Bồng con hóa đá
Truyện ngắn của Đỗ Trí Dũng

07/05/2009 00:00

Ngày xưa, trên đất Lĩnh Nam, tại hạ lưu sông Hát(1), nơi cửa sông đổ vào cửa biển, có một làng quê trù phú. Dân làng kẻ đi rừng, người chài lưới, lại có kẻ hành nghề cầm đồ, gá bạc. Nghề nghiệp tuy có khác nhau, song tựu trung cuộc sống dân làng ấm no hạnh phúc, ba ngày mới phải ăn cơm, còn lại toàn hồn nhiên dùng cháo loãng. Trong làng có vợ chồng họ Lã, chồng đi rừng vợ oánh cá, cuộc sống tuy không dư dả lắm song cũng đủ no nên tiêu hóa rất tốt. Họ có hai mụn con đặt tên theo lối mậu dịch quốc doanh, thằng anh vừa lên chín, tên Cường, đứa em tròn sáu tuổi, tên Lan. Thường thường, mỗi đợt cha vào rừng đốn củi săn thú, mẹ xuống hồ Tây giăng lưới hay sang hồ Ba Mẫu đặt mìn, lâu thì năm bẩy bữa, mau khoảng bẩy tám ngày, hai đứa trẻ ngoan ngoãn ở nhà, chúng biết trông chừng bảo ban nhau, bởi vậy, vợ chồng họ Lã rất yên tâm mỗi khi đi công tác.

Một hôm, trong đợt cha mẹ công tác vắng nhà, hai đứa trẻ dắt nhau vào rừng chơi. Vừa tới bìa, hai đứa thấy cây sầu riêng trái to vật vã lại chín tới bốc mùi thơm thum thủm, đứa em bảo anh: “Sầu riêng là đặc sản Nam Bộ, nay tự nhiên mọc đất này, lại có trái chín, thật là như trúng số đề. Anh mau trèo lên hái, kẻo bọn trong làng biết thì chả còn đến lượt mình”. Thằng anh thoạt đầu còn ngần ngại, bởi cây sầu riêng đã cao, lại thẳng tắp ít nhánh rất khó trèo; Hơn nữa, con chim nó vốn to lớn kềnh càng, nên việc trèo cây đã khó lại càng thêm khó. Nhưng bị em gái giục quá, cuối cùng nó cũng đành chiều em mà trèo vậy, vất vả mãi mới lên đến nơi. Thằng anh hái trái sầu riêng ném xuống, đứa em đứng dưới vỗ tay cổ vũ động viên. Hình ảnh thật vô cùng nên thơ và lịch duyệt. Bất đồ, vì không để ý, thằng anh liệng trái sầu riêng trúng đầu đứa em. Đứa em ngã vật tức thì, máu tuôn ra xối xả. Thằng anh sợ hãi cuống cuồng, vội vàng tụt xuống nâng em dậy. Máu vẫn không ngừng tuôn dù thằng anh đã dùng mọi thủ thuật cầm máu, hơi thở con bé thoi thóp rồi lịm dần, lịm dần. Tưởng em mình đã chết, lo sợ cha mẹ về bắt tội đánh đòn, ý nghĩ thơ ngây vô trách nhiệm khiến thằng cu chín tuổi bỏ em nằm đó, rồi nhằm hướng biển mà đi miết.

*

Đứa em nằm lịm ba ngày hai đêm như lịch trình tầu hỏa Thống nhất Bắc - Nam, kể như chết rồi, nhưng may thay, có người đàn bà buôn chuyến kiêm hát rong vô tình đi ngang trông thấy vội gọi xe ôm đưa đi cấp cứu. Vết thương quá nặng, lại thuộc phần sọ não nên con bé phải nằm khu hồi sức tích cực, thở khí carbonixity ba tháng mới dần tỉnh lại. Hỏi tên tuổi, cha mẹ, nơi cư ngụ nó đều không nhớ. Thầy thuốc phán rằng: mất trí nhớ tạm thời, nhưng vẫn có người thanh toán viện phí nên không có vấn đề gì nghiêm trọng

Người đàn bà tốt bụng kia vốn không con, nay gặp con bé bị tai nạn sọ não sinh đơ đơ chẳng nhớ phụ mẫu nhà cửa quê hương, ngay cả cái tên mậu dịch nó cũng quên nốt nên bà ta cả mừng, xỉa tiền xoèn xoẹt thanh toán viện phí rồi gọi tắc xi chạy một mạch mấy trăm ki lô mét về quê mình. âu cũng là cơ duyên, bởi người đàn bà kia sống độc thân, không con cái họ hàng, nên vẫn thường thấy đời cô quạnh. Nay được con bé, bà ta mừng như nhặt được của, mang về nuôi nấng, đặt tên là Sất, chiều chuộng như con nuôi vậy.

