Tha hương (Phần một)
Truyện ngắn của Đinh Ngọc Hùng

Khay cà phê tuột khỏi tay tôi rơi xuống đất.
- Tôi sẽ trừ nó vào tiền lương tháng này của cậu - Người quản lý nói.
- Tôi phải về quê. Mẹ tôi ốm nặng - Tôi nói.
- Cậu sẽ bị đuổi việc - Người quản lý nói.
- Chính tôi sẽ nghỉ việc - Tôi nói.
Chỉ ba ngày mê man là mẹ đi. Nhanh thật. Đầu tiên là một vết xước bong vẩy khi chải tóc. Qua tháng nó bằng quả trứng. Qua tháng bằng nắm tay. Đi thử tế bào kết luận u não.
- Đưa bác về phụng dưỡng. Những ca như thế này chưa thấy ngoại lệ.
Chị bác sỹ nói. Tôi xúc động khi nhìn vào cặp môi đỏ mọng của chị. Nó giống cặp môi mẹ ngày xưa. Trong lòng tôi xâm lên sự tiếc nuối. Mọi người trong làng bảo: một khi bệnh viện đã trả về thì chỉ còn đợi ngày.
Tôi đưa mẹ ngược mạn tây bắc, tìm đến một ông thầy mo người Xinh Mun. Từ quốc lộ 6, đi vào năm mươi cây số đường rừng, cuối cùng chiếc xe ôm cũng dừng trước một ngôi nhà sàn xiêu vẹo. Chủ nhà là một người đàn ông ngoài năm mươi, đôi mắt sâu và tối:
Bệnh à?
Tôi gật đầu, vạch ra chiếc bướu.
Đưa nó vào nhà.
Tôi dìu mẹ chới với từng bước cầu thang. ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là năm cái bàn thờ cúng ma.
- Để nó đây nửa con trăng. Tối tao đi rừng lấy thuốc.
Tôi khúm núm đặt trước bàn thờ ma thuốc tiền lễ. Buổi tối trong nhà xuất hiện thêm một người con gái. Đó là con chủ nhà. Cô gái còn trẻ và khá xinh. Ngày trước mẹ cũng từng trẻ trung như thế. Bên bếp lửa chúng tôi nhanh chóng trở thành bạn. Ba ngày sau, chủ nhà chỉ mặt tôi rít:
- Mày tránh xa nó ra, lại gần tao chém.
Tôi run như phải gió. Cô con gái lấm lét nhìn tôi. Đồng tử lộ tia sợ hãi. Mười ngày sau tôi đưa mẹ về xuôi.
- Đi đi và đừng bao giờ trở lại đây.
Chủ nhà nói sau khi sai con giết gà mua rượu làm cơm cho tôi ăn. Trên xe, xen lẫn bao hình ảnh hỗn độn là cơ thể con gái bồng bềnh và mùi cỏ chít hăng xè đến khó chịu. Tôi thở dốc. Không ít lần tôi đã thở hộc lên khi nghĩ về đàn bà. Nó nhắc tôi nhớ đến bờ vai trần của mẹ dưới ánh trăng bên giếng. Tôi tự phỉ báng suy nghĩ của mình. Nhưng chỉ lúc sau nó trở lại như có sự dẫn dụ của thứ hương mê. Mẹ ở bên mệt nhưng vẫn nhận ra:
- Coi chừng phải đạo bùa thì khổ, con ạ!
Tôi giật mình nhìn mẹ của hiện tại: tiều tụy, hết sinh khí. Mẹ bảo, mấy đêm rồi, đêm nào mẹ cũng nhìn thấy những người đàn bà mặc váy địu gùi. Họ về đầu nhà nói thứ tiếng dân tộc nhưng mẹ không hiểu. Có phải thế mà mẹ nằng nặc đòi về. Không chịu nổi tôi nhìn ra cửa xe. Trời vừa tối. Trên bầu trời chi chít sao. Tôi thấy mình và mẹ như hai ngôi sao, mỗi ngôi có một quỹ đạo riêng và càng ngày càng đi xa nhau.
