Có hay không mộ Đề Thám ở Hiệp Hòa?

Từ Khôi 22/09/2008 00:00

Đề Thám là lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp hơn 30 năm ở căn cứ Yên Thế, Bắc Giang. Năm 1913, cuộc khởi nghĩa tan rã. Cũng từ đó, bí ẩn về kết cục của người anh hùng Đề Thám được thêu dệt trong nhiều câu chuyện không biết đâu là thực. Gần đây, tại xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang, người dân đã dựng lên một ngôi đền đơn sơ sát cạnh một gò đất. Họ bảo: Gò đất đó chính là ngôi mộ “đích thực” của Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám.

      Câu chuyện ở Tân Lập
      Tân Lập được người dân xóm Nội Dinh lập ra từ những năm 1982. Trước đó, đây là một đồi thông rậm rạp. Hơn 8 năm về trước, nhiều người dân ở đây vẫn gọi ngôi mộ ở gò Yên Ngựa trên đồi thông là mộ của ông ăn mày. Thế rồi, một hôm ông Nguyễn Văn Sử nói với mọi người rằng: Ngôi mộ đó chính là mộ của cụ Đề Thám. Ông Sử kể: Ông là cháu 5 đời của cụ Lý Loan (lý trưởng của làng). Cụ Lý Loan trước đây có quan hệ thâm tình với cụ Đề Thám. Năm 1911, khi nghĩa quân Yên Thế thất trận. Cụ Đề Thám trên đường lánh nạn sang đất Vĩnh Yên không được đã quay lại Nội Dinh nhờ cụ Lý Loan giúp đỡ. Ngày đầu, cụ Đề cùng hai nghĩa quân giả trang hành khất ở tại nhà cụ Lý Loan. Sau đó, cụ Lý Loan bố trí cho cụ Đề và hai nghĩa quân ra ở nhà cầu Thày Mai trên gò Yên Ngựa trong đồi thông dày. Đến nay, dấu vết nền nhà cầu Thày Mai vẫn còn. Theo ông Nguyễn Văn Tiếp – Thành viên Tổ tự quản đền và lăng mộ cụ Đề Thám thì: “Nhà cầu thày Mai do cụ Lý Loan dựng ở cạnh xóm, để dân đi làm đồng về nghỉ ngơi và cánh trương tuần canh gác dùng làm nơi nghỉ chân”. Thế rồi, tin dữ xảy đến vào ngày 9.5.1913 (ÂL). Cụ Đề mất ở nhà cầu Thày Mai. Nghĩa quân và cụ Lý Loan đã an táng cụ Đề dưới một gốc thông, bên một lối mòn, cách nhà cầu Thày Mai chừng 30m. Cây thông có hình dáng khá lạ, thân gập và có hai nhánh như hai tay ngai. Theo những người trong Tổ tự quản mộ và đền cụ Đề thì để giữ bí mật: Cụ Đề được mai táng như thể người “hành khất”, không ván, không liệm, không lễ nghi...
      Theo ông Sử: Sau khi cụ Đề Thám mất được vài năm thì cụ Lý Loan ngầm đổi cánh đồng dưới chân gò Yên Ngựa thành cánh đồng Yên Thế, và khu gò giữa đồng là Cai Chanh (vị tướng của cụ Đề Thám). Năm 2001, người dân ở tân Lập dựng một ngôi miếu rất khiêm tốn về phía Nam của ngôi mộ. 