Nói về vợ chồng họ Lã, sau khi về nhà không thấy hai con đâu, họ bổ đi tìm khắp nơi, từ chợ người Giảng Võ đến các quán bia ôm, cả những đại lý môi giới ôsin trên khắp đất Hà thành... Lại thuê báo chí, truyền hình đăng tin tìm trẻ lạc. Ròng rã ba tháng trời mà vẫn bặt vô âm tín, tiền nong dần cạn kiện; Tuyệt vọng, hai vợ chồng bèn ôm nhau rồi ngửa mặt lên trời than thở một hồi rồi cười ba tiếng mà chết. Dân tình thương cảm nên quyên góp tiền bạc rồi chôn họ chung một mộ. Thật là vừa lãng mạn vừa đỡ tốn kém.

*

Mười ba năm sau, người đàn bà buôn chuyến kiêm ca sỹ tốt bụng qua đời, gia tài của nả gồm căn nhà và một quán café hát với nhau di chúc lại hết cho Sất. Lúc này, Sất tức con bé Lan khi xưa đã là một thiếu nữ mười chín tuổi, xinh đẹp nổi tiếng một vùng. Đặc biệt, mái tóc Sất luôn kết bím theo lối hiphop trước cả khi mốt hiphop lên ngôi. Mái tóc thắt nhiều bím nhỏ kiểu cầu thủ bóng đá, ca sỹ nhạc R&B của Sất là tự nhiên chứ không phải đua đòi hiphop như các ca sỹ trẻ xứ Lĩnh Nam nên trông càng đẹp.

Một ngày nọ, trong quán café hát với nhau của Sất xuất hiện một chàng trai. Chàng có đôi mắt sâu đen láy và đượm buồn vô cảm, phẳng lặng như nước hồ thu, chiếc mũi giọt mật lại cộng thêm cặp môi dầy như đỉa trâu, rõ là thể hiện phong độ sinh lý dục hơn người. Đặc biệt, chàng luôn vận quần đũng dài lòng thòng như quần bộ đội, tuy nghịch mắt nhưng vô cùng độc đáo và phải thừa nhận là hơi bị đẹp.

Từ lúc chàng trai kia xuất hiện, Sất cảm thấy một cái gì bừng lên trong tim, trong lòng hồi hộp, trong bụng xao xuyến, trong dạ xốn xang, thật không sao mà tả nổi. Chàng trai kia cũng nhìn Sất đắm đuối khiến xúc cảm của Sất càng bùng lên mạnh mẽ. Hai người nhanh chóng làm quen, họ nhỏ to tâm sự có vẻ rất tâm đầu ý hợp. Sau một giờ ba khắc, họ quyết định nên vợ nên chồng.

Quả là một tiếng sét ái tình lung linh thơ mộng!

Hai vợ chồng Sất sống hạnh phúc bên nhau. Quán café hát với nhau làm ăn càng ngày càng phát đạt. Chồng Sất lại có nghề câu cá ngừ đại dương nên thu nhập rất cao. Kinh tế họ thoải mái, ăn tiêu không phải nghĩ. Phong độ hai vợ chồng như bậc đại gia vậy. Sau một năm, họ sinh đứa con đầu lòng. Bé trai, đẹp như một thiên thần. Hạnh phúc của họ không một văn tài nào ghi ra được.

