Sống chậm (Phần 1)
Truyện ngắn của Lê Minh Khuê

11/03/2009 00:00

>> Sống chậm (Phần cuối)

Tường lên chuyến xe rời khu cải tạo phạm nhân sau cùng. Đành phải ngồi cạnh một người đàn bà. Tường nhận ra bà khi ngồi sau bàn nói chuyện với bố. Bà này ngồi bàn gần bố con Tường nói chuyện có vẻ khá lặng lẽ với người đàn ông cao lớn tóc trắng xóa lông mày đen khuôn mặt hồng hào khá trẻ. Có lúc Tường thấy bà này rút ra mấy tờ giấy ướt lau khuôn mặt chắc là đầm đìa nước mắt. Bà này không có gì nổi bật so với đám người đi thăm nuôi, các bà vợ bà con bà nào cũng sáng choang son phấn ngào ngạt nước hoa. Người đàn bà này mặc quần đen áo đen cổ tròn điểm sáng duy nhất trên người bà này là cái vòng ngọc trai với những viên ngọc nhỏ, thứ ngọc thật, trông trang nhã. Cái vòng ngọc trai và bộ quần áo đen may vừa khít thân thể còn đầy đặn có cái gì đó hấp dẫn. Có lẽ là sự kín đáo ẩn sau đó một cuộc đời một số phận không mấy đơn giản.

 Tường lơ đãng nhìn ra. Rừng núi trập trùng. Trại cải tạo này ở thật xa nơi đô hội. Người ta chỉ cần lơ đễnh một chút, yên phận thây kệ sự đời là sẽ chôn vùi đời mình ở đây ngay. Cả trong ý thức giữa mênh mông núi và đá và cây cối cho dù bây giờ cây bị chặt hạ trống hoang nhưng vẫn gieo cho Tường cảm giác đó. Người ta có lúc khổ vậy sao giữa thế kỷ con người có nơi đã thừa mứa đến độ chán sống đến độ đi tìm mọi thú vui để rồi tự hủy hoại... Tường nhắm mắt cố ngủ. Trong xe người ta đã bớt ồn ào người ta cũng cố ngủ sau buổi hàn huyên với những người đặc biệt ăn cướp có, tham nhũng có, giết người có, lừa đảo có... ở cái trại cải tạo chung quanh bạt ngạt đồi trồng dứa, trồng cà phê. Bố Tường không khác mấy cái ngày ngồi trong căn phòng ông là sếp lớn máy lạnh chạy ro ro ghế bành thật lớn ngai ghế bành mang cái áo vét mua ba ngàn đô ở Thụy Sĩ. Cô thư ký thạo việc thường gọi Tường là anh với cái vẻ thư ký sếp lớn không bờm xơm không lả lơi như thư ký hạng thấp. Lúc này bố Tường mặc quần áo tù may rộng trông như bộ pyjama lụa ông mặc trong phòng ngủ. Ông bảo ở trên này tao thấy hít thở thoải mái hơn ở thành phố, ở nhà chạy cho xong mấy thứ tao bảo rồi cứ yên để tao trên này thời gian chả có gì mà mẹ mày cứ phải sướt mướt. Không lo được mấy thứ tao dặn thì liệu hồn. Bảo con mẹ mày ấy. Thằng Quyền không được lẩn như chuột thế bảo nó rảo chân lên không thì vỡ mặt... Thật buồn lòng là ông chu du khắp nơi ký kết hợp đồng buôn bán này kia nhưng khi lâm nguy bố không còn nói năng lịch sự nữa. Có lần mẹ Tường cháu nội giáo sư thời Pháp đã bảo bố con nếu đặt đúng chỗ thì không làm những việc như thế. Đúng chỗ nghĩa là thời chiến tranh ông bắn B40 cự phách được tuyên dương dũng sĩ bị bắt đầy ra đảo trở về ông chuyển ngành làm trưởng phòng tổ chức nhà máy lớn. Mẹ Tường bảo đến đó dừng là vừa sức. Dù sau này bố Tường học tại chức đại học rồi có bằng tiến sĩ mẹ vẫn bảo bố dừng ở chức trưởng phòng tổ chức là được nhất... Biết người biết ta mẹ sống với bố như gán ghép, bà bị ông chồng sếp lớn coi khinh. Không có thằng này thì lấy cám đổ nồi, tinh tướng vài cái chữ thằng Pháp dúi cho ông già đã tưởng oai coi khinh thiên hạ. Thằng này đếch cần cái chữ nhá. Thằng này bình dân bần cố nông bây giờ xem đứa nào hơn. Ngày nào chả ký chi tiêu tiền tỉ... Có lần Tường đã nghe bố gặm nhấm cấm cẳn bà mẹ của Tường trong phòng ngủ. Khi xách cặp ra xe ông ung dung phong độ nhìn thấy ông người ta phải cung kính chắp tay. Trong phòng ngủ ông hay mặc cảm nói năng với vợ như thế và từ ngày vào tù ông nói tự nhiên. Trở lại bản ngã trở lại là anh trai làng vùng trung du Bắc bộ nghèo từ thuở khai thiên.

