Những hành trình dấn thân

Đăng Bẩy 30/10/2008 00:00

Nét đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp văn học của Le Clézio là cuộc dấn thân vào thế giới của người dân gốc Mexico và Panama - sống giữa thổ dân da đỏ, tiếp cận đời sống hàng ngày và phong tục tập quán lâu đời của họ - để cho ra đời những cuốn sách tái hiện thần thoại của thổ dân châu Mỹ, sau này là châu Phi. Tiểu thuyết Sa mạc thuộc số những cuốn sách ấy.

      Người thu lượm văn minh Âu- Phi- Mỹ- Á
      J. M. G. Le Clézio (sinh ngày 13.4.1940), ngay từ năm 23 tuổi đã giành được giải thưởng văn học Renaudot với tiểu thuyết đầu tay Biên bản vụ án (Le proces-verbal). Ông được đánh giá là nhà văn thường xuyên lo lắng cho “con người nhỏ bé” với những áp đặt và sự bất lực của nó. Từng chu du suốt Mexico và Panama, ông dám dành một thời gian sống giữa những người thổ dân da đỏ để sau đó hạ bút gọi họ là “những con người phóng khoáng cuối cùng”. Cho đến thời điểm này, sự nghiệp sáng tác của Le Clézio được đánh dấu bằng hơn ba chục đầu sách, gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn và những bản dịch thần thoại Mexico. Cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1991 Onitsha (tên một thành phố ở Nigeria, nơi người cha của nhân vật chính từng sinh sống) có phần tự truyện đáng kể: một tuổi thơ sớm mê văn chương, ham viễn du, rồi gia đình ly tán... Cha là người Anh, mẹ người Pháp, từ nhỏ nhà văn tương lai đã sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ Anh – Pháp, đến tuổi thiếu niên đã làu làu tiếng Tây Ban Nha. Thời học sinh ngồi ghế nhà trường khi ở Briston (Anh), khi ở Nice, học đại học ở Aix-en-Provence rồi nhận bằng Tiến sỹ Lịch sử Mexico ở Perpignan (miền nam nước Pháp). Tuy nhiên đường công danh của Le Clézio trong khoa học chậm chạp hơn nhiều so với văn học: cuốn tiểu thuyết đầu tay Biên bản vụ án ra đời năm 1963, khi tác giả vừa 23 tuổi, còn bản luận văn tiến sỹ thì đúng 20 năm sau mới bảo vệ xong. Chu du nhiều nước Nam Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á, trong đó dừng lại khá lâu ở những nước Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản và Nigeria. Điều này giúp nhà văn có cơ hội không những quan sát kỹ văn hóa, bản sắc dân tộc ở từng nước đó với những khác biệt về chất so với văn hóa Tây Âu, mà còn đi sâu tìm hiểu một thế giới trọn vẹn thực thụ, trong đó con người cảm nhận về mình hoàn toàn khác so với cái không gian quen thuộc và ngột ngạt của nền văn minh đương thời. 
      Từ tiểu thuyết đầu tay (vào chung khảo giải Goncourt, rốt cuộc giành giải Renaudot) với nhân vật chính Adam Pollo lang thang trên phố nhớ đến thời thơ ấu theo kiểu Proust, nhìn cuộc sống chán chường theo kiểu Jean-Paul Sartre và Albert Camus, Le Clézio đã được nhanh chóng liệt vào hàng ngũ những tác giả thuộc trào lưu “tiểu thuyết mới”. Nhưng kỳ thực điều đó đã không xảy ra: nhà văn trẻ này không giống với giới nhà văn quanh mình, mà là người chịu đi xa, chịu viết khác. Từ giã những nhân vật thị dân trẻ tuổi, Le Clézio tìm đến những vực sâu ngăn cách về văn hóa, những chỗ con người không thấu hiểu được nhau, thậm chí những dân tộc cận kề còn mang hiềm khích... Một trong những cuốn sách đáng kể của ông là Giấc mơ Mexico, hay là Ý nghĩ đứt đoạn kể về những nền văn minh trước khi xuất hiện Columbo và cuộc gặp gỡ với người Tây Ban Nha. Le Clézio không thuộc số người nguyền rủa đám da trắng thực dân và than khóc cho số phận của những con người “hoang dại nhưng tốt bụng”, nhà văn đã viết cuốn L'Africain (Người Phi châu) ca tụng cha mình, một bác sỹ quân y từ Anh sang phục vụ ở Nigeria trong thế chiến thứ hai, qua đó tác giả chứng tỏ rất gần gũi với Claude Levi-Strauss – người đã viết những công trình đồ sộ về thần thoại và phong tục tập quán các dân tộc châu Mỹ, đặc biệt là cuốn Tristes Tropiques (Những miền nhiệt đới buồn thảm) được đánh giá là xúc động nhất về một thế giới đầy thương tật nằm ở rất xa châu Âu già cỗi và tiện nghi. Những năm tháng sẻ chia với thổ dân châu Phi châu Mỹ chính là nguồn tư liệu và cảm hứng để làm nên tiểu thuyết Sa mạc.
      Nobel văn học như cột thu lôi
      Trải qua hơn một trăm năm tồn tại, giải thưởng Nobel về văn học thường bị phê phán bởi nhiều điều: một khuynh hướng chính trị hữu hạn, thiếu sự chú ý xứng đáng đối với những nền văn học ngoài châu Âu với ví dụ tiêu biểu là những nền văn học châu Á đã hàng trăm năm tuổi, thiếu vắng nhiều nhà văn xứng đáng trong danh sách những người được giải, trong khi số nhà văn vùng bán đảo Scandinavia chiếm tỷ lệ quá đậm. Trên thực tế những năm gần đây, các chuyên gia được Ủy ban Giải thưởng Nobel chú trọng chỉ là một bản danh sách cũ kỹ, trong khi đó, chỉ các nhà cá cược và các tổ hợp gia đình là dám đầu tư vào một vài tên tuổi mới... Ngay trước và sau khi biết kết quả giải thưởng Nobel văn học 2008 đã nổi lên không ít chuyện tranh cãi rất đáng quan tâm... 
