G8 và lực lượng chống G8

Đông A 08/07/2008 00:00

Như đã thành thông lệ hàng năm, mỗi dịp các nhà lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) nhóm họp thì các phong trào, tổ chức chống toàn cầu hóa kinh tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO) lại tập hợp, biểu dương lực lượng nhằm gây áp lực đối với chương trình nghị sự của G8.

An ninh thắt chặt chưa từng có
      Cơ quan an ninh quốc gia Nhật Bản tuyên bố các biện pháp an ninh chưa từng có sẽ được áp dụng. Để tránh mọi sự cố, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập một vòng tròn an ninh quanh khách sạn Windsor, nơi diễn ra hội nghị, nằm đối diện hồ Toya. Mọi chuyến bay đều bị cấm trong bán kính 46 km. Tàu con thoi và tàu quân sự sẽ tuần tra thường xuyên nhằm tránh một vụ tấn công bằng tên lửa hoặc mọi biến cố xuất phát từ ngoài khơi. Một máy bay đặc biệt của không quân Nhật Bản cũng sẽ lượn thường trực 24/24 giờ trên bầu trời. Ngoài lực lượng 5.000 cảnh sát, Hokkaido còn tăng cường thêm 16.000 binh sỹ chỉ với nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ các nguyên thủ dự hội nghị. 20.000 binh sỹ khác triển khai tại Tokyo. Ngân sách dành cho an ninh trong hội nghị G8 lần này ước tính là 283 triệu USD (số tiền chi cho an ninh của hội nghị năm ngoái tại Heiligemdamm, Đức khoảng 183 triệu USD).

      Nhật Bản chọn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm nay tại thị trấn bình yên ở đảo Hokkaido, tránh xa các trung tâm thương mại sầm uất. Điều này vừa nhằm tạo không khí thoải mái cho các cuộc thảo luận giữa 8 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Italy, Canada và Nga), vừa nhằm giảm bớt sự chú ý, phá rối của các phong trào chống toàn cầu hóa, bài G8.
      Tuy vậy, đến hẹn lại lên, khi Nhật Bản hào hứng cho Hội nghị được chờ đón bậc nhất trong năm và các sự kiện bên lề của Hội nghị thì cũng là lúc các tổ chức xã hội dân sự rộn ràng chuẩn bị cho các cuộc biểu tình chống G8. Ngay từ đầu năm 2008, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực xã hội, chống nghèo đói, bảo vệ môi trường đã lên kế hoạch tề tựu tại Nhật Bản nhằm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đối trọng với G8, tổ chức các cuộc biểu tình nhằm gây sức ép và tác động lên chương trình nghị sự của G8.
      Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước G8, diễn ra 10 ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh chính thức, các phong trào xã hội đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ tại Kyoto, mở đầu cho tuần lễ kéo dài 10 ngày của các hoạt động chống Hội nghị Thượng đỉnh G8. Đầu tuần trước, “Diễn đàn quốc tế chống G8” cũng đã được tổ chức trong hai ngày, quy tụ các danh nhân, các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, bàn luận về các chủ để liên quan đến điều kiện việc làm nghặt nghèo của người lao động khắp thế giới, về việc chia sẻ các tài nguyên chung của cả nhân loại, về các phương tiện truyền thông, về tương lai của các tổ chức quốc tế... Các nhà hoạt động xã hội cũng kêu gọi các nước phát triển quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến lương thực, nạn đói, lên tiếng kêu gọi xây dựng một trật tự quốc tế mới dựa trên những nguyên tắc công bằng và cùng hợp tác.      

      Hoạt động của các tổ chức xã hội lần này xoay quanh hai hướng chính. Các Tổ chức phi chính phủ thì có nhiệm vụ vận động hành lang tại nhằm tác động lên chương trình nghị sự của G8. Họ dự kiến tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh chống G8 song hành với Hội nghị G8 vào các ngày từ 6-8.7. Trong khi đó, các tổ chức thuộc mạng lưới “No G8 Action” với chủ trương phủ nhận tính hợp thức của G8 như là “cơ chế lãnh đạo kinh tế thế giới” đã tổ chức các cuộc thảo luận xung quanh các chủ đề về nghèo đói, việc làm... ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh. Trong dịp diễn ra Hội nghị, “No G8 Action” cũng tổ chức các cuộc biểu tình chống đối, thậm chí phong tỏa, phá hoại Hội nghị. Tuy nhiên, sự phân định này cũng chỉ là tương đối bởi rất nhiều các tổ chức xã hội quốc tế tham gia vào cả hai hoạt động này.
      Để chuẩn bị cho các hoạt động trên, các nhà tổ chức đã bố trí 3 khu trại tại thành phố Sapporo cách hồ Toya - nơi diễn ra Hội nghị G8, hai tiếng đường bộ. Nhiều trung tâm truyền tin kết nối Hokkaido với thế giới cũng đã sẵn sàng để các nhà hoạt động truyền thông điệp của họ đến khắp thế giới và đặc biệt là đến những người đã đóng góp tài trợ cho các tổ chức xã hội dân sự. Ngoài ra, chuẩn bị sẵn tình huống xô xát với cảnh sát, một mạng lưới các luật sư với tên gọi Legal Team cũng được hình thành và sẵn sàng trợ giúp những người biểu tình khi có sự cố. Các nhà tổ chức cho rằng việc có được mạng lưới Legal Team là thành công ban đầu quan trọng nhất trong chiến dịch năm nay bởi Nhật Bản vốn là nước có chế độ nhập cư rất nghiêm ngặt. Từ vài tuần nay các nhà hoạt động xã hội và những người ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới đổ về Nhật Bản đã gặp phải hàng rào kiểm soát rất chặt chẽ ngay từ các sân bay quốc tế. Khách nhập cảnh vào Nhật Bản trong thời gian này phải chứng minh được lịch làm việc cụ thể cũng như mục tiêu của chuyến đi. Nhiều nhà hoạt động quốc tế và tổ chức công đoàn nước ngoài đã bị từ chối cho phép nhập cảnh. Nổi bật trong số đó là triết gia người Ý Toni Negri, các thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KFTU). Susan George, nhà lãnh đạo của tổ chức chống toàn cầu hóa Attac, Pháp, cũng bị cảnh sát Nhật Bản giữ lại 4 tiếng khi làm thủ tục tại sân bay Narita.
      Theo thông tin từ các tổ chức NGO, ngay từ Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Heiligendamm, cảnh sát Nhật Bản đã được quan sát kinh nghiệm chống biểu tình của cảnh sát Đức. Nhiều hồ sơ mật về các mạng lưới chống toàn cầu hóa cùng danh sách các nhà hoạt động quá khích đã được phía Đức trao cho Nhật Bản. Nhiều biện pháp được cảnh sát Đức áp dụng thành công cũng được chính quyền các thành phố ở Hokkaido nghiên cứu áp dụng trong những ngày diễn ra Hội nghị G8.
      Nỗi bất bình về tình trạng lạm phát, thiếu lương thực, giá dầu tăng... trở thành chất xúc tác cho các cuộc biểu tình năm nay, nhưng kết quả chắc vẫn chẳng có gì thay đổi bởi những nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp ở bên hồ Toya sẽ không thể bị quấy rầy bởi những người tuần hành cách đó hàng chục km.

Đông A