Phó chủ tịch HĐND Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Hồng Xinh: Hoạt động của HĐND hình thức hay không, phụ thuộc nhiều vào đội ngũ chuyên trách

Phạm Thúy thực hiện 10/08/2008 00:00

Trao đổi với NĐBND, PHÓ CHỦ TỊCH HĐND BÀ RỊA-VŨNG TÀU NGUYỄN THỊ HỒNG XINH cho biết: Không ít đại biểu khi chuyển sang làm chuyên trách bên HĐND vẫn tâm tư, cho là cơ quan dân cử không “hấp dẫn” nên hoạt động không hiệu quả; Nhưng pháp luật trao quyền lực cho HĐND là rất lớn, và cộng với tâm huyết của đại biểu nữa thì không đại biểu dân cử nào có thể nhàn được.

Phó chủ tịch HĐND Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Hồng Xinh: Hoạt động của HĐND hình thức hay không, phụ thuộc nhiều vào đội ngũ chuyên trách ảnh 1

      

PV:

Thưa PCT, nét đổi mới nổi bật của HĐND Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian gần đây là gì?

      

PCT NGUYỄN THỊ HỒNG XINH: Đổi mới nhất, theo tôi chính là đã tạo được diễn đàn công khai và minh bạch giữa HĐND, các cơ quan chức năng và cử tri. Hai tuần trước Kỳ họp HĐND tỉnh, báo, đài phát thanh và truyền hình tỉnh liên tục đăng tải các ý kiến, kiến nghị của cử tri và câu trả lời của các sở, ngành. Điều này đã khiến cho cử tri và chính cả các đại biểu HĐND có cảm giác Kỳ họp đến sớm hơn thường lệ. Người dân đọc báo thấy ý kiến của mình được ghi nhận, được trả lời công khai chứng tỏ tâm tư, nguyện vọng đã đến được với cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cũng có nghĩa là sẽ đến được với các cơ quan chức năng để sớm được giải quyết. Còn đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu kiêm nhiệm thì có thêm một kênh thông tin sinh động, thiết thực và phục vụ đắc lực, hiệu quả cho việc quyết định các vấn đề của địa phương cũng như giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực thi pháp luật... 

    

  PV: Nhưng có vẻ như cử tri vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn về sự phản biện trong các hoạt động của HĐND, thậm chí gay gắt hơn, có người nói hoạt động của HĐND mang nặng tính hình thức. Nhận định đó theo PCT có phiến diện quá không? 
      PCT NGUYỄN THỊ HỒNG XINH: Tại vì nhiều lúc hoạt động của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND chưa thực sự đi vào cuộc sống. Người ta chỉ thấy HĐND 6 tháng họp một lần rồi thấy đại biểu giơ tay biểu quyết mà không biết hoạt động hậu trường của HĐND như thế nào nên cho rằng HĐND hoạt động hình thức ít nhiều cũng có cái lý của cử tri.

     

 PV:

Vậy theo PCT, hoạt động của HĐND trong lĩnh vực nào là hình thức nhất?  
      PCT NGUYỄN THỊ HỒNG XINH: Có lẽ là trong lĩnh vực tư pháp thôi. 

      

PV: Và có phải vì thế  mà Thường trực HĐND Bà Rịa-Vũng Tàu đã lựa chọn việc giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là điểm nhấn trong hoạt động của mình hay không?  
      PCT NGUYỄN THỊ HỒNG XINH: Tình trạng án oan sai đang là vấn đề mà HĐND cần phải giám sát nhưng lại không có đường để mà vào giám sát. Người dân bị oan sai thì hầu hết cũng chỉ biết đi theo hệ thống dọc, từ huyện lên tới tỉnh, tỉnh không xong thì ra đến trung ương... Ra đó, có trường hợp được chỉ dẫn là về HĐND... HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương thì phải giám sát việc thực thi pháp luật. Nếu HĐND phát hiện thấy có vi phạm thì phải vào cuộc để  giám sát. Tất nhiên, HĐND cũng không có thẩm quyền quyết định bản án đó là đúng hay sai mà chỉ có thẩm quyền kiến nghị các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền xem xét để giải quyết cho đúng. Căn cứ theo Luật Hoạt động HĐND và UBND cũng như Luật Khiếu nại, tố cáo thì khi HĐND phát hiện ra có dấu hiệu oan sai, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân thì có quyền yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt vi phạm. 