      Nguyên do là ngày 30.9.2008, ngay trước khi mở màn cuộc tranh luận có tính quyết định của 16 thành viên Ủy ban Giải thưởng Nobel, trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng Thông tấn Pháp AP, ngài Horace Engdahl - Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển - đã khẳng định hùng hồn rằng, tuy mọi nền văn hóa lớn đều sản sinh được văn chương mạnh, song cho đến nay vẫn có một thực tế không tránh khỏi: trung tâm của văn chương thế giới là châu Âu, chứ không phải nước Mỹ... Bởi vì văn học Mỹ quá ư biệt lập và khép kín, không hành xử đúng mức trong việc dịch và phổ biến các nền văn học khác để tham gia đối thoại với nền văn học lớn... Đáp lại, ông Harold Augenbraum – Giám đốc điều hành của Quỹ Sách Quốc gia Mỹ, từng sản sinh giải thưởng văn chương uy tín Sách Quốc gia (National Book Awards) từ năm 1950 – tuyên bố: rất muốn gửi một danh mục dài các tác phẩm văn học Mỹ để ngài Horace Engdahl tiện đọc. Những lời bình phẩm như vừa rồi của Horace Engdahl khiến người ta nghĩ rằng ngài Thư ký Thường trực đọc rất ít văn học Mỹ và mang một quan niệm rất hạn hẹp, chưa biết hết những gì làm nên văn xuôi hiện đại nói chung.
      Trước đó, giải thưởng danh giá bậc nhất thế giới này đã không ít lần gây tranh cãi về tính thiếu khách quan của các vị giám khảo. Dư luận chê nhiều vì họ không chịu tôn vinh những Lev Tolstoy, Anton Chekhov, Vladimir Nabokov của Nga, Emil Zola của Pháp, Henrik Ibssen của Na Uy, Mark Twain của Mỹ, Oscar Wild của Ireland... Một số nhà văn được giải còn không chịu đến dự lễ trao giải thưởng. Năm 1925, nhà soạn kịch vĩ đại người Anh Bernard Shaw đã 70 tuổi tuy chấp nhận danh hiệu “người được giải thưởng Nobel” nhưng cương quyết không chịu đến Stockholm dự lễ và không nhận tiền thưởng. Trường hợp tương tự diễn ra sau tám chục năm: gần đây, năm 2005, nữ văn sỹ Áo Elfriede Jelinek cũng quyết định không đến dự lễ, với lý do sức khỏe, thêm nữa – tự xét thấy mình chưa xứng với giải thưởng cao quý như thế. Theo ý kiến của bà, lẽ ra giải Nobel văn học phải được trao cho một người Áo khác, là Peter Handke, còn bà lọt được vào mắt xanh của các vị giám khảo chẳng qua là nhờ có cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng Cô giáo dạy dương cầm... Song, phản ứng mạnh nhất phải là nhà văn người Pháp giàu cá tính Jean-Paul Sartre – biểu tượng văn hóa của phong trào phản kháng cuối thập niên 1960, với thái độ căm ghét mọi trò suy tôn và xưng tụng. Ông từ chối triệt để giải thưởng, cả danh hiệu, cả tiền thưởng, ông công phẫn bởi khuynh hướng tư sản hóa của Ủy ban Giải thưởng Nobel, họ muốn dùng giải thưởng của mình để khích lệ ông vì đã dám khẳng khái chỉ trích Liên Xô ngay khi quốc gia này đang hùng mạnh. Thậm chí, đúng một năm sau sự kiện giải Nobel, Jean-Paul Sartre công bố quyết định treo bút vì thấy văn học chỉ là bóng dáng mờ nhạt của thực tế thế giới đang thay đổi không ngừng.
      Chuyện của cộng đồng Pháp ngữ
      Môi trường trí thức Pháp nửa cuối thế kỷ XX sản sinh không chỉ những triết gia cực đoan sẵn sàng “một mất một còn” - kiểu Michel Foucault (1926-1984) và Gilles Deleuze (1925-1995) nay được kế tục bởi những nhà văn như Michel Houellebecq hoặc Bernard-Anri Levi – mà còn có một trường phái khoa học lịch sử rất mạnh, dạy người ta biết soi vào gương với con mắt hoài nghi và biết tiếp nhận để xem xét quan điểm của cả đối tượng mà mình đang nghiên cứu. Le Clézio rõ ràng thuộc khuynh hướng thứ hai – trong tiểu thuyết Etoile errante (Ngôi sao lạc lối, 1992) có sự đan cài của hai câu chuyện đời, một là cô gái người Do Thái sang Israel sau thế chiến thứ hai, hai là thiếu phụ người Arab, dân Palestine tị nạn. Hai nữ nhân vật khác hẳn nhau về xuất xứ, ngôn ngữ và văn hóa, nhưng lại có một cái chung rất lớn – sự từng trải lịch lãm sau những khổ đau. 
      Sống giữa ba thành phố New Mexico (châu Mỹ), Mauritius (Maurice, tây nam Ấn Độ dương) và Nice (châu Âu), Le Clézio là một trong số 44 nhà văn đặt bút ký tên vào bản Tuyên ngôn tháng 3.2007 nhằm bảo vệ thế hệ tác giả trẻ lấy ngôn ngữ Pháp làm ngôn ngữ mẹ đẻ (số người này gần đây đã khá đông: Jonathan Littell người Mỹ từng được tặng giải Goncourt (tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm), Nancy Huston người Canada từng được giải Femina, Alain Mabanckou xuất thân từ Congo từng được giải Renaudot,Léonora Miano - nhà văn nữ gốc Cameroon từng được giải Louis-Guilloux và giải Goncourt là ví dụ tiêu biểu). Tuy nhiên trong Tuyên ngôn đăng trên tờ Le Monde cũng không quên có lời nhắc nhở đồng bào của mình rằng văn học Pháp ngữ đang bị cằn cỗi bởi chỉ khép kín trong phạm vi lãnh thổ của đất nước mình. Nếu được phổ biến cởi mở hơn như văn học Anh hiện thu hút được khá nhiều tác giả từ các thuộc địa cũ vào quỹ đạo của mình (từ Salman Rushdie, Kiran Desai, V. S. Naipaul đến Ben Okri gốc Niegeria và Nadin Gordimer Nam Phi), khi đó văn học Pháp ngữ mới có được sự công nhận quốc tế. Sự kiện Le Clézio được tặng giải thưởng văn học danh giá bậc nhất hành tinh năm nay được người Pháp chờ đón đã hơn 15 năm vì từ 1994 họ đã đưa tên ông vào danh sách các nhà văn đang sống được liệt vào hàng vĩ đại. Cũng có thể coi đây như một cách điểm nhịp để ngôn ngữ văn chương Pháp được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh sau 24 năm kể từ Claude Simon (1984), nếu không tính là sau 8 năm kể từ Cao Hành Kiện (2000), vì kỳ thực - ấy là một tác giả thiên về gốc gác Trung Quốc.

