Những khoảnh khắc thơ
Nguyễn Huy Tưởng là người đặc biệt yêu thơ. Trước khi đến với kịch, tiểu thuyết, ông từng ôm mộng trở thành thi sỹ, thậm chí còn đeo đuổi làm thơ suốt một thời gian dài cho đến khi nhận ra sở trường sở đoản của mình.
Trong bài thơ Điều sở nguyện làm ngày 17.10.1932, chàng trai Nguyễn Huy Tưởng hai chục xuân xanh đã nói rõ mong ước của mình:
Tôi thích thơ, tôi thích thơ,
Thích điều đằm thắm mặn mà có duyên.
…..
Thích rằng sống ở cõi đời,
Làm người nhàn tản, làm người thi nhân.
Nhưng như thực tế cho thấy, cuộc đời ngắn ngủi vừa trọn bốn con giáp của Nguyễn Huy Tưởng đã không cho phép ông “làm người nhàn tản”, cũng không cho ông cái duyên “làm người thi nhân”. Dẫu sao, những bài thơ ông làm rải rác trong suốt cuộc đời cũng đã cho thấy tâm hồn thơ của ông, tâm hồn ấy mỗi khi gặp dịp lại cất thành những lời thơ giàu hình ảnh mà không kém phần cảm xúc.
Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Tưởng theo học bậc Thành chung trường Bonnal, nay là trường Phổ thông trung học Ngô Quyền, Hải Phòng. “Ta ở chốn thị thành tòng học”, ông nói vậy trong bài thơ Con La, nghĩa khuyển làm ngày 3.11.1932. La là tên con chó từng gắn bó với tuổi thơ ông. Hồi thân phụ ông còn sống – bấy giờ ông còn nhỏ lắm – cụ có cho làm một cái chòi gỗ ở bên ngõ, lấy chỗ cho ông và em Thứ chơi đùa, hóng mát. Hai anh em ông thường bày trò chơi đồ hàng, hay lấy phấn, gạch non vẽ hình chim, thú lên sàn, lên vách căn chòi. Mỗi khi hai anh em ông lên chòi, con chó La cũng thường theo lên, nó hết quẩn chân hai trẻ lại sục sạo hít hà hết chỗ này chỗ nọ. Chẳng may em Thứ ông bị bệnh qua đời. Rồi thân phụ ông cũng ra đi. Con La thì ngày một già yếu, thân hình tiều tụy, nhưng nó vẫn một lòng sốt sắng với chủ. Thế rồi ông được mẫu thân gửi xuống Hải Phòng học Thành chung ba bốn năm trời. Cuối năm ấy học xong, ông trở về quê nhà. Mừng được gặp lại mẫu thân, ông lại buồn vì gia cảnh có phần sa sút, cái chòi thì xộc xệ, con chó La thì cũng không còn. Tức cảnh, ông làm bài thơ vịnh con vật có nghĩa, mượn nó để tỏ lòng nhớ thương những người thân yêu nhất:
Nay La chết, nào hình nghiêm phụ,
Nào là hình em Thứ của ta,
Nào là hình ảnh mập mờ,
Cái chòi nay đã tiêu ma đi rồi...
Tình cảm với người thân và những kỷ niệm thời ấu thơ được ông gửi gắm qua những vần thơ, tập hợp trong ba tập Lòng nhớ thương làm trong khoảng nửa đầu những năm 30 của thế kỷ trước, thời kỳ ông bắt đầu đến với văn chương với tất cả niềm đam mê bồng bột. Niềm đam mê văn học của Nguyễn Huy Tưởng, có thể nói, đã được hình thành từ những cuốn sách, tích truyện cổ kim Đông Tây mà ông háo hức thâu nạp, và đến lượt mình, những tích truyện ấy cũng giúp tạo nên ở ông khả năng thêu dệt, tưởng tượng nên những câu chuyện của riêng mình:
Chuyện nhiều, kể mãi chẳng cùng,
Chuyện thần, chuyện quỷ mơ mòng suốt đêm.
Phỏng ở đó, tôi thêm, tôi bớt,
Chẳng bao giờ là ngớt cuộc vui.
Bao giờ chuyện cũng kéo dài,
Pháp trường, hắc điếm, lôi đài, thần nhân.
(Trích bài thơ Mười bẩy tuổi... làm ngày 6.11.1932)
Nhưng rồi đã đến lúc Nguyễn Huy Tưởng phải đối mặt với cuộc mưu sinh. Với mảnh bằng Thành chung, ông lặn lội khắp nơi, hết Hà Nội lại đến Hải Phòng, Thái Nguyên, kiếm việc dịch thuê hay làm gia sư cho các con nhà khá giả... Nhưng không lúc nào Nguyễn Huy Tưởng thôi ý thức về chức phận cầm bút của mình. Trong bài thơ Năm mới làm năm 1934, chàng trai 22 tuổi quả quyết nhắn nhủ mình tôi luyện ngòi bút để khỏi hổ tiếng “nam nhi”:
Đầu năm mới lưỡi gươm đem liếc
Cắt hư văn mưu việc nước non.
Nam nhi trong cõi càn khôn
Không còn thừa chốn dung hồn nữa chăng?
Ngọn bút chẳng thẹn cùng thiên hạ
Lời văn không hư với thời gian.
