Trung Đông trong cơn “bão cát”

Quang Minh 13/08/2008 00:00

Hàng loạt những sự kiện gần đây tại Trung Đông dường như đang báo trước một trận “bão cát” sắp tràn qua khu vực vốn đã nóng bỏng này...

      Từ Israel... 
      Sau nhiều tháng trì hoãn, cuối cùng thì Thủ tướng bị cô lập của Israel Elhud Olmert cũng đã tuyên bố sẽ không tranh cử chức Chủ tịch Đảng Kadima cầm quyền trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này ngày 17.9 tới.
Hiện ông Olmert đang phải chịu sức ép từ chức vì có liên quan đến những cáo buộc tham nhũng. Cuộc điều tra tham nhũng tập trung quanh các cáo buộc rằng một thương gia tên là Morris Talansky đã hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Olmert bằng tiền mặt vào năm 2006, sau đó khoản tiền này lại được dùng vào việc mua sắm những vật dụng đắt tiền. Ông Olmert đã tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng Israel ngay khi Đảng Kadima của ông tìm được người lãnh đạo mới vào cuối tháng 9, nhưng có vẻ như ông sẽ phải tiếp tục đảm nhiệm vai trò này cho tới năm sau vì có sự đấu tranh nội bộ giữa hai thành viên trong đảng là Ngoại trưởng Tzipi Livni và Bộ trưởng Giao thông Shaul Mofaz. Cho dù ai là người giành được chiếc ghế chủ tịch Kadima thì một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn có lẽ cũng sẽ được tổ chức vào đầu năm 2009 và khi đó, lãnh tụ phe cánh hữu đối lập là ông Benjamin Netanyahu sẽ có nhiều khả năng thắng cử.
      Cả bà Livni và ông Mofaz có lẽ sẽ phải đối mặt với một cuộc tranh chấp lâu dài và khó khăn sau tháng 9 tới (nếu đắc cử) để tái thiết một liên minh có thể đứng vững. Những đối tác của Đảng Kadima, thừa dịp ông Olmert đang phải đối phó với nhiều khó khăn cá nhân, đã ngang nhiên phớt lờ Quốc hội. Trong khi chính phủ gần đây liên tục mất phiếu tín nhiệm nhưng vẫn cố gắng gượng để duy trì.
      Tuy nhiên trong khi vị trí chính trị của ông Olmert tại Israel dường như đang bên bờ vực thì vị trí đó lại hoàn toàn tương phản khi mọi người nhìn ông từ góc độ một nhà ngoại giao: hòa bình. Ông đang chạy đua với thời gian để đạt được thỏa thuận với Syria trước khi rời nhiệm sở trong vài tháng tới. Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Israel cũng sẽ giải quyết tiến trình đàm phán hoà bình Israel – Palestine, tiến trình được chính ông khởi động lại sau 7 năm gián đoạn. Nhưng chưa có điều gì chắc chắn trong cuộc đàm phán này khi ngay cả ông Abbas cũng đang phải đau đầu với những vấn đề của người Palestine...
      ... đến Palestine
      Từ ngày 25.7.2008, người dân Palestine lại rơi vào một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất từ khoảng một năm qua tính từ thời điểm Hamas dùng vũ lực đánh chiếm dải Gaza. Trong suốt gần hai tuần vừa qua, cả hai phe đều đã “làm mọi điều có thể” để đạp đổ bức tường triển vọng hợp tác. Đầu tiên là vụ đánh bom tại một quán cà phê bên bờ biển gần thành phố Gaza đã giết chết 5 thành viên Hamas và một bé gái 6 tuổi. Người ta quy trách nhiệm cho nhóm vũ trang Al Awda thân Fatah nhưng sự thật thì chưa biết chắc ai là thủ phạm của vụ đánh bom đẫm máu này.
      Nhằm nỗ lực giảm căng thẳng, thúc đẩy đối thoại hòa bình giữa các phe phái Palestine, ngày 31.7, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ra lệnh trả tự do cho tất cả các thành viên Phong trào Hồi giáo Hamas bị lực lượng an ninh Fatah của ông bắt giữ trong những ngày qua tại khu Bờ Tây. Chỉ thị trên của ông Mahmoud Abbas được đưa ra trong lúc các lãnh đạo phe phái Palestine đàm phán tại Thủ đô Tunis của Tunisia. Cuối tuần trước, lực lượng an ninh Fatah đã bắt giữ khoảng 200 thành viên của Hamas, nhằm đáp lại giữ việc Hamas bắt các nhà hoạt động Fatah, do Hamas cáo buộc họ đứng sau vụ đánh bom giết chết 5 thành viên Hamas ở dải Gaza.
      Nỗ lực của Tổng thống Abbas đã trở nên vô nghĩa khi ngày 1.8 vừa qua, Hamas đã bắt giữ rất nhiều người thuộc phong trào Fatah trong đó có hai quan chức cao cấp của phong trào này là ông Ibrahim Abu Naja và ông Zakaria Agha, cả hai đều được Tổng thống Abbas bổ nhiệm làm người điều hành phong trào Fatah tại dải Gaza sau khi khu vực này bị lực lượng Hamas chiếm vào năm 2007. Phía Hamas lấy lý do bắt giữ là nhằm phục vụ cho cuộc điều tra vụ đánh bom.
      Với một sự thật hiển nhiên là nội bộ Palestine vẫn còn đang bị chia rẽ sâu sắc, Chính phủ Israel được điều hành bởi một vị Thủ tướng ngập trong những lời cáo buộc tham nhũng. Còn Washington sẽ có ông chủ mới của Nhà Trắng trong 6 tháng tới mà đi kèm với đó có thể là những thay đổi trong chính sách đối ngoại của cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Đông này, thì tương lai của một nền hoà bình sớm sủa cho Trung Đông thật khó đoán định.

Quang Minh