Kho báu lộ thiên đang mai một

Bài và ảnh Đức Hạnh 06/10/2008 00:00

Hàng chục khu mộ thạch của các vị tướng quân ở Bắc Giang có tuổi thọ hàng trăm năm đang bị tàn phá bởi thời gian, bởi sự thờ ơ của người dân và chính quyền địa phương.

      Theo con đường nhỏ khúc khủy chạy giữa những cánh đồng, đồi, gò, làng xóm của vùng bán sơn địa Bắc Giang, tôi dừng chân trước lăng Ngọ quận công hay lăng họ Ngọ. Quận công Ngọ Công Quế là đại tướng quân dưới triều vua Lê, chúa Trịnh (thế kỷ XVII). Di cốt của vị quan này hiện vẫn được lưu giữ trong quần thể lăng mộ độc đáo mà tôi chưa từng bắt gặp trên toàn miền Bắc, thậm chí cả ở Huế. Khuôn viên lăng mộ không to lắm nhưng về kiến trúc và điêu khắc thì quả đáng ngưỡng mộ. Toàn bộ sân lăng, vòng tường bao trong cùng, bàn thờ, tượng hầu, voi phục, ngựa, nghê chầu, hương án, tháp mộ, bia đá, nhà bia... đều là các tác phẩm nghệ thuật trên đá tảng, được trạm trổ một cách tinh xảo, sinh động. Bức tường rào phía ngoài lăng mộ trước được xây bằng đá ong, nay chỉ còn một đoạn ngắn phía cổng chính. Nạn đào trộm cổ vật quá lộng hành khiến gia đình anh Tuyến - cháu đích tôn đời thứ 13 của Ngọ quận công - phải bỏ làng ra dựng nhà mới cạnh khu mộ để tiện trông nom. “Hai con hạc đá trong lăng mộ cụ tổ nhà tôi đã bị họ đánh cắp năm 1998, nhưng may mà sau đó tìm lại được. Trước đó có người đến trả tôi 20 triệu nhưng tôi không bán. Vào thời điểm đó, hình như người thành phố rộ lên thú chơi đồ cổ, thế là quanh lăng mộ luôn có người rình rập. Tôi phải nuôi tới 4 con chó to để canh trộm”.
      Được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII dưới thời vua Lê chúa Trịnh, lăng mộ này chủ yếu được xây bằng đá ong, đá xanh và đá vôi. Trong khi các lăng tẩm ở Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa hay Huế đều có sự trùng lặp về trang phục thì ở Bắc Giang từ quan lại tới binh lính, hầu nam, hầu nữ... hoàn toàn khác nhau. Điều này chứng tỏ tài nghệ của các nghệ nhân và sự cầu kỳ của các vị quan xưa. Theo Ts Nguyễn Huy Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: “46 khu lăng mộ, hàng trăm bức tượng người và thú, hàng ngàn hoạ tiết trang trí trên đó cũng như vẻ mặt, trang phục, phục sức..., không cái nào giống cái nào, quả thật kỳ diệu. Rất tiếc phần lớn những công trình này đều bị phá hủy, xâm phạm và xuống cấp nghiêm trọng”.
      Dời Ngọ lăng, chúng tôi tới lăng Dinh Hương, công trình có quy mô lớn nhất trong vùng. Số phận của Dinh Hương kém may mắn hơn Ngọ Lăng. Được xây dựng từ năm 1729 dưới thời Lê Trung Hưng, lăng mộ là nơi an nghỉ và thờ tự của vị quận công La Quý Công. Phía trong khu lăng mộ là một bức tường đá ong cao che chắn cho hai ngôi mộ đá. Tuy nhiên, qua ba ô cửa vòm cuốn phía trước, tôi không thể nhìn vào bên trong. Cây dại mọc um tùm che khuất tất cả. Phía trước khu mộ là hai pho tượng vị tướng tay cầm đốc kiếm, tay dắt ngựa trông thật oai phong lẫm liệt. Các họa tiết trang trí trên trang phục và ngựa đều được trạm khắc tỉ mỉ. Tuy nhiên, nhiều bức tượng đã bị biến dạng, bị viết hoặc vẽ nguệch ngoạc.

