Ông nọ bà kia
Truyện ngắn của Đoàn Lê

01/09/2008 00:00

      Thật đáng thương cho bố tôi. Một đời quan chức của bố có thể nói cực kỳ liêm chính. Chả vậy, để nuôi cho sự liêm chính của bố được trọn vẹn, mẹ tôi không rời quán bán sách cũ lấy một ngày. Ai cũng ngạc nhiên. Vợ một quan chức cao cấp đại diện bên tận trời Tây mà khổ thế à? Mẹ tôi bảo: Ông ấy đại diện là phận ông ấy chứ tôi đại diện đâu? Không trông vào mấy tập sách mọt này, mẹ con tôi chết đói. Thằng cả – tức là tôi – thằng ba, con hai đều đang học hành dở dang, mẹ bỏ đi nước ngoài theo bố cho sướng để chúng ở nhà làm giặc? Chồng không bằng con. Mất con mới là mất tất. Hy sinh cho chúng chính là đầu tư cho mình... Thế bà không sợ ông ấy cô đơn dễ tạt ngang tạt ngửa chốc lát ư? Tôi thách. Có muốn mất chức mất quyền, lại ê mặt với thiên hạ thì cứ việc! Cơ quan đoàn thể người ta vặt thịt ra chứ đùa!
      Và để chứng minh một điều có tính chân lý, mẹ tôi khẽ nhếch cái váy tưởng tượng lên khỏi đầu gối, hơi vênh mặt, đọc thơ luôn.
      - Của nhà xấu xí anh thương. Của người nhồi phấn xông hương mặc người!
      Đơn giản vậy mà bố tôi đi hai nhiệm kỳ ở nước ngoài trở về lý lịch vẫn sạch bong như được giặt bằng ômô. Mẹ tôi liền nhấc váy cao hơn chút nữa.
       Nhưng các cụ nói: người nắm tay đến sáng mới thực sự giỏi. Tiếc thay bố tôi giữ tay được đến canh ba thì tuột xích bỏ cuộc. Duyên do sau khi mẹ tôi mất ít lâu, bố tôi bỗng dở chứng, táy máy rờ ngực một cô tạp vụ ở cơ quan ông. Chẳng may sếp phó của bố bắt gặp. Lại đúng kỳ đại hội bầu bán nhân sự, người ta vận động cô tạp vụ tố cáo bố tôi thiếu tư cách đạo đức. Thế là sếp phó thân ái hạ bệ bố tôi. Tội nghiệp, vì phốt đạo đức ấy ông xin về hưu sớm, không nhận tiêu chuẩn gì, bị đình chỉ sinh hoạt Đảng...
      Bố tôi rầu rĩ ăn năn suốt những ngày cuối đời, nhục nhã không dám ngẩng mặt nhìn ai. Đó là lý do tại sao bố tôi lặng lẽ ra đi, không có cả bản di chúc như mọi người nghĩ. Ông có của nả gì đâu ngoài cái án kỷ luật, di chúc làm chi thêm mệt. Còn may, sau khi tôi tốt nghiệp đại học, nghỉ chơi dài dài vài năm, bỗng đầu tháng qua tôi được gọi vào nhận chân văn thư Phòng Tổ chức ở cơ quan của bố. Tôi vừa mừng vừa có phần đắn đo. Tôi hiểu đây là một ân huệ, một sự tưởng thưởng cho đức tính liêm khiết suốt cuộc đời của bố tôi. Thú thực tôi đã quên hẳn tập hồ sơ xin việc gửi cầu may vào đây. Một phần nữa cũng nhờ bác Nhã, một cấp dưới trung thành của bố lo giúp mọi chuyện thủ tục. Sau khi bố tôi về hưu cũng chỉ có bác Nhã còn đến thăm nom, bởi vậy tôi rất hàm ơn, coi bác như người ruột thịt.
