Vì sao HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Tân không hoạt động?

Ngọc Diên 08/12/2008 00:00

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án "Sắp xếp tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) giai đoạn 2004-2006, bộ máy các HTX ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi đã tinh gọn hơn, qua đó đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn một số HTX hoạt động yếu kém. Trong số này, HTX DVNN Minh Tân, xã Đức Minh hiện đã không còn hoạt động.

      Bà Phạm Thị Ái ở Đội 2, HTX DVNN Minh Tân cho biết: diện tích đất ruộng ở Đức Minh rất ít, gia đình chỉ có mấy sào đất màu trồng mía, mì để sinh sống. Hộ bà Ái có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 400m2 ruộng. Bao nhiêu năm sản xuất nông nghiệp, gia đình hiếm khi được HTX khuyến cáo nên dùng giống gì để gieo sạ, hay thông báo tình hình sâu bệnh để phòng trừ kịp thời. Mong muốn của xã viên là được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất lúa nhưng ở HTX này, hầu hết người dân đều phải tự “mày mò” trong sản xuất.
Nói về HTX Minh Tân, ông Nguyễn Mười thở dài: nhà ông có 6 khẩu nhưng cũng chỉ có 1,5 sào ruộng cấy lúa. Từ năm ngoái đến nay, vợ và hai đứa con của ông phải vào miền Nam kiếm sống, vì ở quê làm ruộng không đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình. Theo tính toán của ông, trồng lúa bây giờ quá khó khăn. Giá cả phân bón, nhân công tăng cao, trong khi đó năng suất không cao lắm. 1,5 sào trồng lúa của gia đình giỏi lắm cũng được 10 bao lúa/vụ nhưng phải tốn mất 635.000 đồng tiền cày bừa, tiền giống, 3 đợt phân, công gặt và vận chuyển lúa về nhà. Do HTX Minh Tân không hoạt động nên xã viên phải tự tìm, học hỏi kỹ thuật canh tác... Vì vậy, năng suất lúa ở Minh Tân luôn thấp hơn các địa phương khác.   
      Phó chủ nhiệm HTX DVNN Minh Tân Phạm Xuân Mẫn cho biết: năm 2003, HTX DVNN Minh Tân được bầu 3 thành viên mới, một chủ nhiệm, một phó chủ nhiệm và kế toán. Sau đại hội nhiệm kỳ mới, HTX ổn định, đăng ký hợp đồng dịch vụ thuỷ lợi cho xã viên. Tuy nhiên, các dịch vụ khác như giống, phân bón, công tác thú y... không thực hiện được. HTX lại không có bất kỳ một nguồn vốn nào để hoạt động cũng như trả lương cho cán bộ. HTX DVNN Minh Tân hiện đang rơi vào cảnh “3 không": không trụ sở, không lương và không kinh phí hoạt động.  Ông Mẫn cho biết, suốt một nhiệm kỳ qua bản thân ông chưa hề nhận được một khoản thù lao nào từ HTX. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Vương cũng đi buôn bán từ năm 2004! (?). Tài sản còn lại bây giờ của HTX là một nhà kho... cho dân chất củi. 
      Phó chủ tịch UBND xã Đức Minh, ông Võ Minh Quang cho biết, HTX DVNN Minh Tân hoạt động yếu kém từ thời kỳ bao cấp, nợ đọng trong dân kéo dài nhiều năm liền. Đến năm 1998, huyện Mộ Đức chỉ đạo Đại hội xã viên, bầu lại Ban quản trị, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm nhằm củng cố HTX. Tuy nhiên, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Diện tích đất ruộng do HTX quản lý quá ít, toàn HTX chỉ có 18ha đất sản xuất lúa, lại ở xa. Diện tích này phân bổ không liên vùng, mỗi nơi chỉ từ 4-5ha, có nơi chưa đầy 1ha, gây khó khăn cho việc chủ động nguồn nước tưới tiêu, dẫn đến tình trạng hạn hán, ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến năng suất lúa. 
      Theo ông Phạm Xuân Mẫn, để HTX khôi phục hoạt động trở lại, cần có sự giúp đỡ của các ngành, hội đoàn thể ở địa phương. Bởi, nếu chỉ có 2 thành viên còn lại, HTX không đủ sức hoạt động. Bên cạnh đó, tỉnh và huyện cần có kế hoạch dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện thuận lợi trong canh tác cho nông dân Đức Minh. Có như vậy, mới bảo đảm được quyền lợi cho xã viên, nhất là điều kiện tiếp cận và được chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng.

Ngọc Diên