Người đẹp miền hoang dã

Đăng Bẩy 16/09/2008 00:00

Được người yêu điện ảnh nhớ bằng vai diễn để đời trong phim Đoàn Digan tan biến nơi chân trời, Svetlana Toma đã được phong tặng danh hiệu Nữ diễn viên Xuất sắc nhất thế kỷ XX của điện ảnh Moldavia.

Người đẹp miền hoang dã ảnh 1

      Với Đoàn Digan tan biến nơi chân trời, nghệ thuật điện ảnh đã có một trường hợp hiếm hoi: bộ phim lại hay hơn so với nguyên bản văn học của nó là truyện ngắn Makar Chudra và những tác phẩm đầu tay của nhà văn Maxim Gorky... Câu chuyện tơ lòng trong một đoàn người Digan nay đây mai đó rắc rối đến mức khó gỡ: nàng Rada kiêu hãnh yêu chàng kỵ sỹ Loiko Zabar, nhưng chàng lại đang bị cô gái tóc vàng Yulishka theo đuổi ráo riết, trong khi đó, vị quý tộc Siladi lại yêu đến chết mê chết mệt nàng Rada... Cuộc sống của đoàn Digan diễn ra trong bối cảnh một vùng sơn cước hẻo lánh ở một tỉnh lẻ thuộc đế chế Áo - Hung nửa cuối thế kỷ XIX với tất cả những tập tục lạ kỳ của họ đã được tái hiện một cách cuốn hút. Đạo diễn Emil Loteanu và nhạc sỹ Evgeny Doga đã có một cuộc hội ngộ diệu kỳ làm nên một bộ phim mang tính giải trí mà sâu sắc. Đặc biệt, qua diễn xuất của nữ nghệ sỹ Svetlana Toma, hình tượng một cô gái Digan tươi trẻ và kiêu hãnh, ngang tàng và thông minh, toát lên biết bao khát vọng về tình yêu và tự do... 

      Svetlana Toma trải qua tuổi thơ tại một làng quê, nơi bụi vào mùa hạ và bùn vào mùa thu đều ở mức ngập bọng chân. Ngược lại, cô bé cũng sống giữa những thứ đồ cổ đắt tiền và những con người quý phái vì mỗi kỳ nghỉ hè, cô đều được gửi về ở nhà người bá là chị của mẹ cô. Bên ngoại của Svetlana thuộc một dòng dõi phong kiến pha trộn nhiều huyết thống Pháp, Nga, Hungary và Áo, còn bên nội là một dòng máu thuần Nga. Tại nhà người bá, “con bé nhà quê” đã phải tuân theo một khuôn phép nghiêm nhặt, được uốn nắn từ thế ngồi, bước đi cho đến cách cầm thìa dĩa trong bữa ăn. Chỉ có một đứa trẻ con duy nhất trong nhà là Svetlana cho nên cả gia đình dồn hết hứng thú vào việc giáo dưỡng mầm non. Svetlana bắt buộc phải thường xuyên đọc Pushkin, Tolstoy và các tác giả văn học cổ điển Nga, ngoài ra còn phải đều đặn ghi nhật ký. Mỗi chuyện sơ sẩy của cô bé đều trở thành đề tài đàm luận công khai cho cả gia đình. Tấm gương thường được nhắc đến là người chị họ của Svetlana - Đấy, chị ấy tốt nghiệp trường Pháp Sorbone rồi trở thành tiến sỹ luật, làm việc ở Bucharest, thủ đô nước Romania bên cạnh... Noi theo người chị thành đạt, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Svetlana ra bến xe định đi thi vào khoa Luật, và chính bến xe đó lại thành điểm xuất phát sự nghiệp diễn viên điện ảnh của Svetlana Toma...
      Tại bến xe, trong bộ trang phục rất diện do người chị gửi từ Bucharest, cô lọt vào mắt của người sau này sẽ đóng vai bố mình – diễn viên Mikhail Badikov; Ông này vừa tiến gần đến Svetlana vừa gọi toáng lên: “Emil, Emil! Tôi tìm thấy cô ta rồi đây”. Lúc này, đạo diễn Emil Loteanu mới 29 tuổi và đang chuẩn bị làm bộ phim thứ hai đầy hứa hẹn. Họ xin số điện thoại của Svetlana và ngay hôm sau mời cô đến gặp trợ lý đạo diễn. Một tuần sau, cô được chọn làm diễn viên chính và quyết định bỏ thi. Người cha bộc lộ một ý chí sắt đá: ông đòi đạo diễn phải đến tận nhà cam kết trong một năm làm xong bộ phim để năm sau con gái mình tiếp tục thi vào đại học. Chỉ sau khi đạt được thỏa thuận đó, Svetlana mới được phép đặt bút ký vào hợp đồng đóng phim.
      Trên trường quay, Emil Loteanu quả là một đạo diễn nghiêm khắc, những tiếng lầu bầu của anh khiến Svetlana Toma lâm vào tuyệt vọng, thậm chí anh còn cột cán xẻng vào lưng cô nữ diễn viên tội nghiệp, bắt cô tập đi hàng giờ để có dáng đi ưng ý. Sự khổ luyện đã mang lại thành công: trước ống kính máy quay, Svetlana cất cánh. Nhưng lạ thay, sau ca làm việc, anh khác hẳn, chăm chút Svetlana trong từng miếng ăn khi đói và trong từng viên thuốc khi ốm. Sự trái ngược đó đã gây sốc cho Svetlana và cô định thần nhận ra: đây là biểu cảm của một người đàn ông chín chắn đối với một người phụ nữ. Dĩ nhiên, cô cũng mang lòng yêu anh. Mối quan hệ giữa hai người trong nhiều năm quả là tuyệt vời nhưng cũng vô cùng phức tạp, lúc cắt đứt, lúc nối lại... tuy nhiên hai người vẫn không bao giờ trở thành vợ chồng. Khi Svetlana đang học năm thứ ba Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Ca nhạc Leningrad, cô nhận lời với đạo diễn Vladimir Vengerov đóng vai cô gái Digan Masha trong phim Cái thây sống (theo truyện của L. Tolstoy) và vẫn chờ bức điện tín do Loteanu gửi tới. Bức điện ấy, người ta đã giấu cô, nên khi trở về Kishiniov, cô bị Loteanu gọi là “kẻ phản bội” và đoạn tuyệt, vì đã làm lỡ dở bộ phim Khoảnh khắc ấy do chính anh viết kịch bản và nhằm vào nữ diễn viên chính là cô. Việc quay phim ở Leningrad diễn ra khá lâu, và cuộc đời Svetlana có thể chuyển sang hướng khác – biết vậy, Loteanu quyết định làm lành, song, cuộc tái hợp không kéo dài được bao năm – Svetlana đã gặp người đàn ông khác và đi lấy chồng. Đó là Oliog Lachin, một người Nga lai Ba Lan có cặp mắt xanh biếc, từng học cùng khóa với cô, nhưng mãi đến khi ra trường, cùng về Tiraspol, cùng chung sàn tập mới nhận ra nhau. Một đám cưới theo đầy đủ lệ bộ đã được tổ chức, bất chấp sự phản đối của bố mẹ cô dâu...