      - Thôi đi cậu, bây giờ được nhận vào một cơ quan, có việc làm đàng hoàng, có lương lậu hẳn hoi, người khác nằm mơ chả được. Tôi biết, cậu có mặc cảm về chuyện ông cụ ngày xưa chứ gì? Quên khẩn trương! Bây giờ người ta chẳng ai hơi đâu nhớ đến những chuyện vặt vãnh thời cổ lai hy ấy. Yên trí đi. Và có tôi bên cạnh cậu đây, bố chúng chẳng dám nhờn.
      Bác Nhã nói trúng tim đen của tôi. Dù sao tôi cũng không mấy hào hứng khi nghĩ đến cái nơi gây cho bố nhiều đau đớn. Bác Nhã phải thúc ép mãi tôi mới dứt điểm.
      Mấy hôm đầu đến cơ quan, tôi có gặp cô tạp vụ nọ. Tôi vẫn chào hỏi cô như xưa, như hồi cô mang từ cơ quan về nhà cho anh em tôi khi cân thịt, khi mấy hòm khoai tây. Đôi lần tôi thất lễ liếc vào nơi “nguyên nhân gây sự cố” ngày trước. Lạy chúa, trông cái ngực đến già vẫn vổng lên thế kia, bố tôi tuột xích là phải!
      Người đàn bà ấy có ý ngượng mỗi khi gặp tôi. Một buổi trưa, tình cờ hai cô cháu cùng nghỉ lại ở cơ quan, cô chủ động tâm sự chuyện cũ:
      - Cô thật không phải với bố cháu. Nhưng hồi đó người ta thúc ép quá. Nếu cô không tố cáo, người ta quy kết cô đồng tình hủ hóa. Thực ra tại hôm đó cô ăn mặc hơi vô ý, cái áo mới mua khoét cổ rộng cứ trễ xuống. Ông ấy ngỡ cô cố tình muốn ông ấy để ý mới nên chuyện. Cô thề với cháu, hai chúng tôi chưa từng sàm sỡ, luôn giữ đúng mực. Cô kính trọng tư cách ông ấy lắm chứ... Chả là cái phất trần rơi dưới gầm bàn... Cả hai cùng cúi nhặt... một thoáng nhìn nhau... tự nhiên cô bối rối... Khi đứng dậy cô gần như ở sát trước mặt ông. Chưa kịp trấn tĩnh thì cả hai đã không tự chủ được nữa. Nhưng nào chúng tôi làm gì ghê gớm đâu. Ông ấy mới giơ tay đụng tới người cô thì lão Phê chết tiệt kia đẩy cửa vào... Cháu biết không, khi nghe tin ông bị kỷ luật nặng thế, cô đã vừa khóc vừa xé tan cái áo ra. Thôi thì cháu thông cảm, một thời nó vậy, chứ như đâu bây giờ...
      Phải, như bây giờ cái Cục quan trọng này được gọi mỉa mai chế giễu là “Cục – ông – nọ – bà – kia”. Phòng Tổ chức cán bộ thỉnh thoảng lại nhận được một tin đồn thất thiệt: văn phòng đại diện tại nước X, nước Y đang xảy ra những cuộc tình chiến. Tôi rất thắc mắc. Phần lớn cán bộ đi xa đều được tiêu chuẩn mang theo vợ con, vậy mà các cuộc tình du kích không hề giảm. 
      Nghe đồn mới quý trước một sếp trưởng đã khéo qua mắt mọi người, tằng tịu nửa nhiệm kỳ với vợ anh lái xe kiêm tạp vụ trong cơ quan. Lại tạp vụ! Một hôm sếp phái anh xế đi đâu đó để dễ bề tòm tem, chẳng dè anh ta nghi ngờ, lẻn về rình ở bên ngoài. Đúng lúc nhiệt độ trong phòng đang bốc ngùn ngụt, anh xế tung chưởng Lý Tiểu Long phá cửa xông vào. Hai đương sự đang thực hiện chính sách tiết kiệm, đờ mi nuy để hoạt động cho nhanh. Tiếng bản địa nơi ấy có nghĩa là truồng một nửa. Anh xế tay lăm lăm con dao sáng loáng, gầm lên, đòi thiến sếp. May sao cán bộ trong cơ quan ôm chặt được anh xế kéo ra khỏi phòng, đóng cửa lại. Là cấp dưới có nhã ý để sếp cùng vợ anh xế kịp tìm lại phần nửa trang phục suýt thất lạc.
