Lựa chọn mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô hay tăng trưởng?

Đông Hà 23/10/2008 00:00

Trong khi các nhà tài trợ khuyến nghị Chính phủ nên tiếp tục chính sách bình ổn, thắt chặt tiền tệ thì một số ý kiến lại cho rằng, do sự ổn định trở lại của một số chỉ số, nên đã đến thời điểm ưu tiên cho tăng trưởng...

      Kiềm chế lạm phát, ổn định chính sách kinh tế vĩ mô vẫn là lựa chọn hàng đầu
      Theo Ts Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM), đây là thời điểm nhạy cảm mà Nhà nước phải xử lý hai áp lực về bất ổn kinh tế vĩ mô và áp lực chính trị xã hội (đảm bảo tăng trưởng). Sẽ rất rủi ro nếu chọn sai chính sách, cũng như không giám sát và đánh giá chuẩn diễn biến tình hình. Đồng quan điểm này, Viện trưởng CIEM Đinh Văn ân cho rằng, câu hỏi cấp thiết đang đặt ra là nên hay không nên tập trung vào bình ổn kinh tế, giảm lạm phát?
      Sự ổn định trở lại của một số chỉ số, đặc biệt là lạm phát khiến nhiều người cho rằng đã đến thời điểm quay trở lại các chính sách ưu tiên cho tăng trưởng. Thực tế, Việt Nam đã cải thiện được rất nhiều chính sách kinh tế vĩ mô như lạm phát theo tháng, nhập siêu cũng giảm dần, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn, áp lực đối với cán cân thanh toán quốc tế giảm nhiều. Thế nhưng, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, đây cũng là lần đầu tiên vấn đề lựa chọn trở nên khó khăn giữa một bên là mục tiêu tăng trưởng cao (giảm nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng) với nhu cầu phát triển bền vững (khi kịch bản lạm phát thấp hơn). Theo ông Đinh Văn ân, thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam năm 2008 ước tính đã lên tới 10-12% GDP. Đồng thời, nền kinh tế tăng trưởng nóng đã được minh chứng bằng các chỉ số kinh tế vĩ mô trở nên mất cân bằng.
      Theo nhận định của ông Võ Trí Thành, chính sách tăng trưởng trước tháng 3.2008 vẫn đặt trọng tâm và say tăng trưởng dựa trên mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, những bất ổn của nền kinh tế như lạm phát cao, thâm hụt thương mại đã khiến Nhà nước phải thay đổi chính sách từ hồi tháng 4 năm nay. Mục tiêu số một đặt ra là chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chấp nhận đánh đổi giảm tăng trưởng trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện chính sách mềm dẻo. Châu Á bắt đầu bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ. Vậy Việt Nam có nên đi theo chu kỳ này hay không? Theo phân tích của ông Thành, việc nới lỏng chính sách tài khóa phụ thuộc vào nền tảng kinh tế mỗi nước. Việt Nam khó có thể thực hiện điều này bởi thâm hụt thương mại, lạm phát vẫn ở mức cao; Nền kinh tế đang phải đối mặt với các khó khăn trong ngắn hạn. Do vậy, kiềm chế lạm phát, ổn định chính sách kinh tế vĩ mô vẫn là sự lựa chọn thích hợp và đúng đắn trong thời điểm này. 
      Tăng trưởng GDP năm 2009 có thể chỉ đạt 5,8%
      GDP năm 2009 đang được kỳ vọng sẽ giữ mức bằng với dự báo năm 2008, tăng 6,5%. Tuy nhiên, những tính toán mới đây của CIEM dựa trên tình hình kinh tế thế giới và trong nước cho thấy, tăng trưởng GDP năm 2009 có thể sẽ chậm lại, chỉ đạt 5,5 – 5,8%. Bên cạnh đó, lạm phát được kiềm chế song có thể vẫn ở mức 12-13%. Những tháng còn lại của năm 2008, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách vi mô và vĩ mô, tiếp tục cải cách hành chính. Chính sách tiền tệ vẫn sẽ được thắt chặt nhưng phải bảo đảm cung ứng đủ vốn cho các công trình quan trọng và nâng cao năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, tiền tệ. Mặt khác, do quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng, tài chính còn nhiều yếu kém; Rủi ro về thanh khoản vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tiền gửi; Nợ quá hạn tăng do tăng trưởng kinh tế giảm, thị trường bất động sản không minh bạch cộng thêm với dự đoán khá bi quan về tình hình kinh tế thế giới năm 2009 - rất khó để kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng cao như những năm vừa qua. Chuyên gia kinh tế của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức Maenner khẳng định: nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở nhất định, tuy nhiên, để tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch về dữ liệu, có cơ chế phân tích, dự báo thường xuyên và sự phối hợp chặt chẽ về quản lý kinh tế vĩ mô giữa Chính phủ và các cơ quan quản lý.

Đông Hà