Di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội

Lê Thủy 24/11/2008 00:00

Với khoảng 800 biệt thự có giá trị đặc biệt và mang vẻ đẹp trường tồn với thời gian, các công trình kiến trúc kiểu Pháp đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong di sản kiến trúc của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trải qua thời gian và do nhu cầu của con người, một số công trình đang đứng trước nguy cơ xuống cấp nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời.

      Là thủ đô của Đông Dương dưới thời Pháp thuộc trong suốt 80 năm, Hà Nội thời kỳ đó đã trải qua một quá trình thay đổi về diện mạo đô thị để rồi đến nay trở thành một nhân chứng có giá trị đặc biệt nhờ chất lượng kiến trúc, mật độ và sự đa dạng của không gian đô thị đó. Các di sản kiến trúc Pháp không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ... Những biệt thự xinh xắn nằm trong vườn cây xanh rợp bóng hay những tòa nhà công sở bề thế, nghiêm trang theo lối kiến trúc Pháp đã chứng tỏ được sự phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Hơn nữa, các công trình ấy đứng xen lẫn một cách hài hòa với những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Á Đông và bổ sung lẫn nhau, đã tạo nên diện mạo đặc trưng của Hà Nội. 
      Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Các di sản kiến trúc Pháp như những giá trị văn hóa của người Pháp đóng góp cho dáng vẻ của Hà Nội. Đối với Hà Nội, ngoài bản sắc dân tộc, chủ yếu thể hiện trong không gian, thì về đô thị, dấu tích rõ nhất là kiến trúc của người Pháp gây dựng vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX... Hiện tại, các di sản kiến trúc Pháp đã mất đi rất nhiều do nhu cầu của đời sống, nhưng chủ yếu là do cách quản lý. Nếu ta thay đổi cung cách quản lý trên cơ sở nhận thức được những giá trị ấy thì chúng ta có thể sẽ giữ được. Điều đó không có nghĩa là ta lập bảo tàng mà phải tìm ra các sắc thái đặc thù của nó để có hướng phát triển”. 
      Đánh giá hiện trạng các công trình di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội, các chuyên gia Pháp cho rằng: Các công trình kiến trúc sử dụng vào mục đích công cộng như Nhà khách Chính phủ, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử, Nhà Bưu điện… đang được bảo vệ rất tốt và hầu như giữ nguyên trạng như khi mới xây dựng. Các khu phố của Pháp như Chu Văn An, Nguyễn Du, ô phố phía Bắc hồ Thiền Quang… được nhà dân ở và sử dụng cũng được bảo vệ. Tuy nhiên khu phố cổ của Pháp ở Hàng Ngang, do tập trung dân cư đông đúc, sử dụng vào mục đích thương mại quá nhiều nên bị xuống cấp trầm trọng, nằm trong danh sách khu phố cần được cải tạo. Ngoài ra, một số công trình đơn lẻ cũng cần được bảo tồn như biệt thự ở 65 Lý Thường Kiệt, 22 Hàng Bài, 107 Trần Hưng Đạo...

      Vừa qua, ở Hà Nội đã có một số hội thảo, triển lãm, dự án nghiên cứu về di sản kiến trúc Pháp như hội thảo Văn hóa kiến trúc Pháp với thủ đô Hà Nội, hội thảo giai đoạn 1 dự án Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu phố kiểu Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm, triển lãm Di sản kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội và Antananarivo... Các hoạt động này đã làm rõ tầm quan trọng của di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội, đồng thời nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các biện pháp cải tạo, giữ gìn, bảo tồn các di sản kiến trúc ấy. Hiện tại, Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện dự án Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm – khu vực tập trung phần lớn các yếu tố di sản có giá trị đặc biệt, kết hợp nhiều phong cách như cổ điển, art-deco hay Đông Dương. Sau khi dự án này thành công mới có thể mở rộng việc bảo tồn ra các vùng khác trong thành phố. Tuy nhiên, trước nhu cầu bảo vệ khẩn cấp, thời gian tới, thành phố cần khoanh vùng những khu vực ưu tiên dựa trên việc xếp hạng di sản, bảo vệ những công trình đơn lẻ nhất thiết phải gìn giữ.

Lê Thủy