Khi mẹ nhắm mắt tôi có khóc một chút. Nhưng sau đó cho đến tận lúc mẹ đã nằm dưới nấm mồ đất mới, khóe mắt tôi vẫn ráo hoảnh. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi không thể khóc. Tôi thấy mình lạc lõng, bơ vơ giữa họ hàng. Có người bảo nỗi đau lớn là nỗi đau khiến con người ta phải rớt nhiều nước mắt. Có người cho rằng khi không thể khóc là lúc người ta đau nhất. Tôi thấy chỉ ở cách nghĩ cách cảm mỗi người. Nỗi đau nào chẳng là nỗi đau.
- Mày nhỏ vài giọt nước mắt cho mẹ mày về Tây thiên được an ủi.
Mấy bà bác, bà thím giục. Tôi vẫn không khóc, bà thím ruột móc túi bỏ ra mấy nghìn cho đám thợ kèn. Từ đó lúc lúc họ lại xướng tên tôi và khóc lên một hồi.
Dù muốn dù không sự thật vẫn là sự thật. Sự thật là thứ cuối cùng mẹ dành cho tôi. Khi nhắm mắt người ta chỉ nói những điều gan ruột. Tôi nhìn người đàn ông mình gọi cha với con mắt người dưng. Trong tôi có một chút ghê tởm người sinh hạ ra mình. Ghê tởm chính mình. Sao cũng xấu xa, bội bạc, vô ơn thế. Thà mẹ cứ chôn chặt, cứ mang theo mọi bí mật xuống mồ còn hơn vài nhát cuốc rỉ máu nham nhở mặt đất. Tôi rơi vào đổ vỡ ngay khi mẹ nhắm mắt. Từ lúc này cuộc sống của tôi xuất hiện một gương mặt xa lạ.
Từ nghĩa địa về, cha ngồi xụi ở góc nhà không nói. Cha tiều tụy đi nhanh chóng. Tôi xuống bếp nấu bát mì mang lại:
- Cha ăn đi. Dù sao thì mẹ cũng đã mất rồi.
Ông nhìn tôi rồi ông bưng mặt khóc hu hu. Nom đàn ông khóc tôi thấy khó chịu. Trong mắt ông tôi đọc được sự nghi ngờ khi nghe lời tôi nói. Lúc lâu sau ông thốt lên:
- Mẹ con. Đó là người đàn bà...
Tôi bỏ bát mì đấy đi ra vườn. Mẹ đẹp. Điều đó tôi rõ hơn ai hết. Và tôi nhận ra nó từ tấm bé. Ở làng này không người đàn bà nào, kể cả con gái chưa chồng có mái tóc dài óng mượt như của mẹ. Tôi thường vục mặt vào đấy để hít hương lá cây mỗi khi mẹ gội đầu. Nhìn đàn bà con gái tôi đều đem họ so sánh với mẹ. Bảy tuổi tôi vẫn còn bú mẹ. Tôi thèm vô cùng cảm giác được mút đầu vú như hạt sen trong lưỡi. Hoặc khi mẹ ấp khuôn mặt tôi vào hai bầu vú no tròn day day đến ngột thở. Vài năm sau, tôi vẫn theo mẹ vào buồng tắm, nín thở chờ người trút bỏ quần áo. Đôi lúc tôi nhận thấy sự bối rối của mẹ khi bắt gặp ánh nhìn của tôi. Có thể bà bắt trúng suy nghĩ của tôi. Hoặc bà cảm nhận đó là ánh nhìn của một người đàn ông dành cho một người đàn bà chứ không phải của một đứa con dành cho người mẹ. Trong nhiều năm tôi ghét cha vô cùng bởi ông là người duy nhất tôi phải chia sẻ mẹ. Sự khập khiễng giữa hai người khiến chưa bao giờ tôi cho rằng ông xứng đáng.
- Vì sao mẹ lấy cha? - Tôi hỏi.
- Vì thương nhau rồi về với nhau.
Qua tuần đầu nỗi đau cũng vợi dần. Buổi tối quen lệ tôi vẫn mang trấu ra ngoài nghĩa địa đốt. Có vài buổi cha cùng đi.
- Đất lạ chẳng phải là nơi tốt. Con người sinh ra chỉ cần sự yên ổn - Cha nói.
- Trên mặt đất này sẽ chẳng có một nơi nào như thế đâu? - Tôi nói.
- Có chứ. Quê nhà. Thực ra người ta không nhất thiết phải rời khỏi quê hương.
