Buồn vui mấy lần (Phần cuối)
Truyện ngắn của Nguyễn Đặng Mừng
>> Buồn vui mấy lần (Phần một)

Hết bậc tiểu học, Bình theo gia đình lên tỉnh học trung học. Thành thị không làm Bình quên làng quên xóm được. Nhớ chị Mịn, nhớ chú Gàn quay quắt, cuối tuần Bình đạp xe mười lăm cây số về làng. Ban ngày đi tát cá bẫy chim với chú Gàn, tối về ngủ nhà chị Mịn. Miếng chi ngon chị Mịn cũng để dành cho Bình. Chị Mịn cho Bình ngủ trên tấm phản, mùa hè gió mát rượi. Nhà rộng thênh thang chỉ mình chị ở.
Mùa đông năm Bình học đệ lục, về làng ngủ nhà chị Mịn. Đang đêm rét mướt, chị ôm chặt Bình, cuốn mền lại. Chị kể cho Bình nghe chuyện lính Tây, hồi Bình chưa đẻ. Lính Tây ác lắm, đốt nhà hiếp dâm đủ hết... có người bị cả trung đội hiếp đến chết luôn...
Hơi ấm và mùi bồ kết làm Bình ngất ngây. Bình ngủ thiếp khi nào không biết. Chiêm bao Bình thấy mình đang bú chị, bầu vú sữa căng mọng, chảy tràn ra miệng. Bình nuốt ừng ực từng ngụm sữa, nghe da thịt râm ran kiến bò. Rồi Bình thấy toán lính Tây thằng đen thằng trắng giằng Bình khỏi tay chị, Bình khóc thét lên, cắn chặt núm vú, núm vú đứt vào trong miệng, Bình nhai sừn sựt. Mấy thằng Tây đè chị xuống. Chị nằm ngửa, hai chân dài màu cua đồng đạp đạp liên tục vào bụng thằng Tây, tay chới với vẫy về phía Bình... Bình la lên ú ớ... Chị Mịn đập vào tay Bình kêu: “Chi rứa, chi rứa”, Bình choàng tỉnh. Trời sáng tỏ. Hai chị em nhìn nhau thẹn thò. Chị bảo: “Lên sớm đi kẻo mạ trông”, rồi chị xoa đầu, nhìn Bình buồn buồn: “Lo học cho giỏi, bựa ni đừng về nữa, nguy hiểm lắm. Khi mô rảnh chị lên thăm”.
Năm 1966, một trận chiến xảy ra giữa bộ đội chính quy và lính nhảy dù. Bà con đứng nhìn về làng qua cánh đồng. Hai chiếc phản lực ném bom napan, lửa cuộn lên từng cụm. Từng mái nhà lần lượt bốc khói. Chú Gàn la lên: “Nhà con Mịn cháy rồi”, đến “Nhà thằng Thỉ cháy rồi”. Cả xóm chìm trong ngút ngàn khói lửa. Tiếng súng lớn súng nhỏ nổ rền, chỉ còn nghe tiếng ào ào, đến chiều tối mới dứt. Bà con tản cư bàn tán về số thương vong hai bên, nhà cửa xem như chẳng còn cái nào. Ai cũng lo cho chị Mịn, chị không chịu tản cư.
Bình trốn nhà đạp xe như bay về làng. Quân đội hai bên không còn ai. Mùi tử khí quằn quại trong từng đợt gió Nam Lào, nhen lại những tàn lửa cháy. Bình và chú Gàn chui xuống căn hầm núp đạn nhà chị Mịn, không thấy ai. Chú gàn buồn buồn, giọng khàn đục: “Rứa là con Mịn đi theo bên tê rồi”. Bình đưa tay áo quệt nước mắt, thầm kêu: “Chị ơi, chị ơi... Chị đừng chết nghe, em thương chị lắm’.
