Cái giá của hòa bình

Hoàng Hướng 24/10/2008 00:00

Trong khi vẫn còn rất khó để tưởng tượng ra những hậu quả tiềm tàng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra, thì các nhà bình luận về khu vực Trung Đông đã bắt đầu tự hỏi rằng liệu tình trạng náo động của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khu vực này và đặc biệt là ảnh hưởng thế nào đến những cơ hội để đạt được thành công trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, hoặc giữa Israel và Syria.

06-cai-gia--29808-300.jpg

      Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi mà tương lai không hứa hẹn tươi sáng. Vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần là cuộc khủng khoảng tài chính khiến các nước rất khó quyên góp đủ số tiền cần thiết để ủng hộ cho bất kỳ hiệp định hòa bình nào, mà còn ở chỗ các chính trị gia đang bận tâm với vô số vấn đề kinh tế khẩn cấp, sẽ chẳng còn chút thời gian hay công sức nào để theo đuổi mục tiêu hòa bình.
      Căn cứ vào bối cảnh này thì hòa bình, theo quan điểm duy tâm, là vô giá bắt đầu trở thành một thứ hàng hóa xa xỉ. Còn theo thuyết hiện thực, hòa bình sẽ chẳng rẻ đi chút nào.
      Sự biến mất của hàng nghìn tỷ USD trên khắp thế giới khiến cho cộng đồng quốc tế rất khó có thể chi trả cho một hiệp định Israel-Palestine, hay một hiệp định Israel –Syria nếu các bên có thể bất ngờ đạt được một cách kỳ diệu. Ai sẽ chi trả cho hệ thống cảnh báo trước mà Israel sẽ phải xây dựng sau khi rút đa số quân khỏi khu vực Bờ Tây và thung lũng Jordan, hay rút quân toàn bộ khỏi đỉnh Golan? Ai sẽ chi trả phí bồi thường cho dân tị nạn Palestine nếu như sẽ đạt được một thỏa thuận mà từ chối “quyền quay trở lại” đất nước Israel trước năm 1967 của họ và thay vào đó họ sẽ được nhận bồi thường? Ai sẽ trả cho những dịch vụ an ninh Palestine hay đầu tư cơ sở hạ tầng nếu như một nhà nước Palestine được thành lập?
      Nhưng trong khi sự bi quan về ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính hiện tại đối với tiến trình hòa bình Trung Đông đã lan rộng, thì khuynh hướng tập trung vào giá trị của hòa bình có thể dễ dàng dẫn đến những tính toán sai lầm, bởi vì tình trạng hiện tại cũng đã có một cái giá nhất định. Đầu tháng này, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Israel Tzipi Livni, bà đã nói rằng Israel cần phải nhanh chóng thúc đẩy những cuộc đàm phán hòa bình, bởi “giậm chân tại chỗ cũng có cái giá của nó”. Cái “giá” mà Livni muốn nhắc đến đơn giản chỉ là một cái giá chính trị, tức là tăng cường thêm sức mạnh cho lực lượng khủng bố ở khu vực; tuy nhiên sự lớn mạnh của lực lượng cực đoan cũng đồng nghĩa với việc tăng cường ngân sách chi tiêu quốc phòng để chống khủng bố.
      Hòa bình có vẻ rất đắt đỏ trong thời điểm khủng hoảng kinh tế hiện tại, nhưng khó có thể tin nổi rằng từ bỏ tiến trình hòa bình bây giờ lại trở thành một giải pháp “có thể chấp nhận được”. Trong khi những cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, được khởi xướng gần một năm trước ở Annapolis, vẫn chưa đạt được một kết quả rõ ràng nào và triển vọng về một bước đột phá vào cuối năm nay càng mù mịt, thì vẫn có một vài bước phát triển tích cực. Một trong những bước phát triển đó đã được ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice nhấn mạnh tại diễn đàn Đầu tư và Thương mại Palestine diễn ra ở Washington tuần trước. Cuộc họp được tổ chức bởi Ủy ban Mỹ-Palestine. Ủy ban này được thành lập theo kết quả đạt được tại cuộc họp năm ngoái ở Annapolis nhằm xúc tiến đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực Bờ Tây. Với nhiều người, những sáng kiến như thế chỉ là biện pháp chữa cháy tạm thời, bởi sự phát triển kinh tế tổng thể phải phụ thuộc rất nhiều vào tiến bộ của những cuộc đàm phán Israel – Palestine; cùng lúc đó, hiển nhiên rằng liều lĩnh thay đổi khuynh hướng đã được tạo ra có thể còn làm tốn kém nhiều hơn.
      Đáng tiếc,với tình trạng náo loạn kinh tế hiện tại, những lo lắng về tiến trình hòa bình có thể chậm lại do thiếu kinh phí và thiếu sự quan tâm, chú ý của các chính trị gia có vẻ đều rất hợp lý. Nhưng có lẽ đây cũng là một thời điểm thích hợp để chú ý đến những kế hoạch của một tỷ phú người Mỹ Daniel Abraham, người đã quyết định cống hiến cuộc đời của ông vì “sự nghiệp hòa bình”. Daniel Abraham đã có “một đề xuất tài chính thực tế nhằm giải quyết vấn đề người tị nạn Palestine – một đề xuất mà có lẽ Chủ tịch đảng Likud ở Israel Benjamin Netanyahu khó lòng từ chối được”. Kế hoạch của ông Abraham vẫn còn là một điều tối mật, và người ta chỉ có thể hy vọng rằng kế hoạch đó sẽ không bị bác bỏ bởi những diễn biến lo ngại gần đây của nền tài chính toàn cầu. Nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, chi phí cho một nền hòa bình cũng đắt đỏ như chi phí để tiến hành một cuộc chiến tranh.

Theo Guardian

Hoàng Hướng