Đã đến lúc cởi bỏ chiếc áo Bretton Woods hay chưa?
Nhân cuộc họp thượng đỉnh EU tại Brussels giữa tuần trước, lãnh đạo của 27 nước EU đã đồng loạt kêu gọi tổ chức hội nghị toàn cầu về vấn đề tài chính, để từ đó vạch ra một cấu trúc tài chính mới, thay thế cho hệ thống Bretton Woods ra đời từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, vốn phản ánh vai trò và vị trí cường quốc thắng trận số một khi đó là Mỹ.

Hệ thống Bretton Woods vận hành cho đến ngày hôm nay, bất chấp nhiều thay đổi, như sự ra đời của Liên minh châu u và đồng tiền chung châu Âu; sự cáo chung của bản vị vàng năm 1971, sự vươn lên của nhiều nền kinh tế thế giới như Nhật Bản từ thập niên 1980 và gần đây hơn là Trung Quốc, ÂÆn Độ; dự trữ USD của các quốc gia dầu hỏa Trung Đông và đặc biệt là sự phát triển của tiến trình toàn cầu hóa. Vậy đâu là những nét lỗi thời của một chiếc áo đã được may từ hơn nửa thế kỷ trước? Hệ thống tài chính quốc tế mới phải được xây dựng trên những cơ sở nào để tránh cho thế giới những cuộc khủng hoảng trong tương lai?
Trước khi thế chiến II kết thúc vào tháng 7.1944, hai cường quốc phe Đồng minh là Anh và Mỹ đã triệu tập một hội nghị quốc tế quy tụ 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia tại thành phố Bretton Woods, thuộc tiểu bang New Hampshire, Mỹ. Những thỏa thuận và nguyên tắc tài chính được áp dụng từ hội nghị đó được gọi là hệ thống Bretton Woods. Sau đó, các chế định tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) lần lượt được khai sinh năm 1945 và hoạt động từ năm 1946 cho tới nay.
Khi thế chiến II bùng nổ, các nước trong cuộc đã tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của chiến tranh, và một trong những nguyên nhân sâu xa nhất là đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933. Khi đó, các nước đã áp dụng đối sách tai hại là chế độ bao cấp và phản ứng bảo hộ mậu dịch, tức là ích kỷ bảo vệ quyền lợi riêng của từng nước về ngoại thương bằng hàng rào thuế quan rất cao và hạn ngạch nhập khẩu rất gắt. Đối sách sai lầm đó đã khiến khủng hoảng kéo dài, lan rộng, đẩy mạnh tinh thần quốc gia cực đoan và khiến chiến tranh bùng nổ. Vì thế khi chiến tranh sắp kết thúc, hai nước thuộc phe Đồng minh là Mỹ và Anh đã nghĩ tới kế hoạch tái thiết trên tinh thần phát huy tự do ngoại thương, chống lại bảo hộ mậu dịch, tránh nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Chủ trương tự do mậu dịch đã đặt ra vấn đề về tỷ giá hối đoái và các nước đã chọn lựa vàng là đồng bản vị để ấn định tỷ giá giữa đồng tiền của nước này với đồng tiền của nước khác. Ngoài ra, trong giai đoạn hậu chiến, còn vấn đề khác đặt ra là nhiệm vụ tái thiết các quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Đó là hai mục tiêu ban đầu của hệ thống Bretton Woods. Để đạt được 2 mục tiêu đó, các nước đã lập ra hai định chế tài chính là IMF, chịu trách nhiệm ổn định tài chính và Ngân hàng Tái thiết và phát triển thế giới, hay chính là Ngân hàng Thế giới (WB) hiện nay, phụ trách các dự án trùng tu. Nửa thể kỷ sau, các nước mới hoàn tất thiết chế điều phối về ngoại thương khi Tổ chức Thương mại Thế giơi (WTO) chính thức ra đời vào năm 1995.