Tường lơ mơ ngủ trong những hồi ức buồn bã của cái tuổi dưới ba mươi chưa có nhiều chuyện để kể như thế hệ cha anh. Xe đi rì rì qua những ngọn đồi thấy đường phẳng lì hiếm hoi ở xứ sở đường chưa qua nghiệm thu đã nham nhở. Chắc con đường này do phạm nhân làm. Tường thấy mình được sống chậm. Bây giờ có tụi bạn rủ Tường ngày nghỉ lên đồi thông gần khu chùa mới xây để thiền. Để sống chậm. Nhưng ngồi sống chậm mà nghĩ tới cha cựu tù Phú Quốc bây giờ tham nhũng là tù cộng sản thấy chán chường. Nghĩ tới mẹ lủi thủi triết lý sống của ông nội cái gì không phải của mình làm ra thì đừng nhận... Mẹ đi dạy học ở thành phố lý lẽ ấy của mẹ xem ra bị vỡ như bong bóng. Không nhận quà cáp người ta sẽ sợ trù úm con người ta. Khổ thế. Mẹ chấp nhận rồi quen đi rồi cũng thành khôn ngoan thiên hạ khó lừa. Đấy. Mọi chuyện nó đâu để mình an lòng mà sống chậm.

Tường nhắm mắt. Nghe bên cạnh mình tiếng hát nho nhỏ nhưng trong vắt – Hello! Xin chào!

Yên trí mọi người ngủ say người đàn bà áo đen bên cạnh Tường hát. Thứ tiếng Anh không thật chuẩn nhưng xúc cảm đến nghẹn thở. Tường đã từng say mê đã từng bật khóc. Xin chào. Anh đã từng bên em trong tâm trí này, trong giấc mơ anh đã hôn lên đôi môi em cả ngàn lần. Đôi khi anh thấy em đi ngang qua cửa. Xin chào! Anh có phải người em đang tìm kiếm… Mỗi lần hát bài Hello Tường xót xa. Đời sống ô trọc bụi bặm cảm xúc con người như sự trớ trêu đặt nhầm chỗ. Bài hát lúc này cất lên lại đúng chỗ. Tường ngạc nhiên khi nghe người thế hệ năm X đang hát đang sống cái trạng thái của lớp trẻ chán ngán đời sống đô thị nhàu nát vì mọi thứ dở dang kém cỏi. Thấy Tường thức giấc người đàn bà nhìn sang. Cười ngượng. Xin lỗi cháu! Không sao cô ạ. Cô không ngủ được à?

- Không. Đang sống thật chậm rãi. Nghe xem nhé. Đôi khi anh thấy em đi ngang qua cửa. Xin chào! Anh có phải người em đang tìm kiếm… Sao bây giờ người ta không viết được lời bài hát cho nó tử tế như thế. Đơn giản mà tử tế!

- Không viết được cô ạ. Sống như thế nào thì hát như thế thôi!

- Ừ. Tôi cũng nghĩ như vậy! – Hai người im lặng khá lâu rồi cùng nói. Chỉ vài câu làm quen Tường thấy thích nói chuyện. Người đàn bà tuổi năm X trông còn khá trẻ mắt còn ướt tóc nâu đỏ tự nhiên chưa phải nhuộm cằm chưa chảy xệ. Khuôn mặt nhẹ nhõm hướng ra cửa sổ. Bà nói như bức xúc. Tôi biết rõ vụ án của bố cháu. May mà ông ấy chỉ làm đổ một cái nhà. Do thiếu trách nhiệm gây hậu quả... Này. Cái cụm từ đó sao khó chịu thế. Sao không gọi thẳng đó là tội ác. Là sự độc ác nhẫn tâm đối với đồng loại. Cứ gọi sự vật đúng tên của nó sẽ hay hơn là hoa mỹ là né tránh là nói trật khấc...

- Còn chú nhà cô ạ!

