Dầu mỏ sẽ làm thay đổi quan hệ Mỹ - Cuba?

Quốc Đạt 19/06/2008 00:00

Dầu mỏ từng là “thủ phạm” gây ra những cuộc chiến tranh hao người tốn của. Giờ đây, dầu mỏ đang được hy vọng sẽ là chất xúc tác giúp chấm dứt lệnh cấm vận lâu nhất và gây tranh cãi nhất trong lịch sử thế giới - Lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba.

      Tờ International Herald Tribune của Mỹ cho biết vào đầu năm tới, Cuba sẽ tiến hành khai thác một mỏ dầu ở miền Bắc nước này, cách bờ biển Florida của Mỹ 95km. Khu mỏ nằm ở độ sâu 9,7km này có trữ lượng vào khoảng 5 tỷ thùng dầu và 280 tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Hiện nay, Cuba đang tiêu thụ 145.000 thùng dầu/ngày, trong đó, 92.000 thùng nhập khẩu từ Venezuela. Tuy nhiên, ông Jorge Pinon, cựu Giám đốc điều hành một công ty dầu mỏ, hiện đang là nhà nghiên cứu tại trường Đại học Miami cho biết, trong vài năm tới, Cuba có thể sản xuất 525.000 thùng dầu mỗi ngày, khối lượng đủ giúp họ độc lập trong lĩnh vực năng lượng, thậm chí có thể trở thành một nước xuất khẩu dầu và khí đốt. 
      Về phần mình, là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, Mỹ chưa bao giờ che giấu mối quan tâm của mình đối với những mỏ vàng đen. Thế nhưng, lệnh cấm vận đã khiến các công ty dầu mỏ của Mỹ để tuột mất hàng tỷ USD. Kirby Jones, cố vấn thương mại của Mỹ tại Cuba và là người sáng lập Hiệp hội thương mại Mỹ-Cuba tại Washington nói rằng, việc Cuba tìm thấy nguồn dầu mỏ lớn này đang làm thay đổi phương trình chính trị giữa hai nước. Ông tuyên bố một cách thẳng thắn rằng: “Đây là lần đầu tiên Mỹ phải trả giá vì lệnh cấm vận áp dụng từ hơn 40 năm qua đối với Cuba. Chúng ta cần dầu mỏ, ở bất kỳ nơi đâu. Thế mà ở đây, dầu chỉ cách bờ biển của chúng ta 90km”.
      Có rất nhiều yếu tố có thể làm thay đổi căn bản mối quan hệ giữa Washington và Lahabana. Không chỉ là nhu cầu năng lượng, lợi ích kinh tế, mà còn có cả yếu tố môi trường. Nhìn từ góc độ kỹ thuật, Cuba sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khai thác mỏ dầu mới này bởi việc khai thác dầu nằm ở độ sâu gần 10km dưới đáy biển cần có hệ thống công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Trong khi đó, các công ty dầu khí của Mỹ lại sẵn sàng mang công nghệ tới bất kỳ nơi đâu có dầu. Ở khía cạnh môi trường, việc Cuba tiến hành khai thác dầu ngoài khơi làm dấy lên nhiều mối lo ngại bởi những mỏ dầu mới phát hiện nằm rất gần quần đảo Keys - khu du lịch nổi tiếng của bang Florida. Rõ ràng, việc xuất hiện mỏ dầu mới này đã trở thành một hoàn cảnh hiếm có, hối thúc Mỹ và Cuba bắt tay với nhau vì lợi ích chung của hai nước. Điều đó sẽ đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ, bởi nếu hợp tác thương mại với Cuba, vô hình trung Mỹ đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong lệnh cấm vận thương mại Cuba, vốn được Mỹ áp dụng từ năm 1962.
      Bản thân Cuba, đất nước đã bị thiệt hại tới 89.000 triệu USD do lệnh bao vây, cấm vận của Mỹ cũng không cứng nhắc trong khả năng hợp tác mới. Cuba tuyên bố sẵn sàng đón tiếp các công ty năng lượng của Mỹ tới khai thác các mỏ dầu ngoài khơi. Hồi năm 2006, Cuba đã thể hiện mối thiện chí này bằng cách cử các đại diện dầu mỏ tới tham dự hội nghị tại thành phố Mexico với các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Mỹ như Exxon Mobil và hãng lọc dầu hàng đầu của Mỹ Valero Corp.
      Tuy nhiên, hiện tại Washington vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đã sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ thương mại với Cuba. Một số nhà lãnh đạo của phe Cộng hòa cho rằng, việc giúp đỡ Cuba sản xuất dầu đồng nghĩa với việc giúp đỡ Chính phủ Cuba và làm suy yếu lý do cấm vận được duy trì suốt 46 năm qua. Hạ nghị sỹ Cộng hòa bang Arizona Jeff Flake cho biết, mặc dù các công ty Mỹ rất quan tâm đến dầu ở bên kia bờ biển Florida nhưng họ không công khai thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm vận bởi đó là chính sách quốc gia của Mỹ, thay vào đó, họ đang hối thúc việc tiếp cận các khu vực của Mỹ hiện đang bị cấm khai thác như khu vực ngoài khơi phía Tây Florida. Chủ tịch Công ty Năng lượng Devon, trụ sở tại Houston nói rằng: “Trong khi các công ty dầu khí của Mỹ thậm chí còn không được phép thăm dò ở nửa phía Đông của vịnh Mexico, thì việc mơ đến những vùng biển ở ngoài khơi Cuba chỉ là hão huyền”.
      Hiện nay, Trung Quốc là đối thủ khiến Mỹ lo ngại nhất trong cuộc kiếm tìm nguồn cung nhằm thỏa mãn cơn khát dầu. Vì thế, tin đồn cho rằng Trung Quốc đã bắt dầu được phép khoan mỏ dầu nói trên của Cuba đã khiến các công ty dầu khí cũng như chính giới Mỹ “nháo nhác” một chút. Tuy nhiên, mới đây, Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney cho biết công ty Sinopac của Trung Quốc mới chỉ được phép thăm dò ở khu vực miền Tây Cuba. Còn Chính quyền Halabana bán quyền khai thác mỏ dầu nói trên cho 6 công ty nước ngoài (Tây Ban Nha, Ấn Độ và Na Uy), các công ty này sẽ bắt đầu khai thác vào đầu năm 2009. 
      Thế nhưng, cần nhắc lại rằng, năm 2009 là năm mỏ dầu trên bắt đầu được khai thác. Năm 2009 cũng là lúc Nhà Trắng có chủ nhân mới. Liệu sẽ có một sự thay đổi mang tính bước ngoặt khi Tổng thống Bush rời nhiệm sở vào đầu năm tới?

Quốc Đạt (Theo CI)

Quốc Đạt