SỰ KIỆN BÌNH LUẬN: 1929 và 2008 - Những khác biệt

Hồng Quang 18/09/2008 00:00

Tuyên bố phá sản của một trong những ngân hàng hùng mạnh nhất Phố Wall khiến người ta nhớ đến nhận xét của tờ New York Times cách đây 10 năm, được Thomas L. Friedman trích dẫn lại trong cuốn Chiếc Lexus và cây Ôliu: “Khó khăn (của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á) tràn từ lục địa này sang lục địa khác như một con virus”.

06-1929-26208-300.jpg

      Nhưng lần này, cơn đại dịch có nguy cơ lan rộng hơn cả năm 1997 bởi virus không phải xuất phát từ Thái Lan hay Hàn Quốc, những nền kinh tế ở châu Á, mà hình thành ở Mỹ - nước đang nắm cây gậy chỉ huy của nền kinh tế toàn cầu. Điều này đã khiến các nền tài chính phải đặt câu hỏi: bóng đen của cơn đại suy thoái kinh tế thế giới 1929-1933 đang quay trở lại? Chuyên gia kinh tế Jacques Attali cho rằng: “Cuộc khủng hoảng của thị trường cho vay cầm cố đã làm tiêu tan một số tài sản tương đương với 10% GDP thế giới. Không một ngân hàng nào còn có khả năng cứu giúp ngân hàng nào. Và nếu các nhà băng tiếp tục hốt hoảng, bóng đen của những năm 1929-1933 không còn quá xa vời”.
      Nếu chỉ xem những màn dạo đầu, người ta có thể nhanh chóng đi đến kết luận rằng bi kịch ở phố Wall hiện nay không khác những gì đã từng ám ảnh phố Wall cách đây gần 80 năm. Vào năm 1929, các ngân hàng ồ ạt cho các nhà đầu tư vay vốn cùng với niềm tin tuyệt đối vào sự hưng thịnh của thị trường cổ phiếu. Còn những kẻ đầu cơ thì ồ ạt vay tiền, chấp nhận mức lãi suất cao đến điên rồ (có lúc lên đến 20%), cùng với niềm tin tuyệt đối vào khoản lợi nhuận cao gấp nhiều lần mà họ kiếm được từ việc đầu tư vào thị trường cổ phiếu. Và bi kịch đã xảy ra thị trường cổ phiếu rớt giá.
      Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng không nằm ngoài kịch bản này: các ngân hàng lại ồ ạt cho vay với niềm tin tuyệt đối vào sự hưng thịnh của thị trường bất động sản. Các nhà đầu cơ ồ ạt vay vốn vẫn với một niềm tin tuyệt đối rằng lãi suất họ kiếm được từ đầu cơ ở thị trường bất động sản thừa sức giúp họ trả lãi ngân hàng. Và hai làn sóng diễn ra đã khiến bi kịch lặp lại: thị trường bất động sản rớt giá và đóng băng từ năm 2006, tỷ lệ lãi suất được điều chỉnh đến mức cao khiến một loạt những đối tượng vay vốn không có khả năng thanh khoản. Các ngân hàng tuyên bố phá sản hàng loạt.
      Thế nhưng, tình hình tài chính năm 2008 có giống như năm 1929? Vở bi kịch chỉ giống nhau ở màn dạo đầu và thắt nút, thế còn ở đoạn tháo nút thì sao? Một chuyên gia cho rằng, nếu kinh tế thế giới đang chứng kiến xu hướng tự do hóa mạnh mẽ chưa từng thấy, thì bản thân mỗi nước lại đang chứng kiến một xu hướng điều tiết của Nhà nước cũng mạnh mẽ không kém. Nói một cách vĩ mô hơn, đó là kinh tế thế giới đã phát triển từ mô hình kinh tế thị trường “cổ điển” sang “hiện đại”. Ở giai đoạn những năm 1920, kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới (chủ yếu là các nước Bắc Âu) nói chung phát triển theo mô hình kinh tế thị trường cổ điển, chịu sự điều tiết của “Bàn tay vô hình”, lý thuyết mà Adam Smith đưa ra để chỉ những quy luật của thị trường. Trong giai đoạn vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường cổ điển, Nhà nước chỉ đóng vai trò “giữ nhà”, nghĩa là can thiệp rất hạn chế và mang tính gián tiếp vào các hoạt động kinh tế. Nếu mô hình này có ưu điểm nổi bật là giúp các nền kinh tế phát triển năng động, linh hoạt thì hệ quả của nó cũng thật khủng khiếp. Chính phủ không có khả năng đối phó kịp thời khi khủng hoảng kinh tế bột phát và vì thế, sức tàn phá của khủng hoảng vô cùng nặng nề. Cuộc đại suy thoái 1929-1933 là một minh chứng. Còn giờ đây, kinh tế thế giới được điều tiết bởi hai bàn tay: bàn tay vô hình - thị trường, điều tiết ở tầm vĩ mô; Bàn tay hữu hình - Nhà nước, điều tiết ở tầm vi mô. Điều này đã giúp các Chính phủ phản ứng nhạy bén và linh hoạt hơn với khủng hoảng.
      Một lý do khác khiến việc suy thoái 2008 không thể giống 1929, đó là sự phát triển của các chế định tài chính toàn cầu, hay nói như Thomas L. Friedman, đó là những “chiếc Lexus” của kỷ nguyên toàn cầu hóa. Nếu toàn cầu hóa có thể khiến con virus khủng hoảng lây lan từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác, từ châu lục này tới châu lục khác nhanh hơn gấp nhiều lần cách đây 80 năm, thì cũng chính kỷ nguyên này đã sinh ra những công cụ như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để ngăn chặn sự lây lan của virus. Đúng như Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel kinh tế, nhận định: “Sẽ không có nguy cơ đại khủng hoảng trong ngắn hạn bởi chúng ta có trong tay những công cụ” khác với thời 1929. Sự hợp tác giữa các Chính phủ, giữa các ngân hàng trong những ngày vừa qua đã chứng minh điều đó. Chỉ trong hai ngày 15-16.9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Anh quốc và Ngân hàng Nhật Bản đã bơm vào hệ thống tiền tệ hơn 350 tỷ USD để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu.
      Còn một điểm khác biệt cuối cùng và cơ bản giữa 1929 và 2008 là nếu sau 1929, Mỹ vẫn là nền kinh tế thống trị thế giới trong suốt gần 1 thế kỷ, thì cuộc khủng hoảng 2008 đã bắt đầu báo hiệu một giai đoạn “chuyển giao quyền lực”. Sự suy yếu tương đối của kinh tế Mỹ đang tỷ lệ nghịch với sự trỗi dậy của Trung Quốc hay Ấn Độ. Không thể khẳng định con rồng hay con hổ châu Á sẽ là đầu tàu tương lai của kinh tế thế giới, nhưng chắc chắn rằng, sự nổi lên của sức mạnh châu Á là xu hướng không thể đảo ngược.

Hồng Quang