Quốc sư Nguyễn Minh Không

Tân An 02/11/2008 00:00

Lý Quốc Sư hay thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không là một nhà sư tài danh. Ông được coi là thần y khi chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông và được phong làm Quốc sư. Ông còn được mệnh danh là ông tổ đúc đồng, người tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý.

      Các vị thiền sư chính là một bộ phận trí thức của nhà nước Đại Việt đương thời, có khả năng giáo hóa dân chúng một cách sâu, rộng. Những vị tăng sư dày công quả và có học vấn cao sâu thường được nhà vua mời đến hỏi ý kiến về việc nước, được các vua Lý ban cho tên hiệu, cao hơn, được phong làm Quốc sư. Quốc sư không chỉ là vị vọng cao quý trong Thiền gia, mà còn có địa vị tôn kính nơi triều chính. Những khi có việc quốc gia trọng đại, vua thường mời Quốc sư đến dự bàn, không phải quỳ lạy mà còn có ghế riêng để ngồi. Như trường hợp đại sư Trí Thông trụ trì ở chùa Khai Quốc, thành Thăng Long, triều Lý Nhân Tông (1066 – 1127), do có học vấn sâu sắc và trí tuệ mẫn tiệp đặc biệt, đã được Hoàng Thái hậu nhiếp chính Ỷ Lan đặt cho tên hiệu là Thông biện đại sư. Về sau, Thông biện đại sư còn được mời vào triều làm Quốc sư.
      Một trường hợp đặc biệt, chúng tôi nêu ra trong bài viết này, mà sử sách có ghi chép ít nhiều, là Sách Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ nhà Lý, phần viết về vua Lý Thần Tông, ghi: “Tuy thân mang ác tật nhưng rồi chữa lành, cũng là nhờ ý trời cả”, chỉ việc liên quan đến Nguyễn Minh Không đã chữa bệnh cho vua. Cũng sách Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn chép việc xảy ra trong tháng 3.1136, ghi rõ: “Vua (Thần Tông) bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư”. Vào năm Thiên Trường Bảo tự thứ tư, 1136, vua Lý Thần Tông đã ban cho Nguyễn Minh Không tôn hiệu Quốc sư và còn sai dựng một tòa Tịnh xá (nhà yên tĩnh, sạch sẽ) ở bên cạnh chùa Sùng Khánh, để mỗi khi Quốc sư có việc lên Kinh Thành, sẽ lấy đó làm chỗ nghỉ. Sau này, khi ông viên tịch, tòa Tịnh xá được dùng làm ngôi đền thờ ông, gọi là đền Lý Quốc sư. 
      Các thư tịch xưa không chép nhiều về công trạng của Quốc sư Nguyễn Minh Không đối với các vua nhà Lý, nhưng những truyện, chí thì ghi lại câu chuyện trong dân gian với nhiều màu sắc thần kỳ về vị cao tăng có nhiều công quả này. Ông tên tục là Nguyễn Chí Thành, trụ trì ở chùa Quốc Thanh, pháp hiệu là Minh Không thiền sư. Tục truyền, Minh Không và Từ Đạo Hạnh vốn là bạn thân từ bé, lớn lên cùng xuất gia đi tu, rồi cũng cùng học đạo. Đến khi đắc đạo, hai người cùng trở về. Giữa đường, Đạo Hạnh muốn thử tài của Minh Không liền vượt trước, hóa thành một con hổ phục trong bụi, rồi chồm ra dọa Minh Không. Nhưng Minh Không đã biết trước, cứ ung dung nói với con hổ: “Đạo huynh đấy à? Tưởng đạo huynh làm gì ích lợi cho đời, lại đi làm thú dữ hại người đấy ư? Đạo huynh muốn thế, kiếp sau sẽ được làm mà…” Từ Đạo Hạnh biết mình còn kém Nguyễn Minh Không, hiện lại nguyên hình, lạy tạ và khẩn khoản nói: “Ngu đệ không tự biết mình, trót làm điều xúc phạm, xin đạo huynh tha thứ. Quả báo sau này có sa vào nghiệp chướng ấy, xin đạo huynh ra tay cứu giúp.” Rồi hai người lại tiếp tục con đường tu hành. Về sau, Từ Đạo Hạnh hóa thân làm con của Sùng Hiền hầu, em ruột vua Lý Nhân Tông, được đặt tên là Dương Hoán.
      Vua Nhân Tông không có con trai, lấy Dương Hoán làm Hoàng thái tử. Sau, Dương Hoán được kế ngôi, tức là vua Lý Thần Tông (1128 – 1138). Làm vua được 4 năm, Thần Tông bỗng mắc bệnh quái lạ, sau cơn sốt li bì, khắp mình mọc đầy lông, móng tay móng chân mọc dài và nhọn như vuốt hổ, suốt ngày cào cấu, gầm thét. Các danh y khắp nước được vời đến, nhưng không ai chữa được bệnh cho vua. Triều đình phái sứ giả đi các nơi cầu người có tài về chữa bệnh cho vua. Sứ giả đến vùng núi Tử Trầm, nơi Minh Không trụ trì, thấy trẻ con hát câu đồng dao: “Tập tầm vông. Có Nguyễn Minh Không chữa được mình rồng thiên tử…” Sứ giả liền hỏi thăm và tìm được Nguyễn Minh Không, mời ông vào triều. Minh Không xin cho đặt vạc dầu, rồi xin rước vua đặt trên vạc dầu, và ông đọc những câu kệ, tay cầm cành dương chấm vào vạc dầu, vẩy nhẹ lên khắp mình nhà vua. Chỉ một lát, nhà vua rụng hết lông, móng vuốt và trở lại mình rồng đẹp như xưa…
      Câu chuyện về Nguyễn Minh Không được lưu truyền qua nhiều đời, trong dân gian, được chép vào sách vở, thư tịch. Ngoài những yếu tố kỳ lạ, nó thấm nhuần triết lý sâu xa về phẩm hạnh cũng như sức mạnh của thiền gia. Người dân Việt nhớ tới Quốc sư triều Lý là nhớ đến câu chuyện sâu sắc đó…

Tân An