- Gọi tôi là Vân. Còn cháu... Tường hả? Tên rất giống người đấy. Người đàn bà có vẻ muốn lảng tránh chuyện nhưng rồi quay lại ngay nói giọng bức xúc như vừa nói tới bố Tường. Không. Đó không phải là chồng tôi. Là một người bạn. Là đồng đội. Thì cũng một cung cách như thế thôi. Đổi tiền đô do phía chuyển nhượng giao sang ra tiền Việt dùng thủ tục thu chi khống huy động vốn giả để rút ra hơn sáu tỉ bỏ túi. Rồi tiếp theo là vụ lấy tiền mà người ta chuyển cho quỹ phúc lợi công ty, không chuyển cho quỹ phúc lợi mà chuyển thẳng vào tài khoản do mình chỉ định để chiếm đoạt. Rồi lập biên bản khống, lập phiếu chi khống để hợp thức hóa cho phiếu thu huy động vốn... Túm lại – nói theo ngôn ngữ cư dân mạng nhé, nói túm người anh hùng của tôi bỏ túi hơn mười tỉ đồng phá hỏng một nhà máy do lòng người tan rã lĩnh án mười hai năm cải tạo. Đó. Tất cả giống nhau. Cái cách ăn cắp bòn rút nói mãi nhàm tai...


- Vâng. Cháu cũng nghĩ thế. Nói mãi đến nỗi không có chuyện ấy lại thấy thiếu vắng.

- Sao đàn ông bây giờ lại đến nỗi thế?

- Ấy. Cô nói thế cháu tự ái đấy!

- Nhưng nhìn mà xem. Chỗ nào cũng hỏng. Nhoe nhoét cả ra. Đụng vào đâu cũng ăn cắp.

- Có phải mình đàn ông ăn cắp đâu cô.

- Nhưng họ đầu têu. Họ gây ra mọi sự. Họ đã từng làm nên mọi sự cao cả khác thường. Cũng chính những con người ấy đặt sang chỗ khác, đặt nhầm chỗ nên mọi sự lại khác...

Thì bọn cháu cũng nghĩ vậy. Tường nhô hẳn người ra cảm thấy phấn chấn khi bên cạnh mình có một người đầy bất mãn đầy thất vọng, đầy hoài vọng và thông minh từ đôi mắt từ làn môi. Cháu luôn nói với bố rồi. Cháu cần gì cái xe mười tỉ để đứng chết cứng ở ngã tư giờ cao điểm cùng với bọn xe bãi xe uyn Tàu. Xung quanh nghèo nàn bụi bẩn người giàu đâu có sướng gì. Xe đẹp phải đi trong thành phố xanh um sạch sẽ người ta cùng giàu có cùng đi lại thong dong. Xe đẹp trong thành phố nghèo cũng như người đàn bà quí phái lội bùn trong chợ trời ngoại ô. Cháu đâu có ham. Em cháu yếu tim từ nhỏ nó cần gì phải sang Canađa du học đua đòi với con nhà lắm của. Nhưng bố cháu không chịu. Người ta du học người ta đi ô tô tiền chục tỉ con mình đâu có ngọng. Bố cháu làm đủ mọi mánh khoé kiếm tiền tỉ không thèm tiền triệu rồi đổ nhà rồi sập cầu rồi vào tù. Người ta đồn đại nhà cháu có vài chục triệu đô la gửi ngân hàng Thụy Sĩ. Thanh minh ai nghe. Bao nhiêu tiền phải đổ vào vụ án nhà cửa trưng dụng tiếng oan đổ lên đầu cháu mẹ cháu thằng em yếu tim của cháu đang học dở bên Canađa viết thư về bảo chán học rồi bố vào tù học làm sao đây. May mà nó không nghiện may mà cháu không phải loại đầu đất lấy tiền của bố để vào khách sạn nay em này mai em khác. Các em chân dài cần gì biết đến tiền nong xuất xứ ở đâu. Cháu không phải loại xài mấy cặp chân dài rồi làm vẻ đại gia. Mẹ cháu đứng bên vững như bàn thạch dù mẹ cũng phải a dua với đời nhưng mẹ cháu không thể đốn mạt vất con ra đó với đống tiền bố cháu nhặt dễ dàng. Bây giờ trong tù bố cháu vẫn bày ra mưu này mưu kia để chỉ huy đám tay chân cũ hòng che giấu một số việc chưa lộ để găm tiền để lo ra để tiếp tục...

(Số sau đăng hết)