Phát triển nhà ở xã hội: Nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư

Vân Hà 02/04/2009 00:00

Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; công nhân lao động tại các khu công nghiệp; người có thu nhập thấp tại các khu đô thị đã được thường trực Chính phủ thảo luận và đồng ý về mặt chủ trương. Nếu không có gì thay đổi, đây sẽ là bước đột phá về nhà ở.

Tạo 200.000 chỗ ở cho sinh viên trong năm tới

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Chính phủ đã thống nhất chủ trương đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở để cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và công nhân khu công nghiệp thuê và phát triển nhà ở giá thấp để bán cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Trong đó, đối với các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên thuê chủ yếu do nhà nước đầu tư xây dựng từ ngân sách (Trung ương và địa phương), đồng thời, nhà nước cũng khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả các cơ sở đào tạo ngoài công lập tự huy động vốn để xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê theo phương thức xã hội hóa.

Các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên thuê bằng vốn ngoài ngân sách được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư theo quy định. Nguyên tắc xác định giá nhà ở cho sinh viên thuê và nguyên tắc hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, giá cho thuê nhà ở học sinh, sinh viên được xác định theo nguyên tắc: chỉ tính đủ các chi phí quản lý, vận hành và bảo trì. Chủ đầu tư các dự án nhà ở học sinh, sinh viên được tổ chức cung cấp các dịch vụ khác để tạo kinh phí bù đắp chi phí quản lý, vận hành, bảo trì và giảm tiền thuê nhà. Chính sách này sẽ được triển khai ngay trong 2009- 2010, chậm nhất là 2011, nhằm tạo 200.000 chỗ ở.

Nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư

Về nhà ở cho công nhân, hầu hết các khu công nghiệp đều thiếu nhà ở cho công nhân vì số lượng lao động tăng nhanh.

Để phát triển nhà ở cho đối tượng này, Chính phủ quyết định triển khai trên nguyên tắc: Nhà nước tạo cơ chế ưu đãi, doanh nghiệp thực hiện. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp sẽ đồng thời phải lập dự án các khu nhà ở cho công nhân phục vụ cho khu công nghiệp đó. Doanh nghiệp phải ứng tiền giải phóng đất đai và được tính vào chi phí cho thuê quỹ đất để làm nhà máy. Sau đó, chủ đầu tư có thể tự mình xây nhà ở cho công nhân thuê hoặc chuyển cho doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở. Để khuyến khích thu hút được doanh nghiệp, nhà nước đưa ra 5 nhóm ưu đãi: miễn tiền thuê đất và tiền sử dụng đất; thuế VAT bằng 0% đối với các hợp đồng thuê nhà ở công nhân khu công nghiệp và hợp đồng bán nhà ở giá thấp. Chủ đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn toàn trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và 10% cho suốt đời dự án (DN khác là 25%). Các khu nhà ở cho công nhân được áp dụng tiêu chuẩn, được tăng 1,5 lần mật độ xây dựng cũng như hệ số sử dụng đất để giảm giá thành xây dựng. Các doanh nghiệp được tự mình xây dựng nếu có chức năng hoặc có chỉ định thầu, chỉ định xây lắp, chỉ định cung ứng nguyên vật liệu. Đồng thời, các doanh nghiệp xây nhà ở cố định được coi là tài sản đưa chi phí xây nhà vào chi phí sản xuất, đưa vào giá thành. Mặt khác, các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân được vay các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, được bù lãi suất, được vay từ quỹ đầu tư phát triển nhà ở của địa phương (nếu có) và được vay ưu tiên từ các nguồn vốn ưu đãi khác.

Đối với, nhà ở của người lao động có thu nhập thấp tại các khu vực đô thị, cả nước có gần 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, chỉ khoảng 2/3 số cán bộ, công chức đã tự lo được nhà ở cho mình, 1/3 còn lại chưa có chỗ ở ổn định (chủ yếu là ở các độ thị lớn). Ngoài ra, tại khu vực đô thị vẫn còn hàng vạn hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố, còn trên 30% hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36m2. Theo đánh giá chung, có khoảng 15- 20% hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế tại các khu vực đô thị thực sự gặp khó khăn về chỗ ở.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, các đối tượng được mua nhà ở giá thấp là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong các thành phần kinh tế chưa có nhà ở, hoặc có nhà nhưng diện tích dưới 5 m2/người và có thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng (tiêu chí thu nhập có thể được điều chỉnh theo thời kỳ). Giá bán nhà ở giá thấp do chủ đầu tư quyết định, theo nguyên tắc tính đủ chi phí đầu tư, và được cộng thêm tối đa 10% lãi định mức trên chi phí đầu tư. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định giá bán hoặc quy định suất đầu tư để khống chế giá trần và tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc bán nhà ở giá thấp trên phạm vi địa bàn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, với những người thu nhập thấp không thể mua được sẽ được thuê. Nhưng ông Nam cũng lưu ý, Nhà nước chỉ ưu đãi cho người thu nhập thấp, và nghiêm cấm việc mua đi bán lại.

Nước ta có gần 400 trường đại học và cao đẳng; Khoảng 340 trường cao đẳng, trung cấp nghề với tổng số học sinh, sinh viên tới gần 3 triệu người. Trong số đó chỉ khoảng 22% số học sinh, sinh viên có nhu cầu được ở trong ký túc xá. Theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 quy mô đào tạo của mạng lưới đạt khoảng 3 triệu người (chưa kể số học sinh, sinh viên các trường dạy nghề) và đến năm 2020 là 4,5 triệu người.

__________

Tính đến cuối năm 2008, trên cả nước đã có 194 khu công nghiệp, thu hút được khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và 1,2- 1,5 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định. Còn lại đều phải thuê chỗ trọ ở tạm bợ, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu.

Vân Hà