Một góc nhìn : Đừng đánh mất sự tôn nghiêm...

Phạm Thương 28/02/2009 00:00

Đã hết tháng Giêng - “tháng ăn chơi” theo câu ca xưa, từ thành thị đến nông thôn, không khí “đi lễ”, “đi hội” đã tạm thời lắng xuống. Và theo đó cũng lắng lại trong mỗi chúng ta những nỗi niềm, những trăn trở về lễ hội thời nay.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành văn hóa, cả nước có đến hơn 7.000 lễ và hội to, nhỏ, mỗi năm thu hút hàng chục triệu du khách. Chưa ai thống kê ngân sách nhà nước hao hụt bao nhiêu vào những lễ hội này: từ những cuộc rước xách linh đình, làm đường, sửa nhà cửa, tiếp khách và cả lãng phí tài sản công về nhân tài, vật lực, thời gian lao động, xăng xe...

Nếu như sự lãng phí này mang đến những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần thì là một nhẽ, nhưng chỉ lo rằng sự lãng phí là quá lớn, mà điều thu hái được lại chẳng là bao nhiêu, trong khi một không khí “đi hội” đã trở thành một tâm lý đám đông, trở thành “dịch” - người người, nhà nhà đi hội, trùng trùng cơ quan đi hội… Có tâm linh, có tình cảm tha thiết quan tâm đến văn hóa dân tộc, cội nguồn (mà các lễ hội nguyên gốc thường có sẵn) là tốt, nhưng khi lễ hội trở thành thú vui, phục vụ thói quen du hí, mà lại sử dụng tiền công, xe công và thời gian vàng ngọc của công thì cần xem xét lại.

Đó là chưa kể cách “đi hội”, “chơi hội”. Không biết từ khi nào, nhiều lễ hội đã trở thành “hội chen”. Người ta sẵn sàng chen lẫn, xô đẩy nhau, vi phạm Luật Giao thông, miễn là đến được hội, vào được đền chùa, không biết rằng những nơi chốn linh thiêng ấy rất cần sự tôn nghiêm, tĩnh lặng, sự “ngộ” của mỗi con người. Ở rất nhiều người khi đi lễ hội lại nảy sinh “tâm hồn ăn uống”. Đi đến lễ nào, hội nào cũng tìm xem có món nào ngon, đặc sản gì? Có cầu ắt có cung, thế là ở nhiều lễ hội, người dân địa phương tìm cách moi tiền du khách bằng mọi giá, quên cả sự tôn nghiêm. Ví dụ: ở Lễ hội chùa Hương, người ta có cả một cái chợ bán thực phẩm gia súc, gia cầm, thịt rừng. Ở khu vực chùa Bái Đính và đền Vua Đinh, Vua Lê, có rất nhiều cửa hàng đặc sản thịt dê. Ở hội Lim, vào những “đêm quan họ” cùng với đôi ba canh hát quan họ là bạt ngàn một “rừng” chiếu để khách ngả ngốn uống rượu mực, bia cá chỉ vàng, trứng vịt lộn, mùi tanh tưởi tràn ngập không khí lễ hội.

Đáng buồn thay là những chuyện trên chẳng mấy ai quan tâm, để ý - từ người dự hội đến các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương. Nâng cao tính văn hóa của các lễ hội có lẽ đã là lúc cần đặt ra một cách bức thiết. Đã đến lúc vấn đề quản lý lễ hội nên đặt ra một cách nghiêm túc. Trước hết, chỉ nên công nhận những lễ hội có tính chất truyền thống, mang tính giáo dục, thỏa mãn về tâm linh, nghệ thuật; loại bỏ dần những lễ hội vô bổ, “tát nước theo mưa”, dựng lên để cốt thu tiền. Thứ hai là quản lý nội dung các lễ hội: cái gì nên cho, cái gì nên bỏ, cái gì nên cấm. Mỗi địa phương, vùng văn hóa nên tìm ra những nét đẹp trong tín ngưỡng, văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực mà tạo ra nét riêng của lễ hội, tránh xa sự thô tục, xô bồ. Ngoài ra, giải quyết thật hợp lý mối quan hệ giữa phát triển, giới thiệu văn hóa với kinh doanh văn hóa, với phát triển du lịch để làm sao những lễ hội không “nhuốm màu tục lụy”, đem đến cho mỗi người dân một xúc cảm, một niềm thiêng, hoặc chí ít một chút kiến thức về văn hóa, lịch sử, truyền thống...

Xin đừng đánh mất nét đẹp văn hoá của lễ hội, đừng làm mất sự tôn nghiêm nơi cửa Phật, sân đình…Mong sao vấn đề này được ngành chức năng và các địa phương quan tâm.

Phạm Thương