Ông nói có lý. Đó là với ông. Ông không thể biết được những đêm vừa qua tôi đã toan tính phủi tay, giũ bỏ ra sao. âm mưu càng thầm kín thì người đời càng khó đoán định. Tôi cũng không còn thấy bình tĩnh khi giáp mặt ông. Trong tôi gương mặt của ông nhạt nhòa và luôn bị một gương mặt lạ khác chiếm cứ. Với tôi quê hương giờ cũng chẳng còn là chốn bình yên.
- Không! Con quyết định rồi - Cuối cùng tôi nói.
- Để tao đi câu con cá chuối về luộc.
Ông nói rồi vào bếp lấy đồ nghề đi ra cổng. Trong tôi thoáng một chút lo sợ. Mùa này trời lạnh, cá chuối nào cắn câu. Có phải cái chết của mẹ khiến ông thành lẩn thẩn. Trong tôi ám ảnh hình ảnh người đàn ông gầy còm với chiếc cần câu bên bờ đầm sậy. Vài cú đung đưa lấy đà, cánh tay cầm cần câu hất mạnh, sợi cước chạy dài sải trên mặt nước. Rồi chậm chạp từng lóng cước được quấn lại, lưỡi câu mắc chiếc mình nhái thong dong bơi đánh lừa lũ cá. Bụp! Bàn tay người quấn cước chùng lại một chút cho con cá ngậm mồi, rồi bất ngờ lắc mạnh. Con cá mắc câu quẫy trên mặt nước rồi bị lôi xềnh xệch vào bờ. Vậy mà lần đi câu này ông về bảo được đầy rọ. Tôi nhìn vào cái rọ rỗng, hỏi:
- Cá đâu hết rồi?
Ông nói:
- Thả hết rồi.
Tôi lạnh sống lưng.
Biết mai tôi đi, ông chú ruột gọi hai cha con sang ăn cơm. Bữa ăn toàn các món chế biến từ thịt ếch đồng: ếch rán giòn, ếch om, ếch xào sả ớt và cả một nồi cháo ếch to tướng. Đây toàn là ếch ông bắt ở ngoài đồng về. Ở làng giờ người ta tính chuyện ra nước ngoài làm ăn buôn bán, một ngày một rời xa đồng đất, duy chỉ có hai anh em ông, người giữ nghề câu, người lang thang khắp đồng đào ếch. Rượu được một hồi ông chú ruột hỏi:
- Mày vẫn đi à?
Tôi gật đầu.
- Rồi mày sẽ thành con chó lạc mà thôi. Đất thị thành nào phải dành cho những đứa như mày.
Ông chú dằn mạnh chén rượu xuống chiếu, gân cổ chửi. Tôi cúi gằm mặt cầm cái đùi ếch rán gặm. Thịt ếch đồng thật ngon. Không giống với những loại thịt tầm thường nhạt nhẽo ở những quán cơm bình dân ngoài thành phố. Tôi không sợ ông chú nổi giận. Nó chỉ bằng cái móng tay so với sự nghiệt ngã đời dành cho những đứa như tôi. Hai đứa con gái ông chú thấy tôi sắp ra phố thì hớn hở. Cặp mắt lưu thủy đen láy lúng liếng:
- Khi nào bỏ học bọn em cũng sẽ theo anh.
Ông chú điên tiết chửi ầm lên:
- Ra đó mà làm đĩ à? Cút tổ chúng mày đi.
Chúng nguýt cha dài một cái rồi đứng dậy. Vồng ngực đã nhú cao sau chiếc áo rộng cổ đập vào mắt tôi nhưng nhức. Tôi hơi bất ngờ vì chúng lớn nhanh thế, lại giống cái Nữ như đúc. Tên hai đứa là Hoa và Hạ. Chúng nó là chị em sinh đôi nên tôi chẳng phân biệt được đứa nào. Mỗi lần muốn gọi tôi đều réo tên hai đứa. Chúng ra ngoài một lúc đã nghe tiếng huýt sáo, tiếng xe máy nổ, còi xe inh ỏi ngoài ngõ. Cuối cùng là tiếng chửi của bà thím:
- Bố chúng mày. Chưa tối đã tót đi. Lúc nào cũng chỉ đàn với đúm. Rồi ễnh bụng ra lúc nào chẳng biết.
