Tôn vinh anh hùng áo nâu

Xuân Vũ 24/03/2009 00:00

Hàng năm, vào ngày kỵ của Tướng quân Hoàng Công Chất, chính quyền và nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ hội thành Bản Phủ để tưởng nhớ công lao của người anh hùng áo nâu và bộ tướng quân đã đánh giặc, giữ đất, giữ mường…

Năm 1754, thủ lĩnh Hoàng Công Chất cùng hai vị tướng người dân tộc thiểu số là Lò Ngải và Lò Khanh phất cờ khởi nghĩa đánh tan giặc Phẻ và tàn quân Thái Bình Thiên Quốc do Chậu Phạ Tin Tòng cầm đầu, giải phóng xứ Mường Thanh (Điện Biên), trấn ải biên cương Tổ quốc. 200 năm sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, tài thao lược của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta làm nên trận đại thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Năm nay, ngày 20-21.3 (tức 24-25.2 âL) vừa qua, huyện Điện Biên tổ chức Lễ hội thành Bản Phủ, dâng hương tưởng nhớ 255 năm nghĩa quân giải phóng Mường Thanh, đồng thời hướng tới kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là dịp để tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc, tình nghĩa miền ngược với miền xuôi.

Mường Thanh “đệ nhất chiến lũy”

Một pháo đài thiên nhiên, thù nghịch khó xâm nhập, không gian chật hẹp không có lợi cho việc an cư của con người, đó là vùng thượng sông Đà, hay còn gọi là sông Đen. Chỉ có bình nguyên Điện Biên xưa, vốn được biết với cái tên gọi quen thuộc Mường Then hay Mường Thanh - tiếng Thái nghĩa là “mường trời”, hiện ra như một ngoại lệ trong khung cảnh thung lũng, với chiều rộng khoảng 8km, dài 20km, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi hiểm trở.

Hoàng Công Chất tên thật là Hoàng Công Thư, nguyên quán tại thôn Hoàng Xá, xã Nguyên Xá, huyện Thư Trì (nay là Vũ Thư, Thái Bình). Thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến tha hóa, bỏ bê biên ải, giặc dã hoành hành, dân chúng lầm than. Năm 1739, Hoàng Công Chất chiêu binh mã, tập trung lực lượng khởi nghĩa. Sau khi làm chủ vùng Sơn Nam hạ (Thái Bình, Nam Định), thừa thắng đánh thẳng vào Thanh Hóa và theo đường rừng tiến lên Tây Bắc. Triều đình phong kiến Lê - Trịnh gọi Hoàng Công Chất là “nghịch tặc” và treo giải thưởng chức “tước quận công”, hàm tam phẩm, nếu ai bắt được cha con ông. Ở Mường Thanh, người dân gọi ông là “Then Chất”; là “vua Hoàng”. Mường Thanh giải phóng 1754, ông được dân địa phương kính nể, các tù trưởng tự nguyện đem quân hợp nhất, tăng sức mạnh lực lượng, ông quyết định xây dựng đại bản doanh ở tại thành Tam Vạn (Sam Mứn).

 Xét thấy thành Tam Vạn không đáp ứng yêu cầu về mặt quân sự, ông cho xây dựng thành Chiềng Lề (còn gọi là thành Bản Phủ) vào năm 1758. Pháo đài thành Bản Phủ rộng 80 mẫu, tường đất cao 5 thước, mặt thành rộng 4-5 thước, voi ngựa có thể đi lại; có 4 cửa, cổng thành bề thế, có vọng gác, tướng lĩnh đi trên tường thành có thể quan sát toàn bộ vùng lòng chảo; xung quanh thành trồng tre gai dày đặc, có hào sâu 10 thước. Thành Bản Phủ nằm ở gần ngã ba sông Nậm Rốm và Pá Nậm, rất lợi thế về mặt phòng thủ và sử dụng các loại vũ khí tân tiến. Ông cho đào 133 cái ao lấy nước sinh hoạt và luyện thủy quân trong thành; chia đất cho dân làm ăn, vùng Mường Thanh trở nên trù phú nhất Tây Bắc.

Hai điểm mạnh của Hoàng Công Chất là sử dụng những chú voi chiến vạm vỡ và những nẻo đường hẹp dẫn vào căn cứ. Quân triều đình thiện chiến, song vẫn nhiều lần thất bại. Trong cuốn Bình Hưng Thực Lục, chúa Trịnh đánh giá, “Mường Thanh - đệ nhất chiến lũy”.

Khơi dậy tình đoàn kết dân tộc

Lễ hội thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm vào ngày giỗ tướng quân Hoàng Công Chất, nhưng năm nay quy mô hơn, hội tụ nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật. Mở đầu phần lễ hội, âm vang tiếng trống thể hiện sự oai hùng, trang nghiêm của lễ và không khí tưng bừng ngày hội. Chúc văn giỗ Tướng quân gồm 3 phần, tôn vinh thủ lĩnh miền xuôi cứu dân miền ngược, tinh thần đoàn kết của đồng bào Tây Bắc, diễn tả hình ảnh đồng bào nô nức ủng hộ đánh giặc; thể hiện tình cảm quý trọng, biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc đối với người nông dân áo vải Hoàng Công Chất và 2 vị tướng đã đánh đuổi ngoại xâm. Đặc biệt, năm nay, hơn 50 thành viên trong dòng tộc Hoàng Công, hậu duệ của tướng quân Hoàng Công Chất đã lần lượt kính cẩn dâng hương trước đền thờ.

Trước cửa sân đền thờ các tướng lĩnh nghĩa quân họ Hoàng là cây cổ thụ với sự hòa quyện, không tách rời của 3 loại cây: đa, long não và cây si. Người dân địa phương gọi đó là “cây đoàn kết”, biểu tượng sự gắn bó của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Dưới bóng mát tán “cây đoàn kết”, sau phần lễ nghi thức trang nghiêm, thành kính ca ngợi công đức của người anh hùng áo nâu, phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian và văn nghệ quần chúng của 18 xã vùng lòng chảo Mường Thanh. Tại đây còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh “các di vật của nghĩa quân Hoàng Công Chất”... Vòng xòe đoàn kết là đặc trưng của dân tộc Thái trong lễ hội.

Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Điện Biên Phạm Minh Châu đánh giá: bên cạnh văn hóa tín ngưỡng truyền thống, không hoạt động mê tín dị đoan, phần hội là sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào trên địa bàn. Hành hương về nguồn, chứng kiến lễ hội, con người hướng thiện, tự ý thức về cái tâm trong sáng, nâng cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Xuân Vũ