      Văn bản tại ngôi mộ
      Ngôi mộ và đền hiện nay thuộc phần đất của gia đình anh Đàm Văn Đường và chị Ngô Thị Điều. Cuối năm 2005, hai đứa trẻ con anh Đường, chị Điều học lớp 3, lớp 4 khi vui chơi tại ngôi mộ đã nhìn thấy lộ ra hai dóng xương. Chúng gọi ông Tiếp lúc đó đi ngang qua lại xem. Ông Tiếp kể: “Tôi lấy chìa khóa và cố cậy hai khúc xương lên. Đó là hai dóng xương chân dài, xếp nghiêng. Rồi tôi lấp đất lại”. 
      Có thể nói, mọi chuyện lan rộng ra bên ngoài vào ngày 4.11.2005, khi lãnh đạo và cán bộ xã Mai Trung tiến hành việc nhận bàn giao hiện vật lạ trong lòng ngôi mộ với ông Nguyễn Văn Sử và ông Nguyễn Văn Tiếp. Sự việc bắt đầu từ ngày 27.9.2005, khi ông Sử đào một hố nhỏ để trồng cây đại sát cạnh ngôi mộ. Khi bửa một tảng đất, ông Sử phát hiện thấy có một chiếc liễn sành. Theo ông Sử thì đây là chiếc liễn sành thời Mạc úp ngược xuống đất. Tuần tự xếp đặt theo sự úp ngược liễn, như sau: Trên cùng là đáy liễn; tiếp theo là lớp lá dầu đã khô. Tiếp đến là hai tờ giấy bản (chỉ một tờ có chữ, một tờ không) được gấp lại. Hai tờ giấy này được đặt trong lòng chiếc đĩa con phượng (thời Lê) và ốp chặt vào đáy liễn. Lá chèn xung quanh. Tiếp đó là lớp cát khô, sau đó là lớp vữa chèn chặt lớp cát lại. Tiếp đến là 2 chiếc đĩa thời Nguyễn có ve lòng, một chiếc có hình 3 con cá chép, 1 chiếc có hình 4 con cá chép. Cả hai đều được trát vữa chặt để khỏi tuột. Khi phát hiện, ông Sử đã gọi thợ ảnh đến chụp ảnh hiện trường cùng một số nhân chứng. Biên bản bàn giao cho chính quyền xã ghi: Chiếc liễn sành hình trụ có kích cỡ: to nhất 17cm và chiều nhỏ là 16cm; vòng tròn miệng là 50cm; chiều cao liễn là 10cm; độ dày liễn là 1cm. Ba chiếc đĩa có đường kính 12,5cm và chu vi đường tròn là 38cm. Tờ giấy gió có chữ chiều dài là 37cm, chiều rộng là 25cm. Toàn bộ hiện vật này, UBND xã Mai Trung đã báo cáo và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã cử cán bộ xuống đem về niêm phong trong kho bảo quản chuyên ngành. 
      Dựa trên các bức ảnh chụp hiện vật và bản photo tờ giấy dó mà ông Sử trao lại, chúng tôi nhận thấy đây là một văn bản chữ Nôm. Toàn văn là một bài thơ bốn câu như sau: Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận/Hậu thế nghìn năm ai biết không?/Yên ngựa gửi vào nơi lòng đất/Thế sự Hoàng Hoa ai rõ chăng. Và dòng lạc khoản: Một nghìn chín trăm mười ba/ Tháng năm ngày mồng chín/ Loan. Chữ “Loan” ở dòng lạc khoản này là Loan nào? Phải chăng là cụ Lý Loan? Rồi câu kết: Thế sự Hoàng Hoa ai rõ chăng?. Thế sự Hoàng Hoa là thế sự gì? Phải chăng ý người viết nhắc đến kết cục của cụ Đề Thám? Hay 4 chữ Cờ Hậu Yên Thế được ghép bởi 4 từ đầu của 4 câu thơ liệu có ý nghĩa gì không?...
      Đến nay, chính quyền và nhân dân xã Mai Trung đã gửi đơn đề nghị lên các cấp có thẩm quyền và Viện Lịch sử, Viện Khảo cổ... và các nhà khoa học với mong muốn mau chóng được sáng tỏ những vấn đề trên. Thiết nghĩ, việc này cũng không đến nỗi khó khăn vì hài cốt trong ngôi mộ vẫn còn. Và tờ giấy dó ghi bài thơ Nôm lấy từ trong ngôi mộ đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang.

Từ Khôi