Tôi đoán chắc hai đứa đã đi chơi với bọn bạn trai. Tôi nhìn lên bức ảnh cái Nữ treo trên bàn thờ. Mới đấy mà đã bốn năm. Ông chú vẫn chưa thôi lên lớp tôi. Ông vốn là người cục tính và nói ngang. Mà tôi biết thừa lời ông nói có ai sợ. Người ta cứ để cho ông nói sướng mồm thì thôi. Thấy thế bà thím từ ngoài vào cắt lời:
- Đang bữa ăn ông lại to tiếng thế còn ai muốn ăn.
Rồi bà lấy đũa gắp thức ăn cho cha con tôi:
- Thôi, mọi người ăn đi kẻo thức ăn nguội hết.
Tôi nhìn bà ngồi ăn nhỏ nhẹ. Vẻ bề ngoài và con người bên trong thật khác xa nhau. Nếu chỉ nhìn bề ngoài mà đoán thì suốt đời ăn quả lừa. Bà vai vế thuộc hàng cha mẹ nhưng tôi khinh bà ra mặt. Chẳng còn thằng đàn ông nào trong làng mà bà chưa từng ăn nằm trừ cha con tôi. Ông chú chẳng làm được gì. Xảy ra chuyện, lôi vợ về chửi bới mấy ngày lại đâu đóng đấy. Tôi tin bà thím lươn lẹo phải có liều độc dược mới bưng được miệng ông chú dễ như vậy. Lũ đàn bà không giữ nổi chồng ghen ngược. Họ dọa nếu lần sau bắt được sẽ xẻo ba lạng thịt vứt cho chó. Nhưng cứ một dạo cái làng nhỏ lại xảy ra một vụ ầm ĩ mà bà là thủ phạm. Đợi bà hoàn lương chắc trừ phi lũ đàn ông hám gái chết hết. Đàn bà đã có chồng con mà lại thế chẳng biết là cái giống gì. Cũng chẳng chắc ông chú tôi là cha của ba đứa con gái.
Đêm nay, mẹ ra chốn thị thành với tôi. Mẹ đứng lặng lẽ trong phòng trong suốt. Mẹ trắng hơn, gầy hơn, xanh hơn... Mẹ thật trẻ, mẹ của cách đây hai mươi năm về trước. Mái tóc dài xanh mướt thoang thoảng hương bồ kết, gò má mẹ ửng đỏ khi bắt gặp cái nhìn của con trai. Tôi hỏi gì mẹ cũng không nói. Mẹ hỏi phải tôi đã trốn chạy khỏi ngôi nhà đã sinh ra mình. Tôi không còn dám giáp mặt người đàn ông đã nuôi nấng tôi ngần ấy năm. Đúng. Tôi muốn quên và xóa mọi ký ức. Và tôi đã cố làm điều đó trong giấc mơ. Cố xóa cả một khuôn mặt đàn ông lạ cứ bám riết lấy tôi. Khi tôi sắp làm được điều đó thì mẹ lại xuất hiện. Tôi nhào theo gọi. Ông chủ nhà hốt hoảng:
- Cậu thấy ma à?
- Không! Đó là mẹ tôi.
- Nhưng mẹ cậu chết rồi kia mà?
Hai hôm sau tôi bị đuổi khỏi chỗ trọ. Tôi xách ba lô lang thang trên phố. Đêm đó tôi ngủ lại nhà thằng bạn. Có lúc tôi tin mình bị bùa của ông mo người Xinh Mun hành. Nếu không đời tôi sao cực nhọc thế. Tôi thuê chỗ trọ mới nằm trong một ngõ sâu ở một đường phố mới. Cô bạn gái vừa dựng xong chân chống xe nhào vào phòng than thở:
- Anh chuyển đến cái xó xỉnh này khiến em tìm đứt cả hơi.
Uống cạn ly nước lọc tôi vừa rót, cô hỏi:
- Mẹ anh mới mất.
Tôi gật đầu. Cô bảo khi tôi báo tin cô đang dẫn khách đi tour ở Thái Lan nên không về được. Rồi cô say sưa quay sang kể chuyện chuyến đi Thái.
- Đêm nay em ở lại đây hay về? - Tôi hỏi.
- Em sẽ ở lại - Cô đáp.
