Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, hay khoảng trống pháp lý?

Phạm Thúy 23/09/2008 00:00

Các văn bản hướng dẫn thực thi luật chậm được ban hành; Nhiều quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo và chưa thực sự phù hợp với thực tiễn là một trong các nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản – là nhận định của đa số Ủy viên UBTVQH trong phiên họp sáng qua - 22.9 của UBTVQH về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở các Bộ, ngành và địa phương...

      Báo cáo trình UBTVQH của Chính phủ khẳng định: giai đoạn 2005-2007 các văn bản dưới luật về đầu tư xây dựng cơ bản đã được ban hành khá hoàn chỉnh theo đúng nguyên tắc: nghị định phù hợp và tuân thủ các quy định của các luật có liên quan; Thông tư hướng dẫn và quyết định phù hợp với nghị định hướng dẫn và không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nội dung quản lý. Báo cáo trên cũng quả quyết rằng: các văn bản hướng dẫn thường xuyên được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với các văn bản luật và tình hình thực tế còn những văn bản pháp luật có sự mâu thuẫn, chồng chéo đã được xem xét để nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Tuy nhiên, sau gần 7 tháng làm việc với các Bộ, ngành và 11 địa phương trong cả nước, theo đánh giá tổng quan của Đoàn giám sát của UBTVQH, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản không thực sự khả quan như nhận định của Chính phủ. 
      Chưa vội bàn đến chất lượng, chỉ nhìn vào thời gian ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ, các Bộ chức năng cũng đã có thể tạm lý giải được vì sao việc thực thi pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước lại vướng mắc, khó khăn đến thế và các đối tượng chịu sự điều chỉnh phải kêu ca, phàn nàn nhiều thế. Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật ban hành rất chậm; Thậm chí là nghịch lý khi có những nội dung không phù hợp với thực tiễn thì chậm được sửa đổi, bổ sung nhưng lại có những văn bản thường xuyên thay đổi với tần suất cao gây tâm lý chờ đợi trong triển khai thực hiện, nhất là ở địa phương. Nghịch lý này cũng đẻ ra nhiều dự án chuyển tiếp giữa các quy định cũ và mới khiến việc triển khai thực hiện bị lúng túng. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thẳng thắn: Cứ nói chế tài không đủ mạnh, rồi đổ cho cơ chế chính sách là chưa thỏa đáng; Chính phủ quả quyết đã chỉ đạo quyết liệt để kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn nhưng thực tế việc ban hành có kịp thời thật không? – khi mà Luật Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1.7.2004 thì phải đến hơn 7  tháng sau, Nghị định 16/2005/NĐ-CP hướng dẫn mới được ban hành và đến ngày 29.7.2005 Bộ Xây dựng mới có Quyết định số 24/2005/QĐ-BXD “Định mức dự toán công trình - phần xây dựng”, tháng 9.2005, mới có Thông tư số 08/2005/TT-BXD hướng dẫn về lập, thẩm định dự án. Chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành từ 5-7 tháng sau khi luật có hiệu lực thi hành dường như đã trở thành chuyện thường ngày, thậm chí có những văn bản hướng dẫn được Chính phủ, Bộ chuyên ngành “ngâm  cứu” đến... một năm mới được ban hành.  