Từ đó, cả vùng chữ nhất được chính quyền cũ gọi là mất an ninh. Bình không về làng nữa. Mỗi lần nghe đâu đó có xác nữ du kích là Bình hỏi thăm tên tuổi xem có phải chị Mịn không.
Năm 1972, cả thị xã Quảng Trị tan hoang. Bình đậu tú tài rồi bị tổng động viên đi sĩ quan Thủ Đức. Ra trường chọn vùng miền Đông Nam bộ cho xa làng xóm. Mỗi lần chạm súng, hình ảnh chị Mịn lại hiện về, tay Bình run lên. Hành quân ngang cánh đồng, Bình lại nghe cơ hồ giọng đồng chị Mịn đâu đó, khi xa khi gần, não nề da diết:
Nghé ơi nghé ọ
Nghé đi theo chị
Được ăn được bú
Nghé đi theo chú
Được nhai rau khoai
Nghé đi theo ai
Cắt tai chắm mắm
Những buổi chiều, gối đầu lên ba lô nhìn trời làm thơ, Bình cũng không quên hình ảnh chị Mịn:
Bìm bịp kêu mùa xuân trở lại
Tuổi thơ xoay chong chóng đường làng
Vệt trăng non rủ mây trời ở lại
Bóng chị lung linh, luống cải hoa vàng.
***
Sau ngày giải phóng Anh Thà về làng mang theo vợ con từ ngoài Bắc. Chị Mịn vẫn còn con gái.
Chị Mịn thường thân thiện với Bình khi chỉ còn hai người. Trước mặt bà con chị khắt khe với Bình lắm. Bà con chia lúa rơm gánh về hết, chị đến gần bên Bình nghiêm giọng:
Cậu coi chơ lúa mất nhiều lắm. Hôm qua đi họp chị bị phê bình là quản lý địa bàn không chặt.
Bà con họ đói lắm rồi. Tui cũng biết chuyện xã viên ăn cắp nhưng tui có quyền chi mô.
Là chị nói rứa. Mình kín đáo bảo ban nhau để trong ấm ngoài êm. Chia lúa rơm còn sống(4) thì tạm được. Nhưng ăn cắp bỏ vô túi là không công bằng, người nhiều kẻ ít, những người tự trọng lại thiệt thòi. Mai chị phải nói rõ điều này với bà con, cậu tuyên truyền trước với bà con đi nghe. Chị biết bà con quý mến cậu mà.
Trời cuối tháng tối đen, gió nồm thổi mạnh. Chiếc đèn dầu tắt ngấm. Hai chị em nói chuyện thủ thỉ. Chị Mịn thở dài:
- Cậu năm ni hai lăm tuổi rồi, lo mà đi hỏi vợ hỏi con đi là vừa.
- Ai ưng mà hỏi. Nông dân ít học thì ba mạ không chịu. Cán bộ giáo viên thì ai dám ưng mình. Chắc tui ở ri cho khỏe.
Gió nồm vi vút. Hai chị em ngồi bên nhau. Im lặng. Tóc chị Mịn bay vướng vào mặt vào cổ Bình nhồn nhột. Chị khoác vai, nói nhỏ vào tai Bình.
Cậu có oán chị không. Cái ngày dẫn cậu đi cải tạo, chị phải làm mặt nghiêm với mọi người, chắc cậu hiểu chị. Đêm đó về thương cậu quá, khóc thầm cả đêm. Đời chị em mình da diết khúc nôi quá cậu hỉ. Chị hay lén gửi quà lên trại cho cậu, mạ có nói với cậu không?
...
Răng cậu im lặng rứa. Cậu khóc à. Con trai không được khóc. Sông có khúc, người có lúc cậu à... hức... hức...