      Người ta bịt chặt miệng anh xế lại, bảo rằng phải giữ quốc thể, không được làm ầm ĩ. Nên nhớ chúng ta đang sống trên đất nước người, địch luôn luôn nhòm ngó bới lông tìm vết, điều tối quan trọng là không được vạch áo cho thiên hạ xem lưng, mọi chuyện ở đây đều xếp vào loại bí mật quốc gia cả đấy! Anh có muốn người ta tống khứ vợ chồng con cái nhà anh về nước ngay lập tức không? Anh xế đành lấy hết tinh thần để nuốt nhục.
      Bà vợ sếp ngất lên ngất xuống, cũng phải cắn răng mà chịu. Phu nhân có thương chúng em thì giữ yên lặng cho cơ quan nhờ. Đừng để người ta sờ gáy anh nhà, rồi cái sảy nảy cái ung, chuyện nọ phát sinh chuyện kia. Văn phòng đại diện nào chả có những vấn đề tế nhị, không được lộ sáng. Ở trong nước thiên hạ đang ghen ăn tức ở, thêm chuyện này càng rách việc. Phu nhân bình tĩnh đi, đừng xúc động quá. Về lâu dài “của nhà” vẫn đấy. Chỉ là thư giãn tý chút. Hết ba năm, ông nọ về nhà ông nọ, bà kia về nhà bà kia, không ai lăn tăn nữa. Thứ tình – yêu – nhiệm – kỳ ở Cục mình là chuyện thường thôi, xảy ra như cơm bữa. Chẳng qua phu nhân bị bất ngờ, tất nhiên phải choáng. Chúng em vô cùng thông cảm. Nhưng xin nể mặt chúng em!
      Vụ việc được giữ yên như mặt nước hồ thu. Phu nhân sút mất dăm kilô, dẫu ăn uống tẩm bổ chả thiếu thứ gì nhưng cứ gầy như con mắm. Khỏi lo đi, phu nhân tiền nhiệm khóa trước cũng mắc trường hợp tương tự mà về nước chừng dăm tháng lại phổng phao tựa hồ ăn nhầm bột nở. Đã bảo rồi, đâu sẽ vào đấy thôi mà.
      Nghe những chuyện ấy tôi không sao bình tĩnh. Tội nghiệp bố tôi. Ông ấy chỉ vừa giơ tay đụng tới người cô... chỉ thế thôi, nhưng ông đã mất tất cả, danh dự lẫn sự nghiệp. Hình ảnh ông cúi gằm mặt lặng lẽ như cái bóng lên xuống gác, không dám nhìn thẳng ai, mãi mãi khiến tôi xót xa. Bố ơi, thời nay người ta sướng gấp vạn lần bố!
      Mà bác Nhã hay rỉ tai tôi những chuyện này với ý đồ gì? Bác muốn dạy anh văn thư mới vào nhiệm sở nắm vững nội tình chăng? Hay bác muốn ngầm an ủi tôi rằng: “Ông cụ nhà anh đồng thời là thủ trưởng cũ của tôi xưa kia chỉ mắc cái lỗi như người ta hắt xì hơi. Anh khỏi mặc cảm”.
      Tôi nói với bác Nhã:
      - Người ta đồn khiếp quá. Có lẽ những người ấy cậy mình đã ra nước ngoài, thoát vòng cương tỏa, chẳng cần giữ gìn nữa. Giá lãnh đạo tỏ thái độ nghiêm khắc, chắc họ sẽ bơn bớt.
