Bom nổ chậm

Minh Trang 16/07/2008 00:00

4 tháng là khoảng thời gian không quá ngắn nhưng cũng chưa đủ dài để Chính phủ liên minh của Bỉ có thể chiến thắng những đợt sóng ngầm nội tại. Một lần nữa, cuộc xung đột muôn thuở của Bỉ lại trỗi dậy đe dọa chia cắt lá cờ 3 màu đỏ, vàng, đen.

      Thủ tướng Yves Leterme đã bất ngờ đệ đơn từ chức, thừa nhận thất bại trong nhiệm vụ dung hòa hai cộng đồng dân tộc hình thành nên nước Bỉ, gồm cộng đồng người bỉ nói tiếng Hà Lan, sinh sống ở tỉnh Flander phía Bắc và cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, sinh sống ở tỉnh Wallonia phía Nam. Chính sách phi tập trung hóa quyền lực, tăng cường quyền tự quyết cho các vùng vốn mang lại chiến thắng cho đảng của ông trong cuộc bầu cử hồi tháng 6.2007, đã vấp phải sự cự tuyệt của những người nói tiếng Pháp. Trong kế hoạch đó, chính quyền mỗi vùng được trao quyền tự trị hơn về chính sách thuế và an sinh xã hội; Được hưởng nhiều quyền lợi hơn về giao thông, y tế, thị trường lao động và lĩnh vực tư pháp. Rõ ràng, những người sinh sống ở tỉnh Flander, vốn được thiên nhiên ưu đãi hơn và giàu có hơn, hào hứng hơn với kế hoạch của Thủ tướng, vốn cũng là người ở tỉnh Flander. Nhưng đối với người ở tỉnh Wallonia, một tỉnh nghèo khó, khan hiếm tài nguyên, viễn cảnh được trao thêm quyền cũng đồng nghĩa là họ sẽ phải “tự lực cánh sinh” nhiều hơn. Điều đó thực sự bất lợi đối với một cộng đồng khan hiếm tiềm lực như Wallonia bởi việc bị cắt bớt những quyền lợi về kinh tế từ chính quyền trung ương sẽ càng gây thêm khó khăn đối với họ. Thủ tướng Yves Leterme đã tự đặt thời hạn 15.7 để Chính phủ liên minh 7 đảng của ông đạt được sự đồng thuận về bản kế hoạch cải tổ thể chế và Hiến pháp. Tuy nhiên bất đồng không hề suy giảm. Lịch trình đưa ra Quốc hội ngày 15.7 dù vẫn được thực hiện nhưng kết quả thế nào không nằm ngoài dự đoán. Thất bại!
      Nền độc lập giành được từ Hà Lan năm 1830 đã đánh dấu một nét đặc trưng của nước Bỉ, đó là sự tồn tại của các cộng đồng ngôn ngữ. Có người đã nói: “Không có người Bỉ, chỉ có người Walonia và Flander”. Điều đó cho thấy yếu tố ngôn ngữ đã trở thành cơ sở chính để phân chia các cộng đồng, khu vực hành chính ở quốc gia này. Nhưng sự phân hóa về chính trị chỉ thực sự trỗi dậy vào những năm 1960, khi 6,5 triệu người nói tiếng Hà Lan và 4 triệu người nói tiếng Pháp nhận được những đặc quyền riêng rẽ. Hậu quả là ngày nay nước Bỉ gần như đã bị phân đôi bằng ranh giới ngôn ngữ theo trục đông - tây, để lại một mình thủ đô Brussels là mảnh đất song ngữ đơn độc. Bởi vậy, những gì đang diễn ra ở Brussels không khác gì sự giằng xé nội tại. Người ta có thể thấy hai thị trấn Zaventem và Vilvoorde chỉ dành các nhà ở xã hội cho người nói tiếng Hà Lan. Ở bên cạnh, thị trấn Overijse khuyến khích các công ty, cửa hàng quảng cáo bằng tiếng Hà Lan và kêu gọi tháo dỡ các biển quảng cáo bằng tiếng Pháp. Hội đồng thị trấn Liedekerke cũng không kém cạnh khi đề xuất chỉ cho trẻ em của các gia đình nói tiếng Hà Lan được chơi ở vườn hoa công cộng. Thị trưởng Liedekerke, ông Damien Thiery cùng với 80% dân số khác của thị trấn nói tiếng Pháp, nhưng họ không dễ chịu chút nào bởi ngôi nhà chung của họ vẫn “mang tiếng” là thị trấn của người Flander. Có lẽ vì thế mà ông Damien Thiery trúng cử làm thị trưởng nhưng mãi đến nay vẫn chưa được Hội đồng Lập pháp, trong đó có 20% là đại diện của người Flander phê chuẩn. Tháng 9 tới, những người Flander tại Liedekerke có cuộc tuần hành, nhưng từ bây giờ ông Damien Thiery đã phải rào trước đón sau về khả năng không chịu trách nhiệm nếu xảy ra xô xát, bạo lực. Quả là một nghịch cảnh giữa Brussels, trái tim của Liên minh châu Âu với tôn chỉ là xây dựng cộng đồng các quốc gia thân thiện, hòa bình.
      Chính phủ của Thủ tướng Yves Leterme hay bất kỳ Chính phủ tiền nhiệm hay kế nhiệm nào đều đang phải sống chung với một “quả bom nổ chậm” - sự nghi kỵ giữa các cộng đồng ngôn ngữ. Ở Bỉ, người ta thường ví “quả bom nổ chậm” này với sự tồn tại của Vườn thực vật quốc gia, nơi mà 8 năm nay cửa kính vỡ không ai buồn thay, cách cửa long bản lề không ai cần đóng lại và hai nhà kính thí nghiệm sập sệ chẳng được chống đỡ. Vấn đề nằm ở chỗ Vườn thực vật quốc gia tọa lạc ở khu vực của người nói tiếng Hà Lan nên các nghị sỹ đại diện cho cộng đồng nói tiếng Pháp chưa một lần gật đầu với các bản phúc trình cải tạo lại Vườn. Giám đốc Vườn Jan Rammeloo nói đó là hậu quả của “đặc trưng nền chính trị nước Bỉ”.

Minh Trang