Tủ sách cổ điển: Antigone

Nguyễn Văn Khỏa 13/06/2008 00:00

Bi kịch bằng thơ của nhà thơ Hy Lạp Sophocles, dự đoán diễn vào năm 442 trước CN, một tác phẩm xuất sắc sau Êdip làm vua, khai thác cốt truyện về đề tài trong truyền thuyết về thành Thebes.

      Trong cuộc chiến tranh giữa Acgôx và Thebes, hai người anh ruột của Antigone, Polynices từ Acgôx kéo quân sang, Eteocles ở Thebes trấn giữ một cổng thành (Thebes có 7 cổng) đã giao chiến với nhau và cùng bị tử trận. Theo huyết thống, Creon lên thay Eteocles trị vì thành Thebes. Nhà vua ra lệnh cấm không cho ai chôn cất tử thi của Polynices. Xót tình máu mủ, Antigone sau khi rủ người em gái là Ismene không được đã một mình làm những lễ nghi mai táng cho anh. Nàng bị quân canh bắt được giải về nộp cho Creon. Y căm tức ra lệnh trừng phạt: Giam Antigone vào trong ngôi nhà mồ của dòng họ nàng. Việc làm tàn ác của Creon đã khiến cho con trai là Haemon và cũng là chồng chưa cưới của Antigone bất bình. Chàng hết lời khuyên can cha nhưng không được. Cụ già Teiresias, một nhà tiên tri đến khuyên can Creon cũng vô hiệu. Cuối cùng, khi Creon ra lệnh phóng thích Antigone thì đã quá muộn. Nàng đã thắt cổ tự vẫn. Haemon kết liễu đời mình bên xác người yêu bằng một mũi kiếm. Eurydice, mẹ của Haemon, sau khi biết tai họa kể trên cũng dùng kiếm tự sát. Vở bi kịch kết thúc bằng sự nhận ra lỗi lầm của Creon và lời bình luận về quyền uy của số mệnh.
      Bi kịch Antigone thể hiện xung đột giữa lý tưởng dân chủ và nhân đạo với sự chuyên chế độc đoán. Thông qua cuộc đấu tranh của Antigone thực hiện nghĩa vụ chôn cất cho thi hài người anh để bảo vệ những luật pháp của các vị thần tuy không được ghi trên giấy nhưng đã được nhân dân tôn trọng và muôn đời bất di bất dịch, Sophocles đã phản ánh cuộc đấu tranh cho sự thắng lợi của nhà nước dân chủ chiếm hữu nô lệ cùng với những lý tưởng tốt đẹp của nó trong “thời đại Pêriclex”. Tính cách kiên cường, bất khuất cùng với lý tưởng cao quý của Antigone khẳng định sức mạnh của con người vươn lên chống đối lại bàn tay nghiệt ngã của số mệnh. Cùng với Antigone, Haemon cũng là một con người của lý tưởng nhân đạo và dân chủ. Chàng đã đấu tranh với cha vì công lý, vì lẽ phải, vì lý tưởng dân chủ và nhân đạo hơn là vì tình yêu của chàng đối với Antigone. Đó là “những con người cần phải được như thế”, những nhân vật anh hùng của bi kịch – anh hùng. 
      Kết cấu vở kịch chặt chẽ, hành động thống nhất, đối thoại sắc sảo, giàu xung đột, kịch tính là điểm nổi bật của tài năng Sophocles. Heghen coi Antigone là một kiệt tác của thời cổ đại.

Nguyễn Văn Khỏa

Nguyễn Văn Khỏa