      Svetlana Toma là người say mê với nghề: cô vẫn lên sân khấu khi đã mang thai được tám tháng, rồi khi con gái mới được hai tháng, theo tiếng gọi của Loteanu, cô vẫn lên dãy núi Karpat đóng phim Lautary, vào vai một phụ nữ đang trong tâm trạng phức tạp khi phải chia tay với người yêu dấu. Nhưng sáu tháng sau, bi kịch đã ập đến cuộc đời cô... Vốn là, sau khi cưới vợ, Oliog phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, chỉ được đặc cách trả về nhà hát vào những buổi diễn có anh sắm vai, rồi anh bị thiệt mạng sau một tai nạn đường thủy. Chỉ còn biết vùi đầu vào công việc cho quên đi đau khổ, Svetlana lại nhận đóng vai chính cho phim Làm nhà cho Serafim và Emil Loteanu lại xuất hiện trong cuộc đời cô. Song, do phải đồng thời làm việc với nhiều xưởng phim khác nhau (có năm cô đóng vai chính cho ba bộ phim), mối quan hệ giữa hai người tình cũ không thể tiến triển hơn, mặc dù Loteanu luôn luôn chăm sóc và biểu thị rõ rệt rằng cô là người đàn bà duy nhất của đời mình... Cho đến khi phim Đoàn Digan tan biến nơi chân trời bắt đầu bấm máy thì Svetlana đã hiểu Emil hơn bất cứ bao giờ trong mười năm gần gũi: vị đạo diễn này chỉ muốn chọn cô làm diễn viên chính trong tất cả các phim của mình, nhưng anh lại cần thuyết phục bản thân rằng không ai có thể đóng tốt hơn cô được. Cô đã phải thử vai tới hai lần, và chỉ sau đó mới nhận được bức điện của Giám đốc Xưởng phim: “Chị đã được chọn vào vai Rada. Hai tuần nữa sẽ bấm máy”. 
      Đó là vai diễn nặng nề nhất trong cuộc đời Svetlana Toma. Cũng như mọi lần, bộ phim được quay tại dãy núi Karpat, trong cái nóng cái bụi và giữa những người Digan... Emil Loteanu đã đề ra một chế độ làm việc hết sức khắt khe, phải dậy từ năm giờ sáng và làm việc đến kiệt lực mới nghỉ... Trên trường quay, Emil luôn miệng: “Hỏng hỏng, bất tài thế chứ lị, không thể tồi hơn được nữa”... Đó là chiêu thức của vị đạo diễn này: cần phải tạo nên một không khí căng thẳng để mọi người tập trung cao độ tại trường quay rồi mới khiến khán giả khóc đấy cười đấy được! Đã có lúc Svetlana bỏ cuộc: sau buổi quay, về đến khách sạn, cô lẳng lặng thu xếp tư trang rồi ra sân bay phóng về Moskva, từ đó bay sang Sofia – nơi tổ chức lễ ra mắt một bộ phim mới mà cô sắm vai chính. Cô muốn có được cái cảm giác về ý nghĩa, giá trị của mình – điều đã tan biến tại trường quay của Emil... Mươi ngày sau, khi cô trở về, trong đoàn làm phim quả đã xảy ra chuyện ầm ĩ, song diễn biến lại theo chiều hướng tốt hơn. Emil bắt đầu hành xử theo kiểu khác, không trực tiếp sát phạt cô nữa, mà thông qua một người trung gian... 