Trên thực tế, hệ thống Bretton Woods là cơ chế khẳng định vai trò và bảo vệ quyền lợi của đại cường chiến thắng sau Chiến tranh thế giới lần thứ II: nước Mỹ. Sau chiến tranh, Mỹ không bị tổn thất về tài chính và nhân mạng như các nước lâm chiến khác. Vì vậy, Mỹ có một lợi thế kinh tế có thể cứu giúp các nước đồng minh, cụ thể là kế hoạch viện trợ Marshall và những kế hoạch khác trong bối cảnh đối đầu với đồng minh cũ, là Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Là quốc gia chủ nợ, Mỹ càng có lợi thế khi đồng USD trở thành ngoại tệ chính, nếu không muốn nói là trở thành cái neo cho các đồng tiền khác. Có hiểu được yếu tố chính trị của hệ thống này thì mới có thể giải thích được tại sao trong thời điểm hiện nay, các nước châu Âu lại muốn thiết lập một hệ thống mới thay thế cho chiếc áo Bretton Woods đã gần 65 năm tuổi. Các nước ở bên kia bờ Đại Tây Dương đã nhân vụ khủng hoảng, yêu cầu Washington xây dựng lại một hệ thống tài chính khác để phản ảnh tương quan kinh tế-tài chính mới, từ đó, hy vọng hạn chế bớt vị thế quá mạnh tới mức khuynh đảo của nước Mỹ.
Hệ thống Bretton Woods đã bị lung lay khi chưa đầy 20 tuổi. Khi áp dụng chế độ kim bản vị gián tiếp, tức là neo giá đồng USD vào vàng theo tỷ giá 35 USD/ounce, thì Mỹ trở nên có lợi nhất, như một nhà cái, hay một chủ sòng bạc. Về lý thuyết bất kỳ ai có 35 USD là có thể đổi lấy 1 ounce vàng. Thế nhưng trên thực tế, khối lượng vàng trên thế giới có hạn trong khi nhu cầu chi tiêu của các nước và của Mỹ thì gần như vô hạn. Vì thế, hệ thống neo giá giả tạo ấy đã bị phá vỡ. Cái neo USD của Mỹ đã trở thành cái neo bằng cao su, vì Mỹ in tiền để viện trợ kinh tế hay tài trợ kinh phí chiến tranh, khiến đồng dollar mất giá, lạm phát gia tăng. Tình trạng này đã buộc Tổng thống Mỹ Nixon đã phải nhổ hẳn cây cột trong kiến trúc tài chính của Bretton Woods vào tháng 8.1971, tức là Mỹ tự thả nổi đồng USD, không còn neo giá USD vào vàng nữa. Kể từ đó, hệ thống tài chính quốc tế gần như bị thả nổi, khi hối suất các đồng nội tệ khác không còn ràng vào vàng một cách gián tiếp qua đồng USD.
Sự kiện trên đã đánh dấu Bretton Woods chính thức trở thành một huyền thoại, tức là không còn quyền lực thật. Nhưng từ năm 1971 đến nay, khi mà hệ thống Bretton Woods không còn giá trị trong khi vẫn chưa có một hệ thống thay thế, thì Mỹ vẫn giữ lợi thế của mình vì USD vẫn thay thế vàng và nước Mỹ vẫn là siêu cường kinh tế và quân sự. Sự bất lực của Bretton Woods và sự phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ Bretton Woods của hệ thống tài chính hiện nay có thể coi là một trong những nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng tài chính đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vào đầu những năm 1990, khi các quốc gia đang phát triển ở bên ngoài các đại cường Âu Mỹ cải tổ theo kinh tế thị trường và trở thành những nước tân hưng, tình hình đã đổi khác rất nhiều. Nhất là kể từ năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập WTO. Sự xuất hiện của Trung Quốc như một thế lực ngoại thương mới đã khiến thương mại không còn là không gian hai chiều giữa hai bên bờ đại tây dương. Đồng thời, hiện tượng toàn cầu hóa đã bắt đầu và được đẩy mạnh kể từ năm 1990. Các nước khi đó bao gồm cả Mỹ đều có một tâm lý chung là lạc quan với tương lai trước mắt và điều đó dẫn đến những rủi ro rất lớn trong hoạt động kinh tế của họ. Tất cả các ngân hàng, từ Mỹ tới các nước khác trên thế giới đã đẩy mạnh sự sáng tạo trong hoạt động trao đổi tài chính vượt qua những tính toán thông thường về rủi ro và vô hình trung, họ đã chuốc về những rủi ro quá lớn trong hoạt động đầu tư. Một loạt loại hình tín dụng được mở ra như chứng khoán hóa, biến phiếu, họ gói những gói nợ lại và bán cho nhau, trong những gói nợ đó có những khoản đã bị ung thối mà họ không biết hoặc không cần biết. Vì thế, hoạt động phát hành tiền tệ hay trị giá của đồng bạc không còn nằm trong tầm kiểm soát hoặc khả năng điều tiết của các định chế quốc tế. Các cơ quan quốc tế trước đây được lập ra theo hệ thống Bretton Woods để phỏng đoán nguy cơ như IMF đã không theo kịp những thay đổi, những biến hóa của thị trường, và vì thế, các tổ chức này không có khả năng cảnh báo khủng hoảng.