Hai chị em ôm nhau. Nước mắt nhòe trên má nhau. Chị hôn lên má, lên cằm, lên trán Bình. Cuối cùng họ cũng hun mui nhau. Môi họ giựt giựt cảm xúc. Người họ nóng ran lên. Họ quằn quại. Họ rên xiết lăn lộn trên đống rơm. Con trai còn tân, con gái trinh nguyên. Say đắm vụng về. Bản năng dẫn họ đi xa. Tình yêu dẫn họ chạy về với ngày xưa: Có giấc mơ bú sữa, có cánh đồng hoang mang tiếng kêu nghé ơi nghé ọ…
***
Tin chị Mịn có mang lan nhanh cả làng cả xã. Người ta đoán non đoán già về tác giả cái bầu chửa hoang. Người bảo của chú Gàn, người nói anh Thà tiếc của đời bòn cho giòn(5), không ai nghĩ đến Bình. Những bà sồn sồn có dịp để châm biếm, bàn ra tán vào: “Hành hạ người ta nhiều rồi, đến lúc phải trả giá. Gieo chi gặt nấy. Để coi mai mốt họp làng con Mịn trả lời ra răng. Con mụ mần bộ mần tịch chớ còn chi nơi nữa. Người nớ mà chung thủy với a...”.
Cả tháng nay chị Mịn không ra khỏi nhà.
Một tối Bình lội nước lụt lẻn qua nhà chị Mịn, chị đang ngồi vá áo dưới ngọn đèn dầu. Không ngước lên, chị nói:
Cậu không nên qua đây mần chi, phiền cho tôi và cả cậu nữa.
Bình ngồi xuống bên, giọng run run:
Em nghĩ kỹ rồi, hay chị em mình trốn vô Nam đi chị. Ở đó không ai biết mình. Đời sống trong Nam phóng khoáng hơn ở đây, chị nghĩ răng?
Chị Mịn ngước lên, mắt rưng rưng:
- Cậu dám không, khi mô đi?
- Khi mô cũng được, mạ cho em mấy chỉ vàng bảo vô trong Đồng Nai mà lập nghiệp, trong đó lúa gạo nhiều lắm, ở đây đi rà mìn hoài có ngày cũng chết. Em chuẩn bị hết rồi.
- Đồng Nai nhiều lúa gạo. Chị em mình đi xay lúa Đồng Nai. Có tấm có cám cùng ăn cùng sống... hức... hức...
- Dạ, mấy đứa bạn em gửi thư về nói trong đó heo cũng ăn cơm. Ăn chi cũng được, miễn chị em mình thương nhau.
- Nếu đi thì đêm ni đi liền. Tối mai làng họp để kiểm điểm chị. Chị sợ phải trả lời trước bà con lắm, có khi chị nghĩ chết quách cho xong đời.
- Dạ, ba giờ sáng có chuyến tàu. Nên đi sớm hơn, cứ đi như là không hẹn, lên tàu rồi tìm nhau.
Hai bóng đen cách nhau mấy cây số, họ đi lặng lẽ trong đêm, lội bì bõm trong nước lụt những đoạn bị ngập. Trời mưa lắc rắc, tối thui, xa xa le lói ánh đèn những người đi soi cá. Làng xóm chìm đi sau lưng, nhập nhòe sấm chớp.
Chị Mịn mang bầu đi từng bước dò dẫm. Trong bụng chị thằng Bình con đang lớn. Bốn tháng nữa nó sẽ ra đời. Nó sẽ bụ bẫm, sẽ bú chị mạnh bạo như thằng Bình ngày xưa. Nó sẽ năm sáu tuổi, sẽ cầm tay chị cười sằng sặc, chị sẽ đẩy lui đẩy tới hai búp tay có ngấn, hát bài đồng dao thuở ấy. Lần này chị sẽ tập cho con hát bài xay lúa Đồng Nai công bằng hơn, không như đời chị. Chị sẽ dạy con là “Cơm gạo ăn cùng, tấm cám chia chung”... Nó sẽ bảy tám tuổi, nó sẽ chạy theo chị như con nghé, hát bài nghé ơi nghe ọ... Cha con nó sẽ theo chị suốt đời.
___________________
4 Rơm còn dính nhiều lúa
5 Kiếm thâm, tìm thâm kẻo uổng