường Tiền như một điểm nhấn để khai thác du lịch cho đất Cố đô…
Trải qua 110 năm, cầu Trường Tiền mang rất nhiều tên. Thoạt tiên là cầu Thành Thái, rồi đến cầu Clémenceau, năm 1945 cầu được đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng. Lại có một tên khác mà có lẽ còn rất ít người biết, đó là cầu Hương Giang. Nhưng, dù có bao nhiêu cái tên đi nữa thì dân Huế vẫn chỉ quen gọi là cầu Trường Tiền, đơn giản bởi ngày trước đối diện phía tả ngạn của cầu có một xưởng đúc tiền của Triều Nguyễn và cái tên Trường Tiền gắn với cây cầu cho đến tận bây giờ. |