Thế giới đã từng chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng nhưng có thể nói, phải đợi đến cuộc khủng hoảng lần này, ý tưởng về một hệ thống tài chính khác mới thực sự được đặt ra. Ngay sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 thì Nhật Bản lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. 6 năm sau Nhật Bản, các nước Đông Á khác cũng rơi vào cơn lốc khủng hoàng tài chính 1997-1998. Cùng năm đó, Liên bang Nga cũng chứng kiến cuộc khủng hoảng về hối đoái. Thế nhưng có một điểm đặc biệt là khi đó, thế giới không đứng trước nguy cơ khủng hoảng dây chuyền. Kể cả những vụ khủng hoảng khác về tiền tệ làm cho đồng bảng Anh sụt giá năm 1992 hoặc cuộc khủng hoảng tại Mexico năm 1994. Khủng hoảng của từng nước hay từng khối kinh tế không gây ra khủng hoảng toàn cầu, trừ một trường hợp duy nhất mà chúng ta đang được chứng kiến hiện nay, đang xảy ra ngay trong tháng này: khủng hoảng tài chính tại Mỹ. Lý do chính vẫn là vị trí quá lớn và ảnh hưởng quá sâu rộng của Mỹ và của đồng USD đối với thế giới. Cũng giống như khi nhà cái bị vỡ nợ thì cả sòng bạc sẽ náo loạn và sụp đổ. Đó chính là lý do vì sao mà bây giờ người ta phải nói đến một hệ thống Bretton Woods khác.
Tuy nhiên, nếu các nước muốn lập ra một cấu trúc khác dựa trên một đơn vị ngoại tệ khả tín, phần nào thay thế được đồng USD thì có lẽ thời điểm này là chưa thích hợp. Trước hết, USD Mỹ vẫn là đồng ngoại tệ phổ biến nhất, rất nhiều nước vẫn đang neo giá đồng nội tệ của họ vào đồng dollar Mỹ. Họ tạo thành “khối dollar” lớn hơn rất nhiều so với “khối euro” của 15 nước châu Âu. Thứ hai, USD Mỹ là tiền tệ của một quốc gia thống nhất do một ngân hàng trung ương thống nhất của Mỹ điều tiết một cách tương đối linh động theo yêu cầu của thị trường. Trong khi đó, đồng euro mới chỉ có 10 năm tuổi và cơ quan điều tiết hay hỗ trợ giá trị của đồng euro ở đằng sau không phải một quốc gia hay một ngân hàng Trung ương có toàn quyền quyết định. Các nước châu Âu, kể cả nước Pháp, hẳn cũng chưa mong muốn truất ngôi đồng USD, mà đơn giản họ chỉ muốn cái định chế tài chính được thiết lập từ 65 năm trước phải được cải thiện để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cảnh báo trước khi có khủng hoảng và đảm đương tốt hơn nhiệm vụ cứu trợ sau khi khủng hoảng bùng nổ, để làm sao, khủng hoảng ở một quốc gia hay khu vực không lây lan thành khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mỹ phải có trách nhiệm góp phần giải quyết vấn đề đó, và chỉ vấn đề đó mà thôi. Nói ngắn gọn, thế giới chưa có khả năng xây dựng một hệ thống tài chính toàn cầu hiện đại cho thế kỷ XXI, trừ phi: Khủng hoảng lan rộng hơn hoặc các nước châu Âu đưa ra một đề nghị vô cùng hấp dẫn cho người sẽ lãnh đạo nước Mỹ vào đầu năm tới. Vì thế, có thể những hội nghị sắp tới sẽ chỉ cột tay nước Mỹ trong sự hồ hởi sảng, lạc quan tếu của nước Mỹ, và lập ra một hệ thống báo động bén nhạy hơn mà thôi. Nhưng như vậy cũng đã là một điều đáng mừng trong hoàn cảnh hiện nay.
Theo RFI