Hậu sữa có chứa chất melamine: Nông dân và doanh nghiệp lao đao

MAI HÀ thực hiện 20/01/2009 00:00

“Cơn bão melamine” đã đi qua song người dân nuôi bò sữa vẫn tiếp tục phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Những ngày qua, nông dân tại các vùng nuôi bò sữa lớn ở phía Bắc đã phải đổ đi hàng tấn sữa tươi do không tiêu thụ được. Nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và nông dân, mới đây, Cục Chăn nuôi, Bộ NN và PTNT đã có cuộc trao đổi khá thẳng thẳn với đại diện các doanh nghiệp, cơ sở thu mua và cả người chăn nuôi. Tuy nhiên, trước khi các giải pháp được triển khai thì mỗi ngày, hàng tấn sữa chưa được doanh nghiệp thu mua vẫn sẽ tiếp tục trôi nổi trên thị trường.

      Thiệt thòi nhất vẫn là nông dân
      Nông dân Nguyễn Như Tám, Vĩnh Phúc: Nuốt nước mắt, người nông dân buộc phải đổ sữa đi
Nuốt nước mắt, người nông dân buộc phải đổ sữa đi. Họ không còn con đường nào khác. Hiện cơ sở sản xuất của chúng tôi thu mua 120 tấn/tháng nhưng công ty thì chỉ thu mua từ 80-90 tấn/tháng, trong khi sữa chỉ bảo quản tối đa được 2 ngày, nên có ngày chúng tôi phải đổ đi cả xe ô tô sữa. Nhiều người dân đã phải bán dần bò sữa vì không đủ tiền trang trải. Đề nghị Nhà nước cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp để đủ sức cáng đáng và ưu tiên sản xuất sữa tươi, nếu không cả doanh nghiệp và nông dân sẽ còn lao đao.
      Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, Sóc Sơn, Hà Nội Hoàng Đức Cường: Nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, đến Tết có thể sẽ lại tái diễn tình trạng đổ sữa 
      Xã Phù Đổng có 1.300 con bò sữa, trong đó có 700 con đang trong thời kỳ khai thác. Để Hà Nội duy trì được đàn bò, đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết vốn vay cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp không đủ khả năng thu mua sữa tươi thì người nông dân sẽ rất khốn khó. Hiện nông dân đã khốn khó đến mức không còn quan tâm về giá mà chỉ cần biết doanh nghiệp có thu mua sữa hay không. Vấn đề ở chỗ các cơ sở thu mua ở Phù Đổng không ký hợp đồng chính thức với một doanh nghiệp sữa nào, bởi thế khi thị trường ổn định, sữa được tiêu thụ dễ dàng, nhưng khi doanh nghiệp ngừng thu mua do sự cố melamine, cá biệt Hanoimilk giảm tới 50% sản lượng sữa tươi nhập vào, lập tức nông dân rơi vào tình cảnh lao đao, hoang mang. Mỗi ngày, lượng sữa tươi dư thừa trung bình lên tới hơn 1 tấn. Người thu gom không thiệt hại nhiều nhưng nông dân thì chịu thiệt lớn nhất. Nếu Bộ NN và PTNT không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, đến Tết có thể sẽ lại tái diễn tình trạng nông dân phải đổ sữa đi như vừa qua.
      Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty sữa Hà Nội (Hanoimilk) Trần Đăng Tuấn: Công ty chỉ sản xuất cầm cự 
      Hanoimilk đã cố gắng xây dựng vùng nguyên liệu rất lâu. Tuy nhiên, những khó khăn trong tiêu thụ bắt nguồn từ cơn bão melamine đã khiến Hanoimilk phải cắt giảm sản lượng tiêu thụ. Trước đây, Hanoimilk thu mua 40 tấn/ngày thì giờ chỉ có thể thu mua 20 tấn/ngày. Trong khi đó, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ rất chậm do người dân vẫn còn lo ngại về nguy cơ sữa chứa chất melamine. Lúc này, doanh nghiệp và người dân cần bắt tay cùng nhau giải quyết khó khăn, không nên để sữa phải đổ đi. Hanoimilk cam kết thu mua tăng từ 30-40% sản lượng sữa tại Vĩnh Yên để hỗ trợ người nông dân. Theo hợp đồng, đầu năm 2008, Hanoimilk thu mua 750 kg sữa/ngày, nhưng thực tế Hanoimilk đã thu mua gấp đôi (1,5 tấn/ngày), và mới đây đã quyết định tăng lên 2 tấn/ngày, dù công ty chỉ sản xuất cầm cự vì đầu ra cho sản phẩm bị hạn chế rất nhiều. Thiết nghĩ, chỉ khi những gì liên quan tới melamine kết thúc thì bà con nông dân mới có thể bán được sữa.
      Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm: Cần nói thẳng, nhìn thẳng vào số liệu thật để tìm cách giải quyết
      Cần nói thẳng, nhìn thẳng vào số liệu thật để tìm ra cách giải quyết. Hiện tại Hà Nội có 6.800 con bò sữa, trong đó có 3.200 con đang cho sữa với 45 tấn sữa/ngày. Chỉ tính riêng xã Phù Đổng, huyện Sóc Sơn, đã có 9/48 điểm thu mua sữa. Nhiều điểm thu mua sữa cho biết đang phải đổ đi hàng tấn sữa do không bán được. Trong trường hợp này, các cơ sở thu mua sữa phải chấp nhận cơ chế thị trường bởi thay bằng ký kết các hợp đồng kinh doanh bài bản với các công ty sữa thì họ lại làm ăn theo kiểu chộp giật. Đến khi xảy ra sự cố melamine, các cơ sở này không bán được sữa, phải đổ đi thì chỉ người nông dân là thiệt thòi nhất. Từ vụ việc này có thể thấy, công tác quản lý các điểm thu gom sữa chưa được quản lý chặt chẽ đã dẫn tới tình trạng kinh doanh độc quyền của các cơ sở này. Về lâu dài, cần có định hướng phát triển các sản phẩm từ sữa tươi để tận dụng nguồn sữa tươi trong nước, tổ chức sản xuất, hợp tác thu mua tránh tình trạng ăn đong. Nhưng đó là về lâu dài. Còn trước mắt, để giải quyết khó khăn cho nông dân, đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua tăng thêm 30% công suất. 
      Tuyệt đối không nên đổ bỏ sữa
      Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN và PTNT Hoàng Kim Giao: Việc thu mua sữa tươi chỉ ứ đọng chỉ ở hai điểm Phù Đổng và Vĩnh Yên 
      Việc thu mua sữa tươi chỉ ứ đọng ở hai điểm là xã Phù Đổng, Hà Nội và Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Tình trạng sữa ứ đọng không chỉ là nỗi lo trước mắt mà về lâu dài còn liên quan tới vấn đề phát triển đàn bò sữa, đặc biệt đáng lo nhất là sữa sẽ bị ứ đọng trong những ngày Tết. Thực sự đau xót và cảm thông với nỗi khổ của người chăn nuôi khi phải đổ sữa đi. Bò sữa là giống vật nuôi khó, sữa tươi cũng rất khó bảo quản, bởi thế việc đổ sữa càng đáng tiếc. Sở dĩ có điều này là bởi bão melamine đã ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sữa trên toàn quốc (giảm 20%). Vào mùa đông, sản lượng sữa cao hơn nhiều, trong khi giá sữa thế giới (khoảng 4.000 đồng/lít) đang thấp hơn rất nhiều so với giá sữa trong nước (từ 6.500-8.000 đồng/lít) đã khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà. Chưa kể, người thu mua và sản xuất sữa do không biết cách bảo quản đã khiến sữa bị giảm chất lượng, không tiêu thụ được, ứ đọng và phải đổ đi. 
      Để ổn định tình hình sản xuất, thu mua và chế biến sữa tươi, các Sở NN và PTNT phải thống kê chính xác số sữa sản xuất, tiêu thụ, thu gom hiện có cũng như khả năng sản xuất và tiêu thụ sữa trong thời gian tới. Giải tỏa ngay những nơi sữa sản xuất bị tồn đọng, tránh tình trạng bà con nông dân phải đổ sữa như vài ngày qua; Các điểm thu mua sữa phải ký kết hợp đồng với các nhà máy, tránh tình trạng bán tự do trên thị trường; Cùng với đó, người chăn nuôi bò sữa nên loại thải những con bò sữa không đạt tiêu chuẩn, nhưng cũng không vì thế mà hủy đàn bò sữa đã mất nhiều công gây dựng. Trước mắt, bà con nên chủ động tiêu thụ bằng cách xử lý uống sữa tươi, sữa chua, làm bánh sữa, ủng hộ trường học. Các doanh nghiệp cần tạo mọi điều kiện thu mua hết sữa sản xuất cho nông dân. Về lâu dài, Cục Chăn nuôi đã và sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ bốn giải pháp cơ bản là nâng thuế nhập khẩu sữa bột theo đúng lộ trình AFTA; Áp dụng quota đối với sữa bột nhập khẩu; Không cho phép xây dựng nhà máy sữa nếu chỉ nhập sữa bột mà không mua sữa tươi trong nước để chế biến sữa hoàn nguyên; Hỗ trợ nông dân mức 1 triệu đồng/con bò sữa đối với khu vực gặp khó khăn.

MAI HÀ thực hiện