Giải cứu
Ngày 13.7 vừa qua, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ lên bang Mỹ (FED) đã lên kế hoạch hỗ trợ cho hai “đại gia” tài chính của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac. Với những gì mà Chính phủ Mỹ đang và sẽ làm để vực dậy hai ngân hàng tư nhân này, có thể thấy Fannie Mae và Freddie Mac vẫn là hai trụ cột của nền tài chính Mỹ. Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra: Chính phủ Mỹ sẽ mất gì nếu ra tay “giải cứu” Fannie Mae và Freddie Mac, và liệu điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao tới người dân Mỹ?

Tất cả các khoản nợ từ Fannie Mae và Freddie Mac đều kèm theo một điều khoản in đậm: “Không có sự bảo đảm của Nhà nước (Mỹ)”. Nhưng dường như không mấy ai tin vào điều đó, bởi già nửa số nợ bất động sản ở Mỹ đang do hai công ty này nắm giữ và sự thật là khi Fannie Mae và Freddie Mac lâm vào khủng hoảng, Chính phủ Mỹ đã ra tay bằng các biện pháp chưa có tiền lệ.
Fannie Mae khởi đầu sự nghiệp từ năm 1938 với chức năng là một công cụ của nhà nước nhằm giúp người dân Mỹ tăng cường khả năng mua nhà. Đến năm 1968, Freddie Mac được tư hữu hóa. Đến những năm 1980, khi doanh nghiệp không lồ S&L sụp đổ, Fannie Mae và Freddie Mac thống lĩnh thị trường và chỉ chịu nhường lại non nửa thị phần khi J.P Morgan Chase và Citigroup xâm nhập lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thị trường cho vay thế chấp đã đẩy hai đại gia của ngành tài chính Mỹ lâm vào kịch bản “ngày tận thế”. Tuần vừa qua là một tuần đáng sợ đối với Freddie và Fannie. Một báo cáo do Lehman Brothers đưa ra tuần trước đã dẫn tới một làn sóng bán tháo cổ phiếu của hai công ty này, đẩy hai cổ phiếu này xuống mức giá thấp nhất trong vòng nhiều năm. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu của Freddie mất giá tới 47%, trong khi cổ phiếu của Fannie sụt mất hơn 45%. Đến thời điểm này, số nợ mà Fannie Mae và Freddie Mac “ôm” phải lên tới 5.300 tỷ USD. Đây là “quả bóng” lớn có thể “xì hơi” bất cứ lúc nào và hậu quả nhãn tiền là thị trường bất động sản Mỹ khó tránh khỏi sụp đổ.
Ngay lập tức, Chính quyền Tổng thống Bush cấp tốc ra tay. Ông Bush đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson “làm việc khẩn cấp với Quốc hội để các khoản vay không bị trì hoãn”. FED cũng chỉ đạo “cánh tay” của họ ở New York sẵn sàng bơm thêm tiền cho Fannie Mae và Freddie Mac bất cứ khi nào doanh nghiệp cần. Lãi suất tiền vay chỉ phải trả 2,25%, mức ưu đãi chưa từng có tiền lệ cho một doanh nghiệp không có vốn nhà nước. Mức lãi suất này chỉ được Cục Dự trữ liên bang Mỹ dành cho các ngân hàng thương mại. Số vốn hiện tại mà Fannie Mae và Freddie Mac được Cục Dự trữ liên bang Mỹ chấp nhận là 2,25 tỷ USD. Chủ trương “bơm” thêm tiền cho Fannie Mae cùng Freddie Mac vừa nhằm cứu vãn “con đẻ” một thời của chính quyền Mỹ, vừa nhằm khôi phục lại lòng tin của thị trường. Quyết định này cũng giúp làm sáng tỏ một điều, rằng tại sao điều khoản in đậm “Không có sự bảo đảm của (nhà nước) Hoa Kỳ” chẳng khiến khách hàng của hai công ty này quan tâm. Chuyên gia tư vấn ngân hàng Bert Ely gọi đó là sự “bảo trợ ngầm” ai cũng biết mà không thể xác nhận được bằng văn bản.
Vậy điều gì đã buộc Bộ Tài chính Mỹ và FED phải vào cuộc?
Chức năng của Fannie Mae và Freddie Mac là mua lại các khoản nợ từ thị trường cho vay nhà đất thứ cấp. Hiện nay, khi hoạt động mua bán nhà đất co hẹp lại bởi các chân rết của ngân hàng tạm ngừng kinh doanh sản phẩm này, trong tay Fannie Mae cùng Freddie Mac là những căn nhà đã treo biển rao bán nhưng lại bị phong tỏa. Điều đó có nghĩa là chủ căn nhà hiện tại không thể tự ý thực hiện giao dịch bởi tài sản của họ bị ngân hàng cho vay tịch biên theo quy định thế chấp. Fannie Mae và Freddie Mac đã tung tiền ra để mua lại bất động sản, tái cơ cấu khoản vay và tiếp tục thực hiện hợp đồng với chủ nhà. Về nguyên lý, Fannie Mae và Freddie Mac không bị tác động dữ dội từ cuộc khủng hoảng của thị trường cho vay nhà đất thứ cấp và tình trạng đóng băng giao dịch trên thị trường, nhưng họ không phải là cái kho không đáy để có thể ôm hết các khoản nợ để tiếp tục hà hơi cho các hợp đồng mua bán. Theo William Poole, cựu giám đốc Ngân hàng Dự trữ liên bang chi nhánh St. Louis, giá trị các khoản nợ mà Fannie Mae và Freddie đang “ôm” đã vượt giá trị tài sản vốn có của họ. Hai công ty này phải Fannie và Freddie sẽ gặp khó trong việc bảo đảm cho các loại chứng khoán mà họ phát hành, hoặc thậm chí là bảo đảm cho hoạt động hàng ngày của mình. Đó là lúc mà Chính phủ Mỹ cảm thấy áp lực mạnh cần phải can thiệp. Trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 4, Standard & Poor’s cho rằng, một kịch bản xấu trong đó Fannie và Freddie vỡ nợ là điều khó có thể xảy ra, nhưng khả năng đổ vỡ của một trong hai công ty này là mối đe dọa lớn đối với kinh tế Mỹ hơn bất kỳ sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư nào khác. Theo S&P, kịch bản về sự tan rã của Fannie và Freddie có thể Chính phủ Mỹ phải chi 1.000 tỷ USD, mà khoản tiền này, không ai khác, chính những người Mỹ phải trả qua việc đóng thuế.
Fannie Mae và Freddie Mac mở được cánh cửa kho của FED đã giúp họ lấy lại được ít điểm trên thị trường chứng khoán, sau một tuần tụt giá thê thảm. Nhưng niềm tin được khôi phục bao nhiêu còn chờ vào cuộc thử nghiệm quan trọng vào hôm nay (15.7 theo giờ Hà Nội), khi Freddie Mac đấu giá 3 tỷ USD trị giá của các loại chứng khoán có kỳ hạn 3 và 6 tháng.