Đảo chính tư pháp?

Phong Á 14/06/2008 00:00

Tòa án Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ vừa chính thức bác bỏ điều khoản sửa đổi Hiến pháp cho phép các nữ sinh viên đại học theo đạo Hồi được đeo mạng che mặt đến trường mà Nghị viện nước này đã thông qua. Phán quyết của Tòa án đã làm gia tăng căng thẳng giữa Đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền, vốn có nguồn gốc Hồi giáo, với phe đối lập ủng hộ thế tục. Vấn đề này cũng đang là nguyên nhân đẩy AKP đứng trước nguy cơ bị giải tán.

      Với 9 phiếu chống và 2 phiếu thuận, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết bác bỏ quyết định sửa đổi Hiến pháp mà các Nghị sỹ của Đảng cầm quyền AKP và Đảng cực hữu Vì hành động quốc gia (MHP) nhất trí thông qua hồi đầu năm. Tòa án Hiến pháp cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp, theo đó, các nữ sinh viên đại học theo đạo Hồi được phép đeo mạng che mặt đến trường đã vi phạm ý nghĩa tối thượng của Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ là: “Nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là Nhà nước thế tục”. Sau khi Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu thông qua điều khoản sửa đổi Hiến pháp nêu trên vào tháng 2.2008, Đảng đối lập Cộng hòa nhân dân (CHP) đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp, yêu cầu hủy bỏ quyết định này của Nghị viện. Và, với phần lớn các thẩm phán thành viên đều do cựu Tổng thống Ahmet Necdet Cezer, một quan chức siêu thế tục và thân cận với giới quân đội, bổ nhiệm. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp không khiến nhiều người bất ngờ. Ngay lập tức, AKP phản đối gay gắt. Phó chủ tịch nhóm Nghị sỹ AKP Bekir Bozdag tuyên bố Tòa án Hiến pháp đã “vượt quá chức năng của mình”. Một trong những phát ngôn viên của AKP đồng tình và bẻ lại rằng sửa đổi Hiến pháp như Nghị viện đã thông qua không vi phạm Hiến pháp mà chính phán quyết của Tòa án Hiến pháp mới vi phạm Hiến pháp. Bởi Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ quy định thẩm phán chỉ có thể cho ý kiến đối với hình thức chứ không phải nội dung văn bản luật.
      Mâu thuẫn giữa phe thế tục và đảng cầm quyền thân Hồi giáo AKP đã dâng cao từ mùa hè năm ngoái khi lãnh đạo đảng này Abdullah Gull được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Phe thế tục lo sợ cùng với sự kiện này, nền tảng thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị lung lay, đất nước sẽ bị Hồi giáo hóa bởi xưa nay vị trí Tổng thống là biểu tượng duy trì tính thế tục của đất nước và không thuộc về người theo đạo Hồi. Trong bối cảnh ấy, việc AKP “động chạm” đến Hiến pháp theo hướng tôn trọng tự do tôn giáo như trên ngay lập tức bị phe thế tục nhìn nhận như một hành động nhằm “tấn công” vào tính thế tục của quốc gia. Không chỉ dừng lại ở việc đưa ra phán quyết bác bỏ quyết định của Nghị viện,  Tòa án Hiến pháp, với thành phần chủ chốt thuộc phe thế tục thân quân đội, còn đang xem xét đề nghị đóng cửa AKP và cấm 71 nghị sỹ của Đảng này, trong đó có Thủ tướng Erdogan và Tổng thống Abdullah Gul, hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc AKP đang phải đối mặt với nguy cơ bị giải tán.  
      Các nhà phân tích cho rằng, nếu trong quá khứ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từng sử dụng sức mạnh lật đổ 4 Chính phủ thân Hồi giáo thì việc Tòa án Hiến pháp ra quyết định bác bỏ một văn bản luật đã được Nghị viện thông qua và sắp tới có thể là việc cấm hoạt động đối với AKP có thể được coi như một cuộc “đảo chính” tư pháp. Nếu trong ý tưởng ban đầu của những nhà lập quốc, Tòa án Hiến pháp là công cụ bảo vệ thành trì thế tục, giờ đây, cơ quan này đã sử dụng quyền lực pháp lý như một công cụ cho những mục đích chính trị.

Phong Á

Phong Á