Thế giới hồi giáo và những thách thức với chính quyền Obama

Nguyễn Hoàng 25/02/2009 00:00

Tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thăm Indonesia trong khuôn khổ chuyến công du châu Á đầu tiên. Chuyến thăm cho thấy tầm quan trọng của quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Một trong những vấn đề quan trọng mà Ngoại trưởng Clinton phải giải quyết là xem xét lại cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Mỹ tới các vấn đề Hồi giáo. Indonesia, đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới, vì thế đóng vai trò quan trọng với Mỹ trong việc khôi phục lại hình ảnh của Mỹ với thế giới cộng đồng này. Trong suốt thời chính quyền Bush, nước Mỹ đã không gây được thiện cảm với thế giới đạo Hồi do chính sách đơn phương và học thuyết đánh đòn phủ đầu. Các cuộc điều tra cho thấy xu hướng chống Mỹ tăng lên ở hầu hết các nước Hồi giáo. Nghi ngờ và chống đối chính sách của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm cả quyết định tấn công Iraq, Afghanistan và chiến dịch chống lại chủ nghĩa khủng bố đã khiến quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo xuống mức thấp nhất.

Vì thế, thử thách đầu tiên của chính quyền Obama là sẽ phải đối mặt với sự thay đổi quyền lực ở cấp độ toàn cầu. Kỷ nguyên hậu 11.9 đã xoá bỏ quyền lực trung tâm của nhà nước và quân sự trong việc thống trị quan hệ quốc tế. Trong khi đó, nhiều tác nhân phi nhà nước đang ngày càng có ảnh hưởng toàn cầu sâu rộng hơn.

Tiến trình tái cấu trúc quyền lực thông qua quan hệ an ninh quốc tế đang được định hình, và một phần của tiến trình này là sự hồi sinh của chính trị Hồi giáo trở thành lực lượng tư tưởng quan trọng trong thế giới thứ ba, đặc biệt là trong thế giới Hồi giáo. Hassan Hanafi, một học giả Hồi giáo Ai Cập tên tuổi, đã miêu tả toàn cầu hoá là "chủ nghĩa thực dân mới", sự hồi sinh của chính trị Hồi giáo là phản ứng lại mô hình phương Tây và chủ nghĩa tư bản Mỹ.

Thách thức thứ hai nằm ở cấp độ quốc gia. Trong vài thập kỷ qua, nước Mỹ là người ủng hộ mạnh mẽ cho các chế độ tại nhiều nước Hồi giáo nhưng cũng lại là kẻ thù của những nước như Iran. Có nhiều luồng chỉ trích cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ đã áp dụng tiêu chuẩn kép đối với thế giới Hồi giáo, nhất là khi nước này luôn kêu gọi ủng hộ nhân quyền và dân chủ nhưng mặt khác lại vẫn ủng hộ những chế độ độc tài.

Thử thách tiếp theo đối với chính sách đối ngoại Mỹ - liên quan đến hai thử thách trên - là quan niệm xây dựng xã hội dân sự ở thế giới Hồi giáo. Trong vấn đề này, Mỹ gặp một số khó khăn. Một mặt, Mỹ không muốn tỏ ra thù địch với chính trị Hồi giáo vì tin rằng nó sẽ đe doạ đến lợi ích toàn cầu của họ. Nhưng mặt khác, Mỹ lại cho rằng không cần thiết phải ủng hộ chính trị với bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào, dù là ôn hoà hay cực đoan, để duy trì cân bằng quyền lực toàn cầu. Trong khi đó, chủ nghĩa hoài nghi trong các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ về các giá trị chính trị và dân chủ Hồi giáo vẫn đang tồn tại ở Mỹ.

Những cản trở đó đã cho thấy có khoảng cách giữa lời nói và hành động của Mỹ. Đó chủ yếu là vì thế giới Hồi giáo quá đa dạng, phức tạp, và nước Mỹ không thể áp dụng một chính sách "một chiếc áo cho tất cả". Nói cách khác, thế giới phương Tây - nước Mỹ - thiếu một chiến lược sâu rộng đối với thế giới Hồi giáo.

Sự hiện diện khó khăn của Mỹ ở thế giới Hồi giáo, đặc biệt là ở Trung Đông trong suốt thời gian qua cho thấy tình trạng bất ổn của vùng đất này (chủ yếu bắt nguồn từ sự phức tạp của các nhân tố lịch sử, văn hoá, tôn giáo và chính trị) là trở ngại lớn nhất cho bất kỳ quốc gia nào muốn tìm kiếm một chiến lược tổng quát đối với thế giới đạo Hồi. Đó cũng là nhân tố mà Ngoại trưởng Clinton và Chính quyền Obama phải tính đến khi muốn đưa mối quan hệ Mỹ-Indonesia lên một tầm cao mới, như bà Clinton đã tuyên bố.

Theo The Jakarta Post

Nguyễn Hoàng