Những mô hình đào tạo nghề hiệu quả
Hiểu tư tưởng và phương pháp dạy nghề hiện đại của nước ngoài để cải thiện trình độ dạy nghề trong nước là một phần quan trọng trong cải tổ giáo dục hướng nghiệp. Vì vậy, những mô hình đào tạo nghề được coi là hiệu quả như của CHLB Đức, Đan Mạch hay Trung Quốc… sẽ phần nào cung cấp một số kinh nghiệm cho chúng ta tham khảo.
Mô hình đào tạo nghề “kép” ở CHLB Đức
Bộ luật đào tạo nghề năm 1969 áp dụng ở CHLB Đức được coi là nền tảng cơ bản của sự phát triển hệ thống đào tạo nghề kép - sự kết hợp giữa việc học lý thuyết tại trường dạy nghề và học thực tế sản xuất trong môi trường công ty. Nói một cách khác, học sinh tham gia hệ thống đào tạo nghề kép được dạy các kỹ năng cơ bản cho ngành nghề mình đã chọn và sau đó được thực hành ở các công ty. Thông thường ở Đức, ngoài thời gian học ở trường, mỗi tuần học sinh có 3 ngày học và làm tại công ty.
Theo quy định của Chính phủ Đức, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh có thể tự chọn hình thức đào tạo toàn bộ tại trường hoặc hệ thống đào tạo nghề kép. Tuy nhiên, hiện có tới 2/3 học sinh trong độ tuổi từ 15-18 đã chọn hình thức đào tạo nghề kép. Đơn giản là tham gia hệ thống này, học sinh ra trường dễ xin việc vì đạt đủ tiêu chuẩn “học đi đôi với hành”. Do thường xuyên diễn ra quá trình trao đổi giữa các trường đào tạo và công ty không tổ chức đào tạo, nên việc điều chỉnh các quyết định đào tạo và sử dụng lao động được diễn ra theo điều kiện thị trường, phù hợp với những ngành nghề đang thiếu nhân lực.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Khoa học CHLB Đức, hơn 60% học sinh sau 6 tháng tốt nghiệp có thể xin được việc làm ngay. Đặc biệt, 80% học sinh học nghề trong các công ty lớn đã được nhận ở lại làm việc. Thêm vào đó, ngoài khoản học bổng Chính quyền Bang trả (= 42% của lao động phổ thông), một ưu điểm của hình thức đào tạo nghề kép là học sinh vừa được tiếp thu kỹ năng thực tế, vừa được nhận thù lao thực hành sản xuất do công ty trả. Các công ty chi trung bình 2-3% tổng quỹ tiền lương của họ cho đào tạo ban đầu.
Tên mô hình đào tạo nghề kép cũng gắn liền với cơ chế quản lý hệ thống đào tạo nghề ở Đức: Chính quyền Bang chịu trách nhiệm quản lý trường dạy nghề, còn Chính phủ LB chịu trách nhiệm quản lý đào tạo nghề tại công ty. Việc dạy nghề tại công ty đều do các công ty trực tiếp tổ chức, song việc kiểm soát chất lượng và bảo vệ công nhân khỏi nguy cơ như bị trả lương thấp hoặc không được đào tạo đầy đủ lại do Công đoàn cùng với sự tham gia của các quan sát viên và hội đồng công nhân tại công ty thực hiện.
Mô hình đào tạo linh hoạt của Đan Mạch
Chỉ có khoảng 5,2 triệu dân, nhưng hiện ở Đan Mạch có tới 115 trường dạy nghề. Hệ thống đào tạo nghề của Đan Mạch là hệ thống tập trung hóa - tất cả mọi tiêu chuẩn đều do Bộ Giáo dục nước này quản lý.
Từ năm 2000, cuộc cải tổ hệ thống đào tạo nghề ở Đan Mạch đã làm thay đổi cơ cấu, nội dung và môi trường học trong lĩnh vực đào tạo nghề. Mô hình mới đảm bảo hai nguyên tắc chính là: cơ cấu đơn giản hơn và linh hoạt hơn. Thời gian học nghề cũng chỉ kéo dài tối đa 80 tuần, không phải 4 năm như trước đây.
Nhìn chung, mô hình “linh hoạt” của Đan Mạch được xem như “cầu nối” văn hóa giữa các hệ thống đào tạo nghề kép ở Đức và các mô hình dựa hoàn toàn vào trường học ở Bắc Âu. Cụ thể, hệ thống đào tạo nghề ở Đan Mạch dạy nhiều lý thuyết (nhiều thời gian ở trường) hơn các chương trình đào tạo của Đức, nhưng bám sát thực tế hơn hệ thống ở Thụy Điển. Việc học tập không chỉ là truyền kỹ năng nghề nghiệp trong bối cảnh chuyên nghiệp hóa mà còn phổ biến kiến thức chung và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp khác. Học viên cũng được phép tự soạn ra lộ trình học tập của mình sao cho phù hợp với điều kiện của từng cá nhân. Hệ thống giáo dục năng động của Đan Mạch hiện nay cũng cho phép sinh viên tự chuyển đổi hình thức giáo dục hoặc tự chọn ngành nghề, tạo hứng thú với việc học tập hướng nghiệp của giới trẻ.
Mô hình đào tạo bền vững của Trung Quốc
Trong 50 năm kể từ ngày thành lập nước CHND Trung Hoa năm 1949, giáo dục hướng nghiệp Trung Quốc đã trải qua một quá trình điều chỉnh, sửa chữa, chứng minh, cải thiện và phát triển bền vững.
Giáo dục và dạy nghề ở Trung Quốc hiện chia làm 3 cấp. Cấp đầu tiên được thực hiện chủ yếu trong các trường dạy nghề và nhằm đào tạo công nhân, nông dân và nhân công cho các ngành nghề với kiến thức nghề nghiệp cơ bản và những kỹ năng nhất định. Để đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế địa phương, các trường dạy nghề cấp một này chỉ được mở ở các vùng nông thôn, nơi kinh tế chưa phát triển. Trường dạy nghề cấp hai không chỉ cung cấp cho xã hội những công nhân lành nghề mà họ còn được đào tạo thêm kiến thức về văn hóa để có thể thích nghi với các khu chế xuất, khu công nghiệp. Với việc học nghề kéo dài 2-3 năm, giáo dục hướng nghiệp cấp ba ở Trung Quốc chủ yếu tuyển sinh những học viên đã từng tốt nghiệp các trường dạy nghề cấp 2 nhằm đào tạo cho đời những công nhân “cổ trắng”.
Tính đến cuối năm 2001, hơn 3.000 trường dạy nghề lớn đã được mở, thúc đẩy phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp. Tuy nhiên, đào tạo nghề theo nhiều hình thức đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục hướng nghiệp. Hiện tại, việc dạy nghề ở Trung Quốc do các Bộ Giáo dục và Lao động quản lý, nhưng các doanh nghiệp được khuyến khích “đào tạo nghề” cho chính công nhân của mình. Năm 2001, những khóa đào tạo ngắn hạn đã cho ra lò cấp tốc hàng trăm triệu công nhân.
Hơn nữa, quốc tế hóa đang trở thành xu hướng chung cho mọi cuộc cải tổ và phát triển nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Theo đó, Trung Quốc cũng đã tham gia tích cực vào hợp tác quốc tế và trao đổi trong lĩnh vực đào tạo nghề. 20 năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã gửi nhiều đoàn sang hơn 20 quốc gia học nghề, đồng thời cũng tiếp nhận nhiều đoàn nước ngoài đến học nghề tại Trung Quốc, mời các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy và hợp tác mở trường quốc tế ở trong nước.