      Tham dự các Liên hoan phim quốc tế, Đoàn Digan tan biến nơi chân trời được trao Con sò Vàng - Giải thưởng Lớn của LHP San Sebastian (Tây Ban Nha), Bằng khen cho đạo diễn hay nhất của Fest-77 (Nam Tư), Bằng khen cho bộ phim hay nhất của Praha (Tiệp Khắc), Bằng Vinh danh của cuộc thi kỹ thuật làm phim trong khuôn khổ Đại hội UNIATEC lần thứ 11 tại Paris-1979... Riêng nữ diễn viên chính Svetlana Toma giành được danh hiệu diễn viên xuất sắc nhất năm 1976 do bạn đọc tạp chí Màn ảnh Xô viết bình chọn. Nữ nghệ sỹ tâm sự: “Tôi rất sung sướng bởi đã có một bộ phim để ba chục năm sau người đời còn nhắc tới và mang lại cho tôi danh phận, sự công nhận và vô số giải thưởng quốc tế. Có thể nói, sau đêm trình chiếu bộ phim, tôi ngủ dậy đã trở thành người nổi tiếng”.

            Svetlana Toma

      Đang học năm thứ nhất khoa Luật Đại học Tổng hợp Kishinyov đường đột chuyển sang trường Đại học Nghệ thuật mang tên G. Muzychesku và tốt nghiệp năm 1969, đầu quân cho Nhà hát Kịch nói Nga Chekhov. Trình làng điện ảnh năm 1966 với vai Joanna trong bộ phim Những cánh đồng đỏ của Emil Loteanu và 10 năm sau trở thành diễn viên Đoàn Kịch Điện ảnh thuộc xưởng Moldovafilm.

      Từ đó, Svetlana Toma không còn là nhân vật chính trong phim của Emil Loteanu nữa bởi vì đạo diễn này cũng chuyển sang xây dựng những hình ảnh khác... Mặc dầu Svetlana Toma còn xuất hiện trong vài chục bộ phim sau này, nhưng dư âm và hào quang của Đoàn Digan tan biến nơi chân trời vẫn không hề dứt, và tình yêu hoang dã, điên cuồng của nữ nhân vật hầu như cũng nhập vào tính cách con người của nữ diễn viên này. Cái được lớn nhất đối với Svetlana Toma là trải qua hàng chục năm, nữ nghệ sỹ vẫn giữ được vẻ tươi trẻ như nàng Rada trên màn ảnh rộng ngày nào... Kể cả khi cô con gái Irina Lachina đã trở thành nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng, còn mình thì đã thành bà ngoại, Svetlana Toma vẫn như thời thanh nữ và vẫn giữ vẻ trang nhã đến lạ lùng. Hóa thân hết mình vào từng nhân vật, dâng hiến đến tận cùng, đây là nữ nghệ sỹ kiệt xuất! Năm 2000, khi được phong danh hiệu “Nữ diễn viên xuất sắc nhất thế kỷ XX của điện ảnh Moldavia”, Svetlana Toma tâm sự: “Những ngày buồn nhất trong đời tôi là lúc phải chia tay với các nhân vật của mình. Joanna, Sofika, Rada chính là hiện thân của tôi đấy. Trong điện ảnh, ta chưa kịp kết thân với nhân vật của mình thì đã đến lúc phải chia tay, còn trên sân khấu thì lại khác. Tôi coi vai diễn như cô em gái của mình, phải uốn nắn em, lo lắng cho em, phải bắt chước em những cử chỉ, đi đứng hoặc nét tính cách nào đó. Và hai chị em cùng lớn lên, cùng phạm những sai lầm, cùng yêu thương giận hờn – cứ như thế, từ vở diễn này sang vở diễn khác”...

Đăng Bẩy