*

Lại nói về thằng cu Cường, từ lúc bỏ em nằm chết ngất nơi bìa rừng, nó cứ nhằm hướng biển mà đi, đi miết. Qua ba ngày nhịn đói nhịn khát, Cường gục xuống thiếp đi mê man. Khi tỉnh dậy, nó thấy mình nằm trên một chiếc tàu hiện đại hăm lăm mã lực, loại chuyên dùng câu cá ngừ đại dương nên được trang bị cả máy định vị toàn cầu. Chủ tàu là người đàn ông họ Hoang, ông này đã đứng tuổi lại độc thân tốt bụng. Thấy thằng Cường nằm gục bên bờ biển ông bèn đưa lên tàu, cho truyền dịch protit chính hiệu Moriamin madein Nhật Bản. Khi thằng Cường tỉnh lại, ông hỏi lý lịch quê quán, nó nói dối rằng mồ côi từ bé, không biết quê quán ở đâu. Ông chủ tàu xoa đầu thằng Cường rồi ôn tồn bảo: “Ta vốn sống độc thân, không vợ không con, nay gặp con, thật là như ý trời. Vậy ta sẽ nhận con làm con nuôi, tài sản của ta vốn không phải nhỏ, rồi sẽ là của con, chẳng hay ý con thế nào?” Thằng Cường e lệ ngón chân nọ di ngón chân kia rồi cúi đầu bẽn lẽn nhận lời. Ông chủ tầu họ Hoang mừng rỡ, bèn làm bữa cỗ linh đình mời đồng nghiệp bạn bè đến ăn nhậu, tuyên bố nhận Cường làm con nuôi, đặt tên là Hoang Tố, đối đãi rất tử tế như con nuôi vậy.

Mười ba năm sau, người đàn ông kia qua đời, Tố bèn bán chiếc tàu, thu gom tài sản của cha nuôi rồi trở về quê hương bản quán với ý đồ vừa lang thang du lịch vừa mong tìm lại gia đình xưa.

Không tìm thấy gia đình cũ, nhưng Tố tìm thấy gia đình mới. Gia đình Tố là người vợ trẻ tên Sất có mái tóc kiểu hiphop và đứa con trai đẹp như thiên thần.

*

Vốn rất ngưỡng một dung nhan và cả mái tóc của vợ, nhưng từ khi lấy nhau, đã hơn một năm mà Tố không thấy vợ thay đổi kiểu tóc như tất cả các thiếu nữ xứ Lĩnh Nam khi đó, vốn ba tuần thay kiểu tóc một lần. Một hôm, hai vợ chồng tỉ tê buôn chuyện, Tố bảo: “Nàng ơi, mặt nàng đẹp tợ trăng rằm, sao không thay đổi kiểu tóc cho phong phú đa dạng thêm vẻ đẹp ấy?” Sất cười bẽn lẽn mà rằng: “Thiếp cũng thích đổi kiểu tóc lắm, song cơ cấu da đầu khiến tóc thiếp mọc như thế này, không thể để kiểu nào khác, vì ngày xưa thiếp bị quả sầu riêng rơi giữa thóp”. Tố lại hỏi: “Chắc khi xưa nàng đi du lịch Sài Gòn có ghé vườn Lái Thiêu?” Sất buồn rầu im lặng một hồi rồi nói: “Ngày xưa...”.

Thế rồi Sất kể hết với Tố câu chuyện thời thơ ấu. Sau khi nghe xong câu chuyện, Tố bàng hoàng xao xuyến, mồ hôi túa ra ướt đẫm bán thân, hai tay bắt chuồn chuồn, ba chân cùng rụng rời đổ đốt. Tố muốn khóc mà không thể khóc. Muốn ôm lấy em gái trong tư cách một người anh nhưng có được nào. Nghẹn ngào. Phều phào. Không có bất hạnh nào giống hạnh phúc nào.

Đêm hôm đó, chờ cho Sất và con ngủ say, Tố thu xếp mấy bộ quần áo, len lén mở cửa đi mất. Trước khi đi, Tố viết để lại cho Sất mấy dòng. Thư viết:

Ta có công tác đột xuất phải đi xa. Chuyến đi này lành ít dữ nhiều. Sau sáu tháng nàng không thấy ta trở về thì chắc chắn ta đã chết. Nàng nên sớm tái giá…

Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy lá thư gắn trên cửa tủ lạnh, Sất mở ra đọc rồi vật vã than khóc một hồi, nàng không hiểu chuyện này ra sao cả. Sáu tháng trôi qua, không ngày nào là Sất không bế con lên ngọn núi gần nhà, mắt nhìn về chân trời góc bể, nơi mà nàng hy vọng Hoang Tố đang hoàn tất công tác và chuẩn bị trở về. Bà con hàng xóm nghe chuyện ai cũng ái ngại cho Sất. Nhiều người khuyên Sất nên làm theo lời chồng, tái giá kẻo tuổi Xuân qua đi thì khổ. Cũng đã nhiều người chủ động mai mối, vì nhan sắc Sất khá nổi tiếng, nhưng chủ yếu là do của nả của nàng, nên đối tượng đến ra mắt cầu thân nàng rất đông đúc, trai tân cũng nhiều mà ông già cũng lắm. Song Sất chưa để mắt một ai, phần vì tình sâu nghĩa nặng phu thê chưa kịp phôi pha, phần vì phong độ cùng hàng hóa Hoang Tố dễ gì có người sánh được. Nhiều lúc, lũ đàn ông tới cầu thân chỉ làm Sất thêm buồn bã, bực mình.