      Sếp Nhà nghiêm mặt dặn:
      - Mọi chuyện đồn đại đều xếp loại vô căn cứ. Bao giờ đương sự nó đưa ra bằng chứng rành rành. Theo đúng luật pháp mình mới phải xem xét. Cậu nên nhớ, thời buổi này cứ kéo được quần lên là xong, không còn ai dám khẳng định vừa xảy ra chuyện bậy bạ, trừ phi bị ghi hình chụp ảnh.
      Tôi biết tỏng ở đây có một nguyên nhân tế nhị. Cho dù xảy chuyện gì thì các văn phòng đại diện vẫn là nơi thu hút được lợi lộc cho Cục, cho đất nước. Rồi quà cáp biếu xén gửi về, ai nỡ vuốt mặt không nể mũi? Chưa kể việc bổ nhiệm lẫn cách chức một sếp trưởng đại diện cũng có nằm trong quyền hạn của Cục đâu. Lỡ ra đụng phải hạt giống của vị nào đó thì toi hẳn. Cứ lờ lớ lơ như bác Nhã là thượng sách, chẳng ai chết.
      Bác Nhã có một cô con gái rượu, con người vợ trước đã chết, đang làm việc tại một chi nhánh đại diện tại Pháp. Em xấp xỉ tuổi tôi nhưng vẫn còn phòng không. Đôi khi bác hay gật gù nhìn tôi đầy ý tứ, thảng hoặc động viên:
      - Cố phấn đấu lên. Tớ dành con Hoa cho cậu đấy. Năm nay tớ điều nó về, hai đứa chính thức xong, tớ cho cưới luôn. Cậu thấy thế nào? Tớ rất thoáng, cậu đừng lo. Cứ miễn hai đứa sống ngon lành thương yêu nhau. Mẹ mất sớm, nó thiệt thòi nhiều. Cậu chơi với nó từ tấm bé chắc cậu dễ thông cảm tính nết em...
      Tôi hiểu những lời nói đó chứa đựng tấm lòng chân thành của sếp Nhã. Tôi cũng quý Hoa. Mỗi lần em về phép, tôi thường phải dành hết thời gian cho em, bởi Hoa hồn nhiên quấn lấy tôi như một đứa trẻ. Con em gái tôi nhiều lúc phát ghen. Nhưng quả thật tôi chưa nghĩ xa hơn những tình cảm quý mến vô tư đối với cô bé. Tôi thường tâm niệm sẽ thay mặt cha mẹ đã khuất, gây gột cho hai em xong xuôi mới nghĩ đến phận mình. Liệu khi ấy Hoa còn chờ được tôi không? Con gái xinh đẹp, con một vị phụ trách tổ chức của Cục, tương lai ngời ngời, lại chả đắt hơn vàng mười, chắc gì dành đến phần tôi. 

      Dù sao tôi cũng thầm cám ơn tấm thịnh tình của sếp, cố giữ khoảng cách nhất định với Hoa, đặc biệt mấy hôm nay cô bé đang có mặt tại Hà Nội nghỉ hè.
      - Tôi còn chưa nói với cậu điều này. Bà xã nhà tôi lúc nào cũng cằn nhằn rằng trông thiên hạ đi nước ngoài như đi chợ mà thèm. Tôi lo thủ tục cho người này người kia, tạo điều kiện để họ tích cóp hàng đống của, riêng vợ mình thì quên. Giá như người khác, cố xin Cục sắp xếp cho vợ đi nước ngoài lấy một lần để mở mày mở mặt... Cậu bảo thế có dở không chứ?
      - Bác gái nói cũng có lý. Ở Cục mình ai chả mong có dịp xuất ngoại.
      - Mắc cái... bà ấy còn trẻ quá. Cứ trông gương cái Hán cùng phòng Tài vụ của bà ấy đấy. Sang Đông Nam Á thì tòm tem với sếp để bà vợ ông ta cầm dao đuổi chém. Giờ điều sang Tây thì văn phòng có sáu ông, nó lần lượt ấp bốn ông rồi. Đang ầm chuyện lên.