      

PV: Bản thân hai chữ “giám sát” đã gây cảm giác không mấy thoải mái, nhất là đối với những đối tượng chịu sự giám sát. Thực tế, khi HĐND Bà Rịa-Vũng Tàu giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp và có những động thái quyết liệt đề nghị cơ quan thi hành án tạm hoãn thi hành án để HĐND giám sát thì cũng đã có những luồng dư luận khá gay gắt cho rằng HĐND  can thiệp quá sâu vào hoạt động của Tòa án… Điều đó có khiến PCT ngần ngại không?  
      PCT NGUYỄN THỊ HỒNG XINH: Dư luận cũng đã từng làm rùm beng lên, nói Phó chủ tịch HĐND Bà Rịa-Vũng Tàu lạm quyền, yêu cầu ngừng thi hành án trái luật... Tôi không hề can thiệp vào hoạt động của cơ quan thi hành án. Các cơ quan tư pháp có khó chịu thì HĐND vẫn phải giám sát đến nơi, đến chốn. Vì khi đã được bầu làm người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân thì chỉ có thể là bằng mọi cách để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân theo đúng chức năng, thẩm quyền mà luật pháp đã trao cho mình thôi. Vượt quá quyền hạn là không được, nếu HĐND lạm quyền thì giám sát của HĐND sẽ thành con dao hai lưỡi. Những nội dung nào trong hoạt động của bộ máy nhà nước mà theo luật định HĐND được vào giám sát thì HĐND phải làm. Mọi sự e dè, ngần ngại đều khiến cho hoạt động của HĐND trở nên hình thức và chính điều đó sẽ khiến người dân không đặt niềm tin ở cơ quan quyền lực mà họ đã bầu ra nữa. Nếu HĐND làm tốt việc giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp thì chắc chắn hoạt động của HĐND sẽ gần dân hơn và sẽ được dân tin tưởng hơn. 

      

PV:

PCT nghĩ thế nào về nhận định “chiếc áo của HĐND đã trở nên quá chật”? 
      PCT NGUYỄN THỊ HỒNG XINH: Tôi không nghĩ như vậy. Ngược lại, theo tôi, chiếc áo đó không những không chật mà còn rộng. Và vì rộng nên nó không ra hình dạng của cái áo mà giống như tấm vải trùm, không rõ đường nét, không rõ tay áo, cúc áo, cổ áo... Nói một cách đơn giản là quyền lực trao cho HĐND là rất nhiều, rất lớn nhưng các văn bản có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND lại chưa đồng bộ, còn chung chung...

      

PV: Xin chia sẻ với PCT quan điểm này, nếu vận dụng hết được các quy định của pháp luật hiện nay, HĐND sẽ là cơ quan quyền lực nhà nước thực sự ở địa phương, là cơ quan phản biện tích cực để cả hệ thống chính trị cùng vận hành theo một hướng duy nhất là thúc đẩy sự phát triển của địa phương vì lợi ích, vì cuộc sống của người dân. Nhưng theo PCT, trong điều kiện hiện tại, nên làm gì để hoạt động của HĐND gần dân hơn nữa, hiệu quả thiết thực hơn nữa?
      PCT NGUYỄN THỊ HỒNG XINH: Theo tôi, hoạt động của HĐND hình thức hay không hình thức phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ đại biểu HĐND chuyên trách. Đại biểu chuyên trách và Thường trực HĐND phải thực sự tâm huyết với hoạt động của HĐND. Không ít đại biểu khi chuyển qua HĐND làm chuyên trách vẫn tâm tư lắm, cho là bên HĐND không hấp dẫn nên hoạt động không hiệu quả. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật sẽ thấy quyền lực trao cho HĐND là rất lớn và cộng với tâm huyết của đại biểu nữa thì không đại biểu dân cử nào có thể nhàn được. 

      Đối với những vấn đề đang cản trở sự phát triển của địa phương hoặc các vấn đề mà người dân bức xúc thì Thường trực HĐND, các Ban của HĐND phải tập trung vào mà giám sát và phải giám sát cho đến nơi đến chốn. Không nhất thiết phải làm nhiều mà nên tập trung vào một số vụ, việc, một số vấn đề và đeo bám cho đến khi được giải quyết dứt điểm thì sẽ có được lòng tin của người dân. Nếu giám sát của HĐND quyết liệt thì không chỉ làm cho cử tri đánh giá cao hoạt động của HĐND mà còn khiến cho các cơ quan chức năng nhận thấy rằng HĐND làm rõ ràng ra như thế cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho sự điều hành, quản lý của họ nữa. Tôi thấy không có gì phải lấn cấn hết. Khi người đại biểu dân cử làm việc bằng cái tâm trong sáng, xuất phát từ thực tiễn và trên cơ sở đối chiếu với các quy định của pháp luật để kiến nghị, để yêu cầu, để quyết định thì làm sao các cơ quan chức năng có thể từ chối hay mặt nặng mày nhẹ với HĐND được?

      

PV: Xin cám ơn sự chia sẻ thẳng thắn của PCT!

Phạm Thúy thực hiện