Làng Láng và Pháo đài Láng

Tân An 05/10/2008 00:00

Ca dao cổ có câu: Kể chơi một huyện Thanh Trì Mọc làm hàng sáo, Láng thì trồng rau...

04-lang-lang27908-300a1.jpg

      Láng là tên nôm của hương Yên Lãng, xa xưa là phường Toán Viên (vườn tỏi), một trong 61 phường của Thăng Long thời Trần. Một truyền thuyết rất nổi tiếng khiến hương Yên Lãng ngàn năm qua được coi là vùng đất linh thiêng. Đó là chuyện ông bà Từ Vinh và Tằng Thị Loan cùng con trai là Từ Đạo Hạnh. Đạo sỹ Từ Vinh làm quan trong triều, nhưng hay dùng phép thuật ngoài đời, có lúc còn quấy nhiễu nhà Diên Đình Hầu, nhưng rồi lại bị Pháp sư Đại Điên ở Dịch Vọng dùng phép thuật chém chết. Bà Tằng Thị Loan lẩn tránh, đi tu ở chùa Hoa Lăng. Từ Đạo Hạnh thì tu ở chùa Thầy, rồi học được phép thuật rất tinh thông. Sau, Từ Đạo Hạnh hóa thành cây gậy trôi ngược sông Tô Lịch, Đại Điên ra xem, liền bị gậy vụt chết (nay còn có địa danh ngõ Vụt ở làng Yên Hòa). Và rồi, Từ Đạo Hạnh dùng phép thuật đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu, em ruột Vua Lý Thánh Tông. Sau được lên ngôi Vua, hiệu là Lý Thần Tông (1128 – 1138). Tương truyền, sau khi lên ngôi, Lý Thần Tông đã cho xây chùa Láng để thờ Từ Đạo Hạnh. Chùa có tên chữ là Chiêu Thiền tự, một danh lam của Thăng Long. Chùa to và đẹp, hậu cung có tượng Từ Đạo Hạnh làm bằng mây đan, sơn then đặc sắc. Sân chùa có lầu bát giác, đường dẫn vào chùa có hai hàng cây muỗm cổ thụ. Xưa kia chùa còn có một cây thông cổ kính hàng ngàn tuổi. Từ cuối triều Lê, có người đến thăm chùa Láng đã ghi lại bài thơ truyền qua mấy thế kỷ:
      Đệ nhất tùng lâm có phải đây?
      Có ai cho vái hỏi thăm Thầy
      Ngai vàng hai kiếp rồi đâu tá?
      Trơ trọi thông già đứng réo mây!

      Người làng Láng từ xưa đã giỏi trồng rau và đã có đặc sản nổi tiếng là rau húng, không đâu có được. Húng Láng có 3 loại, húng thơm để ăn với rau sống, húng dũihúng dổi dùng ăn với thịt cầy, lòng lợn, tiết canh. Ca dao cổ có câu: Ở đây thơm húng thơm hành/Có về làng Láng với anh thì về... Ngoài húng, làng Láng còn có đặc sản nữa là hành hoa. Hành hoa là giống hành có hoa, hoa kết hạt khi hành già. Người trồng hành phải gieo hạt ấy để có lứa hành mới, khác với giống hành trồng bằng củ. Hành hoa Láng nhỏ cây, nhỏ củ, ăn thơm ngon. Phở Hà Nội, nếu không có hành hoa làng Láng thì chưa thể là phở ngon.
      Làng Láng có một di tích lịch sử nổi tiếng trong chiến tranh chống Pháp là Pháo đài Láng. Mùa thu năm 1940, quân đội Pháp kéo về cánh đồng làng Láng đặc một cụm gồm 4 khẩu pháo 75,6mm vào loại tối tân thời bấy giờ. Chính thời gian này, ở Pháp, Chính phủ đã đầu hàng phát xít Đức. Ở Việt Nam, họ còn muốn cầm cự với Nhật, cố giữ quyền tại thuộc địa, hòng kéo dài việc đô hộ. Nhưng phát xít Nhật đã đảo chính Pháp và oái ăm thay còn ép pháo binh Pháp ở láng bắn máy bay của Mỹ là đồng minh của Pháp khi đó. Và rồi quân Nhật kéo về Láng khá nhiều, kiểm soát hoàn toàn pháo đài Láng. Một thời gian sau, quân Tưởng sang thay thế quân Nhật. Bọn lính Tưởng đến được vài hôm đã tháo thuốc trong các quả đạn để đem bán vỏ đạn cho dân buôn đồng Ngũ Xã. Thấy chúng tháo bán nhiều đạn pháo quá, sốt ruột, Tổ Việt Minh làng Láng đã tiến hành bắt bọn gian thương, thu một xe tải chở đầy vỏ đạn đồng. Sau đó, ta công khai đấu tranh với quân Tưởng, rằng họ không được phá hoại pháo đài, phải giữ gìn để trao lại cho đồng minh. Quân Tưởng biết Việt Minh ở Láng theo dõi họ rất sát và cũng rất cứng rắn, nên không tháo đạn đem bán nữa. Sau cách mạng tháng Tám 1945, chúng ta càng giám sát chặt chẽ quân Tưởng ở pháo đài. Đến tháng 5.1946, quân Tưởng rút đi. Quân ta tiếp thu pháo đài, khui cả kho đạn phát xít Nhật giấu mà quân Tưởng không biết. Đó là vốn quý của quân ta khi bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc...
      Vào hồi 20 giờ 3 phút ngày 19.12.1946, pháo đài Láng được bắn viên đạn mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Lúc đó, đồng bào ta ở các vùng quê cách xa Hà Nội dăm chục cây số cũng nghe tiếng pháo phát lệnh Toàn quốc kháng chiến, từ pháo đài Láng bắn vào dinh lũy quân đội xâm lược Pháp trong thành Hà Nội. Đến ngày 21.12.1946, pháo đài Láng đã bắn hạ chiếc máy bay đầu tiên của không quân Pháp. Đơn vị pháo binh của vùng Láng là đơn vị pháo binh đầu tiên của đoàn pháo binh Thủ đô, cũng là đơn vị đầu tiên của pháo binh Việt Nam. Sau này, những cỗ pháo binh của pháo đài Láng được gọi là những ông voi tổ của pháo binh Việt Nam.

Tân An