Những hành trình dấn thân ảnh 2

      Trong danh sách những ứng viên nặng ký của giải Nobel văn học năm nay vẫn có nhà văn Mario Vargas Llosa người Peru, nhà thơ Ali Ahmad Sad thường được biết với bút danh Adonis người Syria, Amos Oz người Israel, Philip Roth người Mỹ, và nhiêçu vị nữa. Có những vị chưa chắc đã vui mừng nếu đượcViện Hàn lâm Thụy Điển xướng danh vào lúc 18 giờ 00 (giờ địa phương) ngày 9.10.2008, như nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie vẫn phải luôn luôn đề phòng án tử hình từ phía những người Hồi giáo cực đoan sau thành công của tiểu thuyết Những vần thơ quỷ, như nữ tỷ phú Anh Joanne Kathleen Rowling đã ẵm hầu hết giải thưởng sau khi sinh hạ được cậu Harry Potter và tác giả Nhật Haruki Murakami với Rừng Na Uy bốc lửa cùng Kafka bên bờ biển gây hứng thú khắp Á- Âu... Bây giờ thì đã rõ: giải Nobel văn học 2008 đã thuộc về người Pháp với đại biểu 68 tuổi là Jean-Marie Gustave Le Clézio, “tác giả của những hành trình dấn thân, của thi vị xuất thần đầy phiêu linh và xúc cảm, của những khám phá chất nhân văn còn tàng ẩn dưới nền văn minh đương thời” - như thông báo từ Thụy Điển của Ủy ban Giải thưởng Nobel văn học. Đón nhận tin này, sẽ chẳng mấy ai lấy làm ngạc nhiên, vì biết người Thụy Điển vốn có sẵn thiện cảm với  Le Clézio và cách đây không lâu đã trao cho nhà văn giải thưởng Stig Dagerman.

Đăng Bẩy