      Cách khu mộ vài bước là khu thờ tự. Lên khỏi 7 bậc đá ong cổ kính, tôi tới bàn thờ đá với ngai thờ uy nghi bằng đá xanh, hai bên là hai tượng hầu, hai con nghê đá nhỏ nhắn được chạm khắc tinh tế và sinh động. Phía dưới bàn thờ là đôi nghê chầu, voi phục cỡ lớn và hương án được trang trí những cuộn mây lửa, sống lưng răng cưa, xoắn ốc nổi cao và hoa lá kỳ công. Họa sỹ Phạm Hoàng Văn nhận xét: “Điểm nổi bật, độc đáo của lăng Dinh Hương là các bức tượng đồ sộ, to hơn hẳn ở các lăng mộ khác, được chạm khắc tinh tế với nét chạm chắc, khỏe. Tôi đã đọc rất nhiều nhưng chưa thấy những di sản nghệ thuật có giá trị này được đề cập và phân tích trong các tài liệu và giáo trình nghệ thuật chính thức”.
      Ở rìa đồng thôn Cẩm Bào, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa là lăng Bầu - khu lăng mộ của ông tổ họ Phan, người có công khai phá và phát triển vùng đất này. Khu lăng mộ hiện nay do người cháu đời thứ 16 của ngài trông nom. Từ xa, lăng đá tạo ấn tượng uy nghi, hoành tráng với bức tường bao, cổng đá ong ba tầng có các võ sỹ đá oai nghiêm đứng canh gác và hai con chó đá lớn nổi bật trên nền cỏ và hồ nước xanh mát. Tuy nhiên, lăng Bầu cũng đã bị xâm hại nhiều. Phía trong lăng chỉ còn vài bức tượng võ sỹ, ngựa, voi đứng lẫn giữa ruộng khoai, lạc. Phía cuối lăng là bàn thờ đá xanh lớn nhưng sập thờ và ngai thờ không còn. Ông Lương Thế Nghĩa, một người trong thôn cho biết: “Năm 1954, một số tượng đá, tường và đá lát sân bị đem nung vôi, còn tường đá ong bao bên ngoài bị dỡ một phần để xây công trình thủy lợi. Cách đây vài chục năm, sập đá trong lăng và ngai thờ bị lấy cắp. Nhiều bức tượng người và thú cũng biến mất. Một số bị đập vỡ do người dân cho là có của trong đó”. 
      Trở lại thế kỷ XVII - XVIII, Bắc Giang thuộc xứ Kinh Bắc, trung tâm văn hoá của vùng Châu thổ sông Hồng, nơi nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt, làm quan to. Đây cũng là thời kỳ mà nghệ thuật xây dựng lăng mộ và tạo tác đá ở Việt Nam đạt đến đỉnh cao. Lăng đá ở Bắc Giang là di tích kiến trúc mộ táng kết hợp nơi thờ tự của các quan lại cao cấp thời Lê-Trịnh, với số lượng nhiều nhất, quy mô lớn nhất, vật liệu bền vững nhất và loại hình phong phú nhất. Các quan sau khi về già thường về quê chọn đất xây mộ. Các lăng mộ thường có địa thế đẹp trên gò cao, nhìn ra hồ nước và gần làng xóm. Kiến trúc và điêu khắc lăng mộ ở đây phân bố chủ yếu ở huyện Hiệp Hòa (26 lăng), Việt Yên (11 lăng), Tân Yên (5 lăng)... do có điều kiện thuận lợi về phong thủy. Đây là một kho báu lộ thiên nên cần được bảo tồn và gìn giữ.

Bài và ảnh Đức Hạnh