Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản
Theo UBND TP Hà Nội, đến sáng 1.11, ước tính tổng thiệt hại do trận mưa lớn kỷ lục từ đêm 30.10 đã lên đến xấp xỉ 3.000 tỷ đồng(?). Trên 10.000 hộ dân ven đê, vùng trũng dọc theo các triền sông bị ngập nhà cửa và nhiều công trình dân sinh như trường học, trạm y tế bị ngập úng.

Diện tích cây trồng vụ đông bị úng ngập, khả năng không còn khả năng cho thu hoạch lên đến 45.000 ha, thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng. Diện tích thủy sản bị ngập khoảng 9.000 ha, ước thiệt hại khoảng 810 tỷ dồng. Mưa lớn gây sự cố mất điện nhiều khu vực cũng gây khó khăn cho việc bơm tiêu chống úng, điều hành chỉ đạo chống úng và sinh hoạt của nhân dân. Tuyến đê sông Hồng cũng đã xảy ra sự cố sạt, trượt mái đê, bờ sông. Trong đó, huyện Mê Linh xảy ra hiện tượng sạt trượt mái đê khu vực xã Chu Phan, sạt lở bờ sông khu vực xã Tráng Việt. Huyện Đan Phượng xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng khu vực bờ sông thuộc xã Liên Trung. Các tuyến đê cấp 3, cấp 4, đê bối thuộc tuyến sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Mỹ Hà... nhiều đoạn bị tràn bờ, sạt lở. Hầu hết các hồ chứa nước, mức nước đã dâng cao hơn mức cho phép từ 1 - 2m.




Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực tham gia ứng cứu; Phân công lãnh đạo xuống các quận huyện chỉ đạo trực tiếp công tác chống úng nhằm giảm thiểu thiệt hại; Đồng thời yêu cầu các ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức thường trực 24/24h xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Tại các tỉnh Bắc Trung bộ, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và hạ lưu sông La đang dao động ở mức đỉnh. Sáng ngày 1.11, lũ sông Bưởi tại Kim Tân có khả năng đạt đỉnh ở mức 11,8m, trên báo động III 0,3m; Sông Cả tại Nam Đàn đạt đỉnh 7,5m, dưới báo động III 0,4m; Sông La tại Linh Cảm ở mức 5,4m, dưới báo động II 0,1m; Sông Mã tại Lý Nhân lên mức 10,0m, dưới báo động II 0,5m... Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong những ngày qua đã làm 12 người chết và mất tích, đồng thời gây thiệt hại về vật chất ước tính lên tới gần 200 tỷ đồng.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và các bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp đối phó với mưa, lũ.