Không say sưa với những con số

21/05/2008 00:00

Thành tích nổi bật nhất trong suốt 20 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có lẽ là sự gia tăng đột biến về số vốn đăng ký từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với mức tăng hàng năm đạt trên 1,7 lần so với năm trước đó. Thế nhưng, câu chuyện về thu hút FDI không chỉ đơn thuần là bảng thành tích ấn tượng về con số...

      Nhìn lại quãng thời gian trong 20 năm qua, thu hút FDI cũng đã trải qua nhiều thăng trầm cùng với những dấu mốc về sự hội nhập kinh tế của nước ta và sự biến động của kinh tế khu vực và thế giới. Sau chu kỳ tăng trưởng từ năm 1991 – 1997, đã xuất hiện thời kỳ suy thoái kéo dài từ năm 1998 - 2004. Nhưng từ đó đến nay, thu hút FDI liên tục đạt mức cao. Năm 2006, số vốn FDI thu hút được là 10,2 tỷ USD và đến năm 2007 đạt mức kỷ lục là 20,3 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm nay, số vốn FDI đã lên tới 7,5 tỷ USD - một con số ấn tượng. Các chuyên gia kinh tế khẳng định, thành tựu này là kết quả tổng hòa của tất cả những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, sự cải cách phù hợp hơn với thực tiễn của đất nước và với thông lệ quốc tế đã và đang tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp. Và một nguyên nhân quan trọng là uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao hơn nhiều với việc trở thành thànhviên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, góp phần quan trọng trong thành quả chung về thu hút đầu tư nước ngoài.  
      Thành tích về số vốn đầu tư, số lượng dự án là quan trọng nhưng nhiều chuyên gia cho rằng phải có sự nhìn nhận về một cách thực chất rằng vốn FDI đổ vào nước ta đã có những tác động như thế nào đối với nền kinh tế, và người dân được thụ hưởng các thành quả từ các dự án đầu tư là bao nhiêu? Sẽ có nhiều bài học trong thu hút FDI được rút ra trong suốt 20 năm qua, những bài học được cho là căn bản có lẽ là việc xây dựng, ban hành và thực thi chính sách trong lĩnh vực này. Và rõ ràng, chúng ta không nên “khoe khoang” con số vốn đăng ký FDI mà cần phải quan tâm đến con số vốn thực hiện. Nếu khoảng cách giữa hai con số này ngày càng gia tăng thì không thể nói là thu hút FDI thành công, dù vốn đăng ký có lên tới nhiều tỷ USD. Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận nghiêm túc mặt trái của “cuộc chiến chào mời đầu tư” của các địa phương để tránh ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội của địa phương tiếp nhận FDI do những ưu đãi không cần thiết chỉ vì để cạnh tranh với địa phương lân cận. 
      Theo đuổi chính sách khuyến khích FDI và coi trọng chất lượng FDI luôn là hai mặt có quan hệ hữu cơ của thể chế và chính sách được ban hành. Trên diễn đàn QH, đã có ĐBQH rất thẳng thắn khi cho rằng, trong thời kỳ này chúng ta không còn đói vốn đầu tư nước ngoài như những năm trước đây, nên không thể chạy theo mục tiêu thu hút thật nhiều vốn đầu tư, mà quan trọng hơn là phải phù hợp với năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế trong khi năng lực quản lý, tính liên kết trong đầu tư, năng lực quản trị kinh doanh, an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính, tiền tệ và hạ tầng cho đầu tư còn rất nhiều bất cập, yếu kém. Và đã đến lúc chúng ta loại bỏ tư duy đầu tư bằng mọi giá. Việc một số địa phương từ chối những dự án không phù hợp là những quyết định đúng đắn có tầm nhìn xa, không vì lợi ích trước mắt mà bỏ đi, quên đi sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước và của địa phương. 
      Nhìn thấy cơ hội và biết nắm bắt để có thể làm lợi cho đất nước, xét trên cả 3 yếu tố là kinh tế, xã hội và môi trường, giữ một vai trò quyết định trong vấn đề thu hút vốn FDI. Vì thế mà gần đây, đã có những cảnh báo về không nên quá say sưa với việc số lượng các dự án đầu tư nhiều đến mức nào, quan trọng hơn là các dự án đầu tư có hiệu quả và sử dụng hiệu quả ra sao, bảo đảm hài hoà quyền lợi giữa 3 chủ thể là nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Và đã đến lúc, các địa phương cần quan tâm đến cách ứng xử trong việc chấp nhận hay từ chối những dự án FDI không phù hợp, thay vì thu hút vốn FDI bằng mọi cách như trước đây.

LÂM HƯNG