Một năm trôi qua.

Bữa nọ, mụ Vương Thúy Quỳnh bán phở ở đầu ngõ dắt đến giới thiệu với Sất một chàng trai ngót ba mươi tuổi, hình dong tướng mạo khá bề thế lẫm liệt, bề ngoài chẳng kém Hoang Tố là mấy, đũng quần cũng dài tới đầu gối chứ chẳng phải vừa. Sất nhìn qua đã khá hài lòng, sau khi thăm hỏi tâm sự một hồi, Sất càng thêm phấn khởi, bởi chàng trai nọ hiểu rộng biết nhiều, trên thông thiên văn dưới tường tâm lý, nói năng thao thao như vẹt.

Chàng vốn là một nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia theo trường phái hậu hiện đại.
Sau hai giờ ba khắc đàm đạo hết chuyện nhân tình thế thái đến thời sự văn chương rồi sang tình hình thế giới, chàng và nàng quyết định thành thân. Hỡi ơi, trời xanh kia vốn khéo đùa, chiếc quần đũng dài đến đầu gối của nhà thơ nọ, hóa ra chỉ là hậu quả của chứng sa ruột(2) thủa thiếu thời, bởi vậy phong độ nhà thơ kia còn tệ hơn những kẻ bình thường vẫn vận quần jeans vậy.

Từ sau hôm đó, Sất quyết tâm chẳng thèm tiếp thêm một ai, nàng hoàn toàn mất hy vọng và tự nhủ thầm, thà tưởng tượng người quân tử còn hơn kề cận kẻ tiểu nhân.

Rồi ngày qua ngày.
Rồi tháng sang tháng.
Rồi năm nọ nối năm kia.

Đều đặn, thường xuyên... thị Sất cứ bế con lên ngọn núi gần nhà, mắt nhìn vút về nơi chân trời góc bể. Thời lượng Sất đứng thiền trên núi mỗi ngày một tăng, bất chấp mưa hay nắng. Có hôm, nửa đêm mới chịu về nhà.
Một ngày kia, người ta thấy thị Sất bồng con mà hóa đá, ánh mắt nàng vẫn đăm đắm vút về nơi góc bể chân trời.

Dân tình trong vùng cảm động bèn trích một khoản trong gia tài của Sất lập nên một ngôi miếu nhỏ, thờ Sất dưới chân núi, gọi là hòn Tố Thị. Lâu dần, dân tình đọc chệch thành quen, nên cứ gọi là núi nàng Tô Thị, quanh năm hương khói rất nghiêm cẩn.

*

Trong dị bản này, không thấy nói rõ địa danh nơi thị Sất hóa thạch. Bởi vậy, không hiểu đây là hòn Vọng ở đạo Thuận Hóa hay phủ Lạng Sơn, hay là nơi nào khác? Nhưng dù là ở nơi đâu thì câu chuyện cũng đáng cho kẻ đời sau phải cảm thán và rút ra nhiều bài học về nhân tình thế thái về kế hoạch hóa gia đình cũng như nhiều bài học khác vậy.

_____________________________

(1) Trong tiếng Việt, có lai căng một số ngoại ngữ. Như Hán- Việt, Anh-Việt, Phi-Việt v.v... Trường hợp trên, thư tịch cổ dùng từ sai, cái sai thông thường như hiện nay vẫn sai vậy. Ví dụ nếu là Hán-Việt, giang có nghĩa là sông. Vậy Cửu Long Giang là sông Cửu Long, ấy vậy nhưng nhiều người vẫn viết: sông Cửu Long Giang. Trong trường hợp Anh-Việt, sông có nghĩa là hát. Vậy sông Hát thì chỉ cần viết Hát là đủ. Viết sông Hát hiểu theo nghĩa Anh-Việt há chẳng phải là sông sông, hay hát hát sao?

(2) Ruột sa vào bìu. Đây là một chứng bệnh trẻ em thời cổ hay mắc, có nơi còn gọi là chứng sa đì.