Thơ không vần thành... có vần

Trần Quang Đạo 26/11/2008 00:00

... Đỗ Hoàng lôi bài thơ Mãi viên trà của người bạn thân thiết nhất là Hoàng Vũ Thuật ra dịch. Dịch xong, Đỗ Hoàng liền mang sang nhà nhà thơ Lê Đình Cánh – một người thơ sành lục bát - đọc cho ông nghe. Lê Đình Cánh “tiếp sức” cho Đỗ Hoàng bởi những lời khen ngất trời. Đặc biệt ông thích hai câu cuối: “Kết vào nhau tựa thêu thùa/ Linh hồn tôi với ngải bùa cỏ cây” (nguyên bản: Kết dính vào nhau/ linh hồn tôi/ dính vào cành lá).

      Tôi đã đọc hết những bài thơ của Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tùng, Trịnh Thanh Sơn... do Đỗ Hoàng dịch. Phải công nhận anh dịch lục bát rất khá. Không có một câu thơ nào lỗi vần. Ý tứ lại chuẩn. Bài thơ Giấc mơ đi qua của Vi Thùy Linh được anh dịch thành lục bát, nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là “hay một cách bất ngờ”. Tôi xin trích khổ thứ hai trong bài thơ đó, nguyên bản: Đêm qua rơi dải khăn mây/ Gió đợi chờ nhau thơ thác/ Này đọt yêu thương/ Lớn trên tay những mầm khao khát. Bản dịch: Mây đêm buông xuống bất ngờ/ Thơ reo tiếng nhạc, gió chờ đợi nhau/ Tình yêu có phép nhiệm màu/ Dồn khao khát nhớ lên đầu ngón tay. 
      Không giống như dịch thơ chữ Hán ra thơ Việt, Đỗ Hoàng dịch rất sát nghĩa, song dịch thơ Việt ra thơ Việt, có những chỗ anh “phải thêm lời, ý tứ vào bài thơ mới rõ nghĩa, vì bản chính tắc tị”. Vì vậy anh bảo nhiều khi phải “nghĩ nát óc” để đọc thơ, luận nghĩa. Đọc để hiểu được thơ của các nhà thơ “đổi mới” đã khó, dịch nó lại càng khó hơn. Khó bởi phải dịch làm sao thật sát, thật hay để người có bài thơ được dịch phải chịu, người đọc, người nghe phải khen. Thành công cũng có, song thất bại cũng không ít. Nguyên nhân thất bại là do không hiểu nổi bài thơ của tác giả đó nói gì, hoặc phải thêm ý của mình vào quá liều lượng. Đỗ Hoàng đơn cử một ví dụ nhỏ về tiêu đề bài thơ của Hoàng Vũ Thuật, có tên Mãi viên trà. Khi mới đọc, Đỗ Hoàng không thể hiểu nổi. Sau này, có dịp vào Đồng Hới, Quảng Bình, anh mới thấy có cái quán tên Mãi Viên Trà mới vỡ lẽ. Thế mà khi dịch, chữ “Mãi Viên Trà” anh không thể nào dịch được, đành để nguyên. 
      Một lần gặp nhà thơ Hoàng Vũ Thuật ở Đồng Hới, tôi cho anh xem bài thơ Mãi Viên Trà do Đỗ Hoàng dịch. Hoàng Vũ Thuật đọc rất chăm chú. Đọc xong, ngẩng lên anh bảo: “Hoàng dịch rất chuẩn, lục bát có thần”. Nhưng sau đó mặt anh lặng buồn, nhìn ra cửa biển nói tiếp: “Đỗ Hoàng cũ lắm rồi. Bài thơ nào cũng dịch ra lục bát theo âm điệu của thế kỷ 18 thì còn gọi gì là thơ đời nay nữa...”.

Trích từ bài Nhà thơ Đỗ Hoàng, người dịch thơ Việt ra... thơ Việt

Trần Quang Đạo