Có thể thấy, cho tới khi ấy, mối bận tâm mới của Nguyễn Huy Tưởng là việc lập thân, với những mối quan tâm về sự nghiệp cá nhân mình, dù có là việc dùng ngọn bút để “mưu việc nước non” thì vẫn cứ là để khỏi “thẹn cùng thiên hạ”. Phải đến khi tham gia các hoạt động xã hội, bắt đầu từ hoạt động Truyền bá Quốc ngữ quãng năm 1938, tâm hồn ông mới được trải rộng để đến với những cảm xúc khoáng đạt hơn, và cũng lớn lao hơn. Năm 1941, trước ngưỡng tuổi “tam thập nhi lập”, Nguyễn Huy Tưởng tham gia phong trào Hướng đạo, ông nhận làm huynh trưởng cho một “bầy sói” ở Hải Phòng. Để làm bài ca cho bầy của mình, ông đặt lời thơ theo một điệu hát Hướng đạo, mượn hình ảnh một con chim Việt bị bắt sang phương Bắc, ngày đêm mỏi mắt trông về quê hương, để ký thác tấm lòng thiết tha với dân tộc của mình:
Nào trời non nước?
Thờ ơ vườn Chu.
Tìm cành trông hướng
Đường Nam tít mù.
Ôi non sông tre xanh
Lớp mây mù không thấy nhà
Ôi Văn Lang xa xăm
Chí ta bền với sơn hà.
Non quê cha thiêng liêng
Không bao giờ lòng quên.
Cách mạng rồi kháng chiến. Hè thu năm 1950, Nguyễn Huy Tưởng lên đường đi mặt trận Đông Bắc, dự phần vào Chiến dịch Biên giới sắp mở. Đến lúc này, có thể nói, ông đã đi hết chặng đường kịch của mình. Sau vở kịch dài Những người ở lại bị nhiều điều tiếng, ông viết thêm mấy vở kịch ngắn “phục vụ kịp thời” để rồi chia tay luôn với thể tài kịch vốn là sở trường của ông. Dù về sau cũng có lúc ông “lại cảm thấy thiết tha viết kịch” thì đó cũng chỉ là ý muốn; Thực tế đến khi qua đời, Nguyễn Huy Tưởng không hề cấu tứ một vở kịch nào, dù ngắn hay dài. Nhưng thơ thì ông vẫn viết, ít ra thì cũng để tặng bạn bè. Chính là lần đi Chiến dịch Biên giới ấy, thi hứng đã đến với ông khi nhớ tới người bạn Hoài Thanh, tác giả Thi nhân Việt Nam mà ông vừa có dịp gắn bó trong một chuyến đi thực tế dài ngày với pháo binh. Ngày 21.7.1950, sau khi viết xong một lá thư có tính công vụ cho Tố Hữu, ông hứng chí “làm nghịch một bài thơ cho Kim” (bí danh của Hoài Thanh thời gian này):
Chiều tối hành quân đi Chợ Mới
Mênh mang giấc mộng cũ xa vời.
Nhớ tới vẻ mặt của Hoài Thanh
Cùng Huy đàm đạo ở phòng của Anh Nghĩa.
Tố Hữu giờ đã làm nhiệm vụ ở ban Tuyên huấn
Xuân Sanh khó đi kiểm tra công việc.
Lần này tham gia phục vụ chiến dịch Cao Bằng
Sáng tác chắc sẽ có thêm ý khí hào hùng.
(Thúy Loan dịch nghĩa)
Tiếc là trong văn nghệ, sáng tác không phải là tất cả. Còn nhiều chuyện nữa can dự trong giới văn nghệ sỹ khiến các ông nhiều phen phải đối phó với nhau rất mệt. Tám năm sau, Nguyễn Huy Tưởng lại lên đường trong một chuyến đi dài ngày. Lần này không phải mạn Đông Bắc mà là Tây Bắc. Cũng không phải đi chiến dịch mà là đi thực tế – thực tế lao động sản xuất xây dựng lại Điện Biên sau hòa bình. Nhưng có đi xa mới thấy nhớ bạn bè, mới thấy cần phải thể tất cho nhau. Chính trong ý nghĩ ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã làm một bài thơ chữ Hán tặng Chế Lan Viên, người bạn mà ông từng có lúc rất thân nhưng cũng có khi va vấp:
Một đêm thu lạnh ở Điện Biên
Nghe tiếng gió gào nhớ Chế Lan Viên
...
Thật khó quên cái đêm tán chuyện nhàn nhã ở Võng Thị
Trằn trọc, bồi hồi ngủ chẳng yên.
(Thúy Loan dịch nghĩa)
Chữ “nhàn đàm” (tán chuyện nhàn nhã) khiến ta nhớ đến mơ ước “làm người nhàn tản” của Nguyễn Huy Tưởng trong bài thơ Điều sở nguyện ông làm năm 20 tuổi, đã được nói đến ở đầu bài. Nhưng có lẽ, suốt đời ông, mơ ước này vẫn chỉ là mơ ước. Biết làm sao được, một khi ý thức về phận “nam nhi” buộc ông lúc nào cũng phải gấp gáp dấn thân. Nhưng nếu như cuộc đời đã không cho ông cơ duyên trở thành “thi nhân”, lại càng không thể làm người “nhàn tản”, thì tự ông, bằng khát vọng của mình, cũng đã thực hiện được quyết tâm trở thành “văn sỹ”, làm một người viết sống chết với nghề. Chẳng phải ông đã từng tâm niệm đó sao, trong nhật ký những ngày sau Tết Mậu Tuất 1958, khi quyết liệt sửa đi sửa lại tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô, tác phẩm tâm huyết nhất những năm cuối đời: “Cái vui sướng nhất là được viết, tuy nó vất vả một cách kiệt lực”...