Mô hình nuôi cá ruộng ở Mộ Đức:Vướng ở đầu ra sản phẩm

Ngọc Diên 02/02/2009 00:00

Cách đây 4 năm, nuôi cá trong ruộng lúa là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế và mang tính chiến lược của huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Đây cũng là một trong những bước đột phá của huyện trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, do chưa giải quyết được đầu ra cho sản phẩm nên chưa thể nhân rộng mô hình kinh tế này.

Bước đầu, mô hình đã vượt yêu cầu xây dựng cánh đồng 40 triệu đồng/ha/năm ở huyện Mộ Đức. Những ruộng lúa ở vùng trũng, những vùng ruộng bạc màu sản xuất lúa chỉ đạt năng suất trung bình từ 20-30 tạ/ha, sau chuyển đổi sang mô hình nuôi cá trong ruộng lúa đã cho năng suất đến 60-70 tạ/ha. Thời gian nuôi cá trong ruộng ngắn hơn so với thời gian nuôi cá trong ao, hồ. Ngoài ra, việc nuôi cá còn đem lại nhiều lợi ích cho cây lúa như cá ăn sâu bọ và côn trùng, cỏ dại hại lúa và sục bùn ruộng làm cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Vì vậy, giảm được lượng phân và thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí, tăng cường bảo vệ môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng.

Sau khi được huyện đầu tư thí điểm trên diện tích 10.000m2 năm 2003, nông dân xã Đức Thạnh đã học hỏi kinh nghiệm và tự nhân rộng mô hình lên 4ha. Anh Nguyễn Văn Tài tham gia nuôi cá trong ruộng lúa từ những ngày đầu ở Mộ Đức cho biết, vụ đầu tiên, mặc dù Trung tâm khuyến nông huyện hỗ trợ 100% giống cá và 70% chi phí thức ăn nhưng do thời tiết không thuận lợi, mưa bão đã làm thất thoát cá nên các hộ tham gia thí điểm mô hình cũng chỉ hòa vốn. Trong 2 năm 2004, 2005, anh Tài và các hộ khác tự đầu tư để tiếp tục thực hiện mô hình, mỗi năm thu lãi được gần chục triệu đồng/hồ 2.500 m2. Ngoài ra, khoảng chục hộ dân khác cũng đào ao, đóng giếng, kéo điện để thực hiệån mô hình cá - lúa. Tuy nhiên, do chưa giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm nên kết quả không được như mong đợi. Sau 3 năm thua lỗ, nhiều hộ quyết định chuyển hẳn sang trồng lúa hoặc sang nhượng hồ cho người khác. Toàn xã Đức Thạnh còn khoảng 3ha nuôi cá trong ruộng lúa, với 11 ao. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1 vài hộ nuôi cá, hầu hết đã chuyển sang sản xuất lúa nhưng năng suất rất thấp.

Chị Lâm Thị Nhi ở thôn Lương Nông Nam cho biết, năm 2004, thấy các hộ khác thực hiện mô hình nuôi cá trong ruộng lúa cho thu hoạch cao, gia đình chị cũng đào ao nuôi với diện tích 1.080m2. Tuy nhiên, liên tiếp trong 2 năm 2004-2005, gia đình chị đều bị lỗ vốn, cá thu hoạch xong phải đem bán lẻ ở các chợ trong huyện nên rất khó. Năm 2006, chị Nhi đã sang lại ao nuôi cho 1 hộ khác nhưng sau khi nuôi 1 vụ bị lỗ, hộ này cũng chuyển sang trồng lúa.

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản Thạch Trụ Đức Lân, ông Nguyễn Sương cho biết, trên cơ sở mô hình ở xã Đức Thạnh, HTX cũng đầu tư nuôi cá trong ruộng lúa trên diện tích 0,4ha ở Gò Mèn. HTX đầu tư vốn, thả 8.000 con cá giống các loại nuôi 1 vụ cá và sản xuất 2 vụ lúa. Những năm trước đây, vùng ruộng Gò Mèn trũng thấp nên năng suất lúa rất bấp bênh, khi chuyển sang nuôi cá trong ruộng lúa, năng suất đạt 60 tạ/ha, cá đạt trọng lượng 0,2con/kg. Tuy giá bán chỉ 10.000đ/kg nhưng thu nhập vẫn cao hơn trồng lúa. Tuy nhiên, HTX chỉ thực hiện trên diện tích 0,4ha, sản lượng cá thu được cũng chỉ bán nhỏ lẻ.

Năm 2006, sau khi tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình trên diện tích 4ha ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Vĩnh, xã Đức Phú, tổng diện tích nuôi cá trong ruộng lúa ở Mộ Đức tăng lên 12ha. Mặc dù cá nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất lúa đạt cao nhưng sản phẩm cá thu hoạch chỉ bán nhỏ lẻ. Vừa tốn công lại lâu hoàn được vốn, đa số nông dân chỉ lấy công làm lãi. Trong khi địa phương chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân thì lại tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình... Vì vậy, đến năm 2008, diện tích nuôi cá trong ruộng lúa ở Mộ Đức giảm xuống chỉ còn 4ha. Qua đó có thể thấy một vấn đề luôn thời sự trong thực hiện mô hình nuôi cá trong ruộng lúa ở Mộ Đức nói riêng và sản xuất hàng nông sản nói chung là đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, bên cạnh đầu tư nhân rộng, ngành chức năng, chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm để bảo đảm hiệu quả sản xuất và tính bền vững của mô hình.

Ngọc Diên