      - Bà nào kinh thế ạ?
      - Cậu chưa biết mụ Hán này. Gần năm mươi, ở tuổi hồi xuân, nghe nói thiếu đàn ông một ngày chị chàng cuồng lên như phát rồ. Trong Cục đã lưu hành bài thơ châm biếm về thói máu giai của mụ Hán hay đáo để. Được cái anh chồng ở trong nước khù khờ, chịu khó “kính thưa các loại sừng” miễn sao chị vợ trả giá bằng cách cung đốn ngoại tệ cho anh ta giả nợ bài bạc.
      - Nhưng có phải ai cũng gớm guốc thế đâu hở bác?
      - Chú mày ngốc lắm. Già như con mẹ Hán còn thế, huống hồ bà vợ tớ mới ngoài ba mươi, lại ngờ nghệch, lại dễ đua đòi. Của nhà cứ phải giữ cho chắc, không để thất thoát suy suyển cậu ạ. Kinh nghiệm ở đời đấy. 
      Người vợ sau của bác Nhã tôi gặp luôn. Bác sợ là phải. Trông tươi mát như một tiếp viên hàng không. Gốc vốn chân quê, lấy chồng già được chiều chuộng, được đưa ra thành phố, được tân trang, đổi mới với tốc độ chóng mặt. Bây giờ cô gái quê đến nhiệm sở cứ hệt một madam xịn! Cả bộ phận Tài vụ lác mắt luôn.
      Tôi chép miệng bình luận:
      - Rõ con sâu bỏ rầu nồi canh.
      - Khốn nhưng nồi canh đầy những sâu thì cậu bảo sao?
      - Thiên hạ hơi dở bác nhỉ? Bên Tây thiếu gì gái đẹp, các ông nhà ta quen ăn quẩn cối xay nên mới rách việc. Bà Hán chài được một lúc bốn ông, đố ai hiểu nổi.
      Bác Nhã cười thoải mái, nhìn tôi với ánh mắt giễu cợt.
      - Chưa dừng lại con số bốn đâu. Phải chờ khi mụ ta hết nhiệm kỳ mới đếm chính xác được. Mà động mở mồm con mụ lại thề xoen xoét rằng mình không phải loại chốn chúa lộn chồng. Chưa ai chụp được ảnh nên cứ là chịu mụ ấy.
      - Cháu được ngồi vào ghế Bao Công, cháu khắc lôi ra bằng hết. Bên ấy không ai biết hay không dám đấu tranh?
      - Ơ hay, đã bảo chuyện tế nhị mà. Quốc thể! Các ông nhà ta không đi kiếm gái trẻ ngoại quốc cũng vì sợ lộ chuyện, ảnh hưởng đến quốc thể, cậu hiểu chưa? Muốn đi với gái Tây phải nhờ một vài cò mồi cộng đồng Việt dẫn dắt, sợ mang tiếng. Không những thế, mỗi lần ra ngoài chí ít cũng mất dăm chục euro, tiếc tiền đứt ruột chứ lị. Thôi thì tắm ao ta tuy không lịch sự mỹ miều, phải dùng hàng nội địa, đen đúa quê kệch một tý như mụ Hán, nhưng vừa tiện vừa đỡ tốn kém. Này nhé, văn phòng của sếp, ai vào phải gõ cửa xin phép. Thấy sếp không chịu mở cửa ai dám lu loa rằng sếp đang hành sự trong cái văn phòng đại diện quốc thể kia? Phải kín đáo rút lui dù mười mươi biết lúc đó sếp đang ăn vụng. Bởi vậy các em nhân viên cấp dưới cứ việc thỏa sức thì thụt lẻn vào rồi khóa trái cửa lại. An toàn tuyệt đối! Ở đây không ai nhắc đến giá cả, chỉ cần ân huệ bèo bọt cho nhau cũng xong. Các em có già một tý, nhưng dù sao “của lạ bằng tạ đường phèn”. Rành rành mụ Hán xách dép cho các phu nhân bên ấy không đáng mà mụ vẫn hoạt động ngon lành...