      Đồng ý rằng, đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước là lĩnh vực rất đa dạng, phức tạp liên quan đến công tác quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp; năng lực, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, có những khoảng trống pháp lý để dành cho lợi ích cục bộ của các Bộ, ngành chủ quản là điều khó tránh khỏi. Và, cũng phải thẳng thắn, công bằng, những hạn chế yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn có nguyên nhân từ rất nhiều đối tượng và chủ thể khác, từ chất lượng quy hoạch kém, thiếu đồng bộ đến năng lực có hạn của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đội ngũ tư vấn, thiết kế, công nhân thi công... ; Trong đó, có cả trách nhiệm của QH khi Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai – 3 đạo luật cơ bản nhất, có tác động trực diện nhất đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản lại có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau... Nhưng hậu quả, thiệt hại của hàng ngàn dự án phải... treo vì thủ tục quá lằng nhằng, vì chờ nghị định, chờ thông tư hoặc rơi vào mớ bòng bong của các quy định cũ và mới – các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn đã thử làm phép tính? Đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước tức là sử dụng tiền của do nhân dân đóng góp – nếu chỉ vì chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật mà tiền của của nhân dân không được sử dụng hiệu quả trong lúc đất nước còn khó khăn có lẽ là điều khó chấp nhận. 
      Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư... – không phải là vấn đề mới mẻ. Giám sát của QH, của UBTVQH và các UB của QH cứ chạm đến lĩnh vực nào thì phổ biến là văn bản hướng dẫn thi hành luật của lĩnh vực ấy chậm ban hành. Còn nhớ, UBTVQH cũng đã từng có giám sát chuyên đề về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ và các bộ. Nhiều giải pháp đã được đưa ra. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2009 tới đây cũng có quy định về việc dự thảo văn bản hướng dẫn luật phải được trình đồng bộ với dự án luật để QH xem xét nhằm hạn chế hết mức sự chậm trễ và chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật. Nhưng sau giám sát chuyên đề ấy, những kiến nghị của UBTVQH được thực hiện như thế nào? Thực tế UBTVQH có nắm được không thì không chỉ là băn khoăn của riêng Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng. Sau giám sát chuyên đề về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở các Bộ, ngành và địa phương, Báo cáo giám sát của UBTVQH cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, gợi mở nhiều giải pháp... – nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu...
      Có thể thấy từ luật đến nghị định, từ nghị định đến thông tư hướng dẫn giống như là một bước dậm nhảy. Khoảng cách từ bước dậm nhảy đến đích quả là dài. Độ dài ấy là khoảng trống pháp lý gây nên nhiều thiệt hại cần được sớm khỏa lấp.

      Công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém làm giảm hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của đất nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (đường giao thông, cảng biển, bệnh viện tại các thành phố lớn...) quá tải. Tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án thấp, còn thất thoát, lãng phí so với đầu tư bằng nguồn vốn khác, đầu tư thiếu đồng bộ. Tình trạng bố trí vốn dàn trải vẫn còn khá phổ biến1. Các dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện có xu hướng tăng lên về số lượng cũng như tỷ lệ. Công tác chuẩn bị đầu tư, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt, công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán của hầu hết các đơn vị được kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu nên phải thay đổi, bổ sung, điều chỉnh, kéo dài thời gian đầu tư... Vẫn còn nhiều vi phạm pháp luật đầu tư XDCB, pháp luật bảo vệ môi trường, an toàn lao động... gây bức xúc trong nhân dân.

 

      Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng không thống nhất về tên gọi và nội dung các báo cáo về cùng một vấn đề; về quy định đấu thầu rộng rãi; về việc điều chỉnh hợp đồng; về tiêu chí cụ thể của giá dự thầu hợp lý; về hình thức lựa chọn nhà thầu; về phê duyệt dự án đầu tư và phương án giải phóng mặt bằng; về chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Một số nghị định, thông tư không phù hợp với Luật xây dựng và Luật đấu thầu như các nghị định, thông tư về người được ủy quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án; các thông tư hướng dẫn về điều chỉnh giá của hợp đồng trọn gói; Ngoài ra, còn tình trạng giữa các văn bản dưới luật cũng có sự không thống nhất nhau2. Do yêu cầu thực tế, một số văn bản hướng dẫn thực hiện của địa phương khác so với các quy định của Trung ương

 

      Nhiều nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa phù hợp nên khó đi vào cuộc sống: Luật đấu thầu quy định nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn khảo sát thiết kế không được tham gia đấu thầu thi công, tư vấn giám sát thi công công trình (Điều 11). Theo ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì quy định này là không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam , tăng giá thành không cần thiết, mất tính liên thông của quá trình lập dự án - khảo sát - thiết kế của các tác giả thiết kế. Qui định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn có giá trị dưới 500 triệu đồng và gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp có giá dưới 1 tỷ đồng (Điều 20) là thấp so với thực tế giá cả biến động rất nhanh, việc quy định cứng trong Luật là không phù hợp.

      (Báo cáo thẩm tra của UBTVQH về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng ngân sách nhà nước ở các Bộ, ngành và địa phương giai đoạn 2005-2007)

Phạm Thúy