Người Trung Quốc mảnh dẻ
Điều gì khiến cho người Trung Quốc trông khá gầy? Có phải vì gien? Hay một lối sống năng động hơn? Dí dỏm và sâu sắc, Tại sao người Trung Quốc không tính calo là cuốn sách phân tích những gì tạo thành thực đơn hàng ngày của người Trung Quốc.

Trong cuốn sách mới Tại sao người Trung Quốc không tính calo (Why the Chinese Don't Count Calories), tác giả người Anh Lorraine Clissold trình bày phát hiện điều bí mật giúp cho người Trung Quốc trông vẫn rất gầy trong khi ăn rất nhiều bữa ăn ngon, thịnh soạn; Còn bà và những người Anh, Mỹ khác chỉ ăn salad nhẹ mà vẫn không kiểm soát nổi việc tăng trọng...
Nhận phỏng vấn từ nhà riêng ở North Yorkshire, câu trả lời cuối cùng của Clissold không gây ngạc nhiên: dùng thực đơn thường ngày truyền thống của Trung Quốc với sự cổ vũ của một nền tảng văn hóa mạnh mẽ. Nhờ đến 10 năm Clissold ở Bắc Kinh với tư cách giảng viên nấu ăn Trung Quốc và người giới thiệu chương trình nấu ăn trên kênh CCTV, cuốn sách sẽ khiến cho nhiều độc giả phải kiểm tra lại lối sống và thói quen ăn uống của mình.
Mặc dù không phải là cẩm nang ăn uống hàng ngày của bạn, cuốn sách cũng bao gồm các mẹo và công thức làm món ăn cho những độc giả không phải người Trung Quốc; Nhờ đó, họ có thể kết hợp với một số khía cạnh có lợi cho sức khỏe của chế độ ăn Trung Quốc vào cuộc sống của mình. Clissold đã chỉ ra một số điểm lý giải tại sao chế độ ăn của người Trung Quốc rất có lợi cho sức khỏe, từ những gì thực sự nên ăn đến thái độ đối với thực phẩm.
Rau đóng vai trò to lớn hơn trong ẩm thực Trung Quốc so với Anh hay Mỹ. Thay vì những “vai phụ” mờ nhạt như trong thực đơn của phương Tây, rau hầu như là “ngôi sao” trong bữa ăn của người Trung Quốc và được thưởng thức kèm với thịt trong tư cách là gia vị hay là món ăn thêm.

Thức ăn lỏng (liquid food) cũng đóng một vai trò quan trọng. Quan điểm của Trung Quốc và phương Tây về món soup (canh) hoàn toàn khác nhau. Soup phương Tây thường nhiều chất và thậm chí là “một bữa ăn thực thụ” nhưng soup Trung Quốc có xu hướng đơn giản dựa trên nước luộc thịt, cung cấp thành phần chất lỏng cho bữa ăn vốn đã đầy dinh dưỡng. “Bằng việc uống nước luộc rau, người ăn Trung Quốc đảm bảo rằng không bỏ sót vitamin nào trong quá trình chế biến”, bà Clissold nói.
Clissold cũng cho rằng, Trung Quốc có văn hóa ăn uống mạnh hơn, coi bữa ăn như một hoạt động cộng đồng. Trong khi bà luôn bị quyến rũ bởi ẩm thực, cách nhìn của người Anh đối với thức ăn thường dựa trên sai lầm là bao nhiêu lượng calo được tiêu thụ. "Ở Trung Quốc, tôi thấy xung quanh mình là những người rất thích thú với việc ăn uống, họ ăn phải cho đủ ba bữa trong ngày và không bao giờ lo lắng về việc trở nên béo hay nói về việc cắt bớt lượng chất sau một bữa ăn ngon”, bà nói.
Một trong những phần hấp dẫn nhất của cuốn Tại sao người Trung Quốc không tính calo là kiểm nghiệm của bà Clissold về việc văn hóa ẩm thực Trung Quốc chịu ảnh hưởng như thế nào của tư tưởng Lão giáo về thức ăn và cơ thể. “Người Trung Quốc chẳng bao giờ băn khoăn về những gì bạn ăn liên quan trực tiếp đến tình trạng sức khỏe. Họ ăn để nuôi toàn bộ cơ thể, hơn là lo lắng về hình dạng bên ngoài như nhiều chế độ ăn ở phương Tây”, Clissold cho biết.
Bà miêu tả sự cần thiết về độ cân bằng trong chế độ ăn, cân bằng cả âm và dương cũng như năm khẩu vị: ngọt, cay, mặn, chua và đắng. Mỗi khẩu vị ảnh hưởng đến một cơ quan khác nhau; Chẳng hạn, vị ngọt ảnh hưởng đến lá lách và dạ dày trong khi vị đắng ảnh hưởng đến tim và ruột non. “Dung lượng gia vị hợp lý sẽ giúp ích cho cơ quan; Quá nhiều sẽ khiến nó mất trật tự và phá hoại cơ quan đó”, bà nói, “Một chế độ ăn Trung Quốc đúng đắn sẽ làm nổi bật sự pha trộn giữa thức ăn âm và dương cùng năm vị”.
Clissold cho rằng người phương Tây có xu hướng “quá tay” trong những hương vị đặc trưng trong chế độ ăn của họ, khiến cho cơ thể, theo lý thuyết ẩm thực Lão giáo, mất cân bằng và hoạt động chức năng khác thường. “Thức ăn ngọt (và nhạt) là hương vị nổi trội trong hầu hết thực đơn ăn phương Tây, điều lý giải tại sao cạp quần/váy của nhiều người phương Tây phải giãn ra tối đa và tình trạng rối loạn tiêu hóa rất phổ biến”.
Một phát hiện đáng ngạc nhiên mà Clissold tìm ra trong cuộc điều tra nghiên cứu là trên thực tế, người Trung Quốc tiêu thụ một lượng calo nhiều hơn 30% so với người phương Tây nhưng duy trì sự mảnh dẻ nhiều hơn 20%. Kết luận này cũng trùng với một tuyên bố gốc Colin Campbell thực hiện trong Nghiên cứu Trung Hoa, một cuộc khảo sát toàn diện nhằm kiểm tra mối liên hệ giữa chế độ ăn và bệnh tật ở Trung Quốc và những nước khác.
Tuy nhiên, Nghiên cứu Trung Hoa ca ngợi cách ăn của người Trung Quốc ở nông thôn, một nguy hiểm mà bà Clissold nhìn thấy là khi Trung Quốc hiện đại hóa, bản thân người Trung Quốc đã dần rời xa chế độ ăn truyền thống và chạy theo thói quen ăn uống của phương Tây như ăn nhanh, ăn qua loa, mua thực phẩm chế biến sẵn... dẫn đến những căn bệnh của thời đại công nghiệp hóa như ung thư, đái đường, béo phì.
Mặc dù vậy, bà Clissold kết thúc cuốn sách với một ghi chú lạc quan về ảnh hưởng nước ngoài trong cách nấu nướng Trung Hoa: “Tôi có niềm tin rằng ảnh hưởng sẽ không lâu dài. Cho đến nay văn hóa Trung Quốc đã làm rất tốt việc chống lại sự xâm nhập”.
Theo China Daily