      Tôi hiểu rồi. Không ai biết họ làm gì trong những căn phòng kia. Họ, hạt giống của vị nào đó, nghĩa là có ô che tầm xa, ai đụng vào toi với các vị như bỡn. Bác Nhã đã dặn tôi thế.

*

      Đã đến ngày giỗ bố tôi. Bác Nhã cho Hoa đến giúp sửa soạn cỗ bàn cùng với em gái tôi từ chiều hôm qua. Là bác có ý để Hoa gần gũi gia đình tôi hơn. Xem chừng bác cũng nhất định xếp đặt cho cô con gái duy nhất phải lấy chồng nội địa. Hôm trước bác đã nửa đùa nửa thật bảo:
      - Cậu sửa soạn đi thì vừa. Quả chín quá không hái đúng lúc sợ nó rụng mất đấy... Cần thì cưới xong tôi thu xếp cho con Hoa về nước, đợi khi hai vợ chồng có dịp cùng đi một thể, như thế là nhất. 
      Tình hình đã đến “sát cửa khẩu” biết nói gì nữa. Tôi đành cười trừ.
      Tối qua tôi bị hai đứa con gái thi nhau oanh tạc một trận đến tối mắt tối mũi. Hai cô dong tôi đi ăn cảo phố Tạ Hiền “để tuần sau em sang Paris cho đỡ nhớ”. Sau đó lại kem ly Bờ Hồ kèm sữa chua.
      Khoảng mười một giờ khuya, từ một rạp chiếu phim ra, tôi phải chiêu đãi hai tiểu thư món phở chính hiệu. Món bắp rang bơ tình cờ gặp trên đường về là món ăn cho thơm miệng thôi! Ai bảo nữ thực như miu, con gái ăn như mèo, là chưa biết rõ chân tướng bọn họ. Họ vờ vịt đấy. Cứ thử thân tình xem!
      - Thôi, sau món này nữa chúng em khoan hồng tha bổng cho cái ví của anh. Chúng em đoán anh đang cố giấu nhăn nhó, đúng không?
      Tất nhiên tôi phải thật tươi tỉnh, coi gần hai trăm bạc chẳng là cái đinh gỉ, kiên quyết không chịu mang tiếng ky bo. Mắc cái tiếng ấy cầm chắc ế vợ như bỡn. Nhưng nhìn bộ mặt gã bán bắp rang bơ cười nhăn nhở vì được dịp “chém đẹp” anh chàng sĩ gái, tôi những muốn tống cho hắn một quả.
      Đêm xuống, tôi không thể ngủ được vì tách cà phê uống cùng Hoa trước khi ai về phòng nấy. Vừa trở dậy bật đèn tìm cuốn sách thì một bóng người xuất hiện trong phòng làm tôi giật mình. Hóa ra Hoa. Hoa nằm cùng em gái tôi ở phòng kế bên.
      - Em chưa ngủ ư? Có phải vì tách cà phê không đấy?
      - Chuyện vặt. Em thấy đèn sáng vội sang xem anh có cần gì không?
      - Anh vẫn thường xuyên thức khuya như mọi đêm. Không có chuyện gì đâu. Em về ngủ đi kẻo mai nhiều việc sẽ mệt.
      Hoa lắc nhẹ đầu làm vẻ nũng nịu. Tôi hơi run. Các em tôi có đứa nào còn thức không? Rồi bác Nhã sẽ đánh giá tôi thế nào?
      - Em sắp đi rồi mà anh. Ngồi chơi với anh hết đêm nay cho đỡ buồn có được không? Em đang chán đời lắm đây?
      - Biết! Bây giờ chỉ có hàng bắp rang bơ mới chữa được bệnh chán đời của các cô gái thời nay thôi.
      Hoa bỗng ôm choàng cánh tay tôi, ghì siết.
