Chuyện cây chè ở Thanh Ba

Đinh Thị Loan 20/07/2008 00:00

Từ lâu cây chè được xem là cây chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu của huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Song thực tế trong giai đoạn hiện nay, xung quanh việc phát triển cây chè còn nhiều điều để nói...

      Nỗi niềm người trồng chè…
      Huyện Thanh Ba là một trong những vùng đất rất “bén duyên” với cây chè. Đã từ lâu, với bà con nơi đây cây chè được xem là nguồn thu nhập chính, nhờ cây chè, đời sống kinh tế nhiều hộ đã khá lên rõ nét. Thế nhưng trong những tháng gần đây do giá cả thị trường biến động, đặc biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... tăng lên vùn vụt, mặc dù đang trong mùa thu hoạch nhưng nhiều bà con đã thấy nguy cơ thu không đủ chi.
      Anh Nguyễn Văn Hải, xã Thái Ninh, chủ của hơn 2ha chè cho biết: chè là loại cây muốn có thu hoạch cao phải đầu tư lớn, chăm sóc kỹ lưỡng, năm nay 1 tạ phân đã tăng giá gấp đôi, trong khi giá chè mà các cơ sở thu mua đưa ra cũng chỉ nhỉnh hơn so với năm ngoái một chút nên vụ chè năm nay cầm chắc cái lỗ. Cùng chung nỗi lo ấy, một công nhân của nông trường chè thuộc Công ty Chè Phú Bền tâm sự: mặc dù đầu ra ổn định hơn các nơi khác nhưng một phép tính đơn giản là giờ 3kg chè mới mua được 1kg gạo, đó là còn chưa kể tất cả mọi thứ khác cũng tăng giá. Đã không ít người tỏ ra nản chí. Anh Hải cho biết: trước tình hình giá cả vật tư tăng, tôi không dám đầu tư chăm sóc như mọi năm, bởi đầu tư cao mà giá bán không cao là câçm chắc cái lỗ. Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Ba Vi Mạnh Hùng cho biết: giá cả thị trường biến động, rất khó để đưa ra những chính sách cụ thể cho người trồng chè trong giai đoạn hiện nay. Như vậy, dù thu nhập chính bằng cây chè nhưng đến thời điểm này, nguồn thu ấy vẫn chưa thật ổn định, bền vững.
      Cần hướng phát triển bền vững
      Hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Ba có khá nhiều cơ sở sản xuất chè, trong đó có Nhà máy chè thuộc Công ty Chè Phú Bền có quy mô lớn. Tuy nhiên với diện tích chè hiện đang được khai thác của huyện thì số lượng chè búp tươi vẫn chưa đủ cung cấp cho các cơ sở sản xuất. Nguyên nhân của thực tế đó là do diện tích chè ở đây chủ yếu được trồng từ những năm 70, giống cũ, năng suất không cao, 1ha chỉ cho 7tấn chè búp tươi, và hiện nay người dân ở đây vẫn khai thác nguồn chè này là chính, đồng thời nhiều diện tích đất chưa được sử dụng trồng chè triệt để. Bên cạnh đó, cây chè chủ yếu được trồng theo hộ cá thể, sản xuất manh mún, nguồn vốn đầu tư hạn chế… Trong khi đó, để đầu tư phát triển giống chè có sản lượng cao rất cần sự đầu tư lớn, điều này vượt ngoài khả năng của các hộ trồng chè. 
      Bởi vậy việc xây dựng vùng chuyên canh chè ở Thanh Ba là thật sự cần thiết và cần sự nỗ lực từ nhiều phía: Chính quyền - doanh nghiệp - người dân… Một tín hiệu vui đối với vùng chè Thanh Ba là từ năm 2006, Dự án AFD về việc trồng mới với diện tích hơn 500ha cây chè đã được triển khai tại 17 xã của huyện. Theo kế hoạch, năm 2009, dự án sẽ hoàn thành. Tính đến nay, sau 2 năm triển khai, hơn 200ha đã được trồng mới, dự tính khoảng 3 năm sau lứa chè này sẽ cho thu hoạch với hy vọng sẽ cho năng suất khoảng 20 tấn/ha. Để dự án được triển khai thuận lợi huyện đã cử về mỗi xã một cán bộ khuyến nông, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu áp dụng KHKT mới trong việc thực hiện triển khai, đồng thời với kinh nghiệm lâu đời về sản xuất cây chè, hứa hẹn trong những năm tiếp theo, cây chè giống mới sẽ được nhân rộng và dần dần thay thế những đồi chè cũ. 
      Bên cạnh đó, được biết hiện trên địa bàn Thanh Ba đã có một số doanh nghiệp đầu tư cho các vùng trồng chè với cam kết hỗ trợ phân bón, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm chè. Ví dụ như Công ty Chè Phú Bền đã đầu tư phân bón, giống và khoán sản phẩm cho công nhân; đầu ra đối với cây chè ở đây, trong mấy năm qua khá ổn định. Điều này giúp cho người công nhân, người trồng chè an tâm sản xuất; đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu và chất lượng sản phẩm đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè... 
      Có thể nói, để cây chè thực sự là cây trồng chủ lực, cây “xoá đói, giảm nghèo”, cây ‘làm giàu” đối với vùng đất Thanh Ba thì còn khá nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với những động thái tích cực nêu trên, hình hài của một vùng chè chuyên canh Thanh Ba đang dần lộ rõ, tràn đầy hứa hẹn…Cây chè sẽ tạo dựng cho vùng đất này đúng với tên gọi của nó: Thanh Ba – làn sóng xanh.

Đinh Thị Loan