Chủ nhà đòi tôi mười ngàn vì có người ở lại. Chúng tôi ra ngoài mua về mấy chiếc bánh mì, mấy lon bia và làm tình sau khi ăn xong.
Chị Sinh là con gái bác họ tôi. Hôm đến thăm, bắt gặp tôi và cô bạn gái đang ôm nhau nằm ngủ chị vô cùng sững sờ. Chị xấu hổ trong khi cô bạn gái tôi nói cười như không. Dạo này nhiều khu công nghiệp mới mở ra, chị rời làng xin vào làm công nhân ở một nhà máy sản xuất bao bì. Chị bảo: giờ hầu hết thanh niên trong làng đều dạt ra thành phố làm công nhân ở các khu công nghiệp. Tôi ngán ngẩm: làm công nhân, lương ba cọc ba đồng sống sao nổi. Ngay như tôi có cái bằng cao đẳng du lịch rồi cũng chỉ làm chân chạy bàn nhà hàng khách sạn. Mất việc lúc nào chẳng biết. Chị bảo:
- Cũng còn hơn ở quê. Cảnh chân lấm tay bùn cậu còn lạ gì. Với lại về quê bây giờ cuộc sống thay đổi đến chóng mặt. Ngồi một chỗ ruột nóng như lửa, chịu không nổi. Thấy mình cứ tụt lại mãi.
Tôi sững sờ. Người như chị, hiền thục, dịu dàng, không ưa cuộc sống phức tạp, thích sự yên bình, con người mà tôi từng nghĩ sẽ thích hợp với gia đình lại đoạn tuyệt và thay đổi cách nhìn cách nghĩ một cách nhanh chóng và rõ ràng như vậy.
- Cha em thế nào? - Tôi hỏi.
- Ông vẫn đi câu.
- Còn chú Vượng?
- Vẫn hàng ngày ra đồng đào ếch.
Lớp trẻ dễ dàng thích nghi với những biến động song còn những người như cha, như chú Vượng, họ không chịu nổi sự thay đổi. Họ sẽ chết.
Hôm tôi đến khu công nghiệp thăm chị, chị hỏi:
- Em với nó đã sống với nhau như vợ chồng?
Tôi gật đầu.
- Từ khi còn ở trong trường cơ. Cùng là dân ngoại tỉnh. Ra trường không muốn về quê. Mà có về cũng chẳng xin được việc. Muốn vào chân loong toong ở huyện cũng phải quen biết hoặc có tiền cục. Nhiều đứa đổi bằng đời con gái.
Nhìn khuôn mặt đăm chiêu tôi không sao đoán được chị đang nghĩ gì. Chị Sinh không đẹp nhưng ưa nhìn. Trong xóm chị là người thương tôi nhiều nhất và tôi cũng rất quý chị. Chị, tôi và cái Nữ đã lớn lên và gắn bó với nhau từ nhỏ trong ngôi làng ven sông Kinh Thầy.
- Chị sống ở đây thế nào?- Tôi hỏi.
- Thì như cậu thấy đấy.
- Mười một người trong ngần này mét vuông? - Tôi hỏi.
Một cô gái tên Huệ, quê Hà Tây, chị Sinh bảo hơn tuổi tôi và tôi phải gọi bằng chị nói:
- Tôi đã ra đây ba năm và vẫn sống như thế đấy thôi. Rồi thành quen hết.
Đã lâu tôi không về quê. Lần về quê này cha già đi nhiều. Thấy tôi về ông lụi cụi vác đồ câu đi. Buổi chiều ông mang về một đôi cá chuối to bằng bắp chân. Tôi mang làm, ông bảo:
- Để đấy, tự tay tao nấu.
Trong lúc chờ cơm, tôi lang thang ra sông. Dòng sông mùa cuối năm con nước chết, xanh ngắt ngắt và lạnh lẽo. Thế mà hồi nhỏ, những ngày này tôi, chị Sinh và cái Nữ vẫn ra sông mò hến cả buổi.
- Sau này lớn lên anh sẽ làm gì?- Cái Nữ hỏi.
- Làm họa sỹ.
- Để làm gì?
- Để vẽ mẹ.
- Em sẽ làm cô giáo. Em muốn được dạy học. Còn chị, chị Sinh. Chị sẽ làm gì?
- Chị à? Chị sẽ lấy một người chồng, có con và sống hạnh phúc.