      - Em bắt đền anh. Hứa cho chúng em đi Tam Đảo sao không thực hiện? Giờ chỉ còn mấy ngày nữa em bay, thế là “phăng teo” chứ gì?
      Chết tôi rồi. Ở bên Tây người ta mới tự nhiên như thế. Hay là Hoa nghĩ đã tới lúc phải “dứt khoát quan điểm?” Hay cô muốn đốt cháy giai đoạn trước khi quay lại Paris?
      Dù lý do gì Hoa cũng khiến tôi hết hồn. Tôi nghe khắp người ngứa râm ran, không dám đưa mắt nhìn Hoa. Phần da thịt cô gái áp vào tay tôi nóng sực. Để trấn tĩnh, tôi cấu mạnh đùi mình một cái... Đúng lúc đó bỗng có tiếng em gái tôi ho ở phòng bên. Tôi vội nhẹ nhàng gỡ tay Hoa ra. Tôi biết tiếng ho ý tứ của em tôi đã giúp tôi vượt qua giây phút... chàng xoay người lại ôm nghì lấy nàng để ngây ngất đặt một cái... như trong phim Hàn Quốc.
      Không được phép làm phật ý người đẹp, tôi tìm kế hoãn binh:
      - Tối mai em nhé. Bây giờ anh ra lệnh cho em phải đi ngủ. Tối mai anh hứa sẽ dành một điều bí mật tuyệt vời cho em.
      Hoa lưỡng lự một thoáng. Đôi mắt cô nhìn tôi đầy hoài nghi.
      - Thật không?
      Tôi im lặng, nghiêm mặt lại, hát khe khẽ:
      - Đừng nghe con giai nói. Hỡi em...
      Hoa bật cười, giơ tay ra ý đe tôi rồi chạy về phòng mình, đúng lúc có tiếng ho thứ hai. Em gái tôi rõ ràng muốn nhắc nhở. May cho nó không phải ho đến lần thứ ba, nếu không cầm chắc con bé ấy đau họng thật!
      Tôi đóng chốt cửa phòng. Tắt đèn đi nằm. Tối mai sẽ lấy gì để xứng với món quà “bí mật tuyệt vời” tặng em đây? Một lời tỏ tình, một lời cầu hôn chăng? Cần phải nghĩ cho chín đã. Dù sao cũng còn thời gian đến tối mai!
      Không hiểu tôi đã kịp ngủ chưa khi mà bóng dáng thân thuộc của bố tôi bỗng hiện ra trên đầu giường. Bố tôi nhìn rầu rầu y như những lần bố muốn nói một điều gì thật quan trọng.
      - Tội nghiệp con giai của bố. Con đã lọt vào kế hoạch của bố con ông Nhã mất rồi. Con Hoa ở bên kia sống buông thả lắm, nghe đâu trước đây trót dính chuyện với thủ trưởng của nó, ai cũng biết, nên giờ khó lấy chồng. Ông Nhã đang cần tìm tấm bình phong che chắn cho nó. Hãy nhớ lời bố dặn đây: lấy ai thì lấy, chớ dính vào con gái trong Cục... Rồi tan nát cả một cuộc đời con ạ!
      Tôi giật mình choàng tỉnh. Bố về căn dặn con thật đấy ư? Cứ theo mộng triệu mà suy... Ôi, lẽ nào cuộc đời đáng sợ đến thế? Hay đây chỉ là giấc mơ do trí tưởng tượng?
      Nhớ đến gương mặt hồn hậu tươi tắn của Hoa, lòng tôi chua xót nghi ngờ lẫn tiếc nuối. Tôi muốn gào lên hỏi Hoa: Em cũng đã kịp nhiễm lối sống “nhiệm kỳ” ấy sao? Em muốn chúng ta rồi đây sẽ trở thành ông – nọ – bà – kia thật sao? Không, không bao giờ! Lạy trời giấc mơ chỉ là giấc mơ.
      Nhưng tối mai lấy gì làm món quà “bí mật tuyệt vời” cho em đây?