Israel tuổi 60

17/05/2008 00:00

Ở tuổi 60, Israel đã có được nhiều thành công nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Người nhập cư - từng là nguồn tăng dân số chính của Nhà nước Do Thái – nay ngày càng suy giảm. Israel đang chuyển hóa sang một dạng kinh tế thị trường cổ điển nhất từ trước tới nay. Căng thẳng xã hội và chính trị đang thử thách tính cố kết của một xã hội, vốn là tập hợp của nhiều cộng đồng người Do Thái đến từ khắp nơi trên thế giới.

      Người dân Israel có đủ mọi lý do để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Nhà nước Do Thái. Israel là một trong số rất ít các nền dân chủ ở Trung Đông luôn nóng bỏng. Israel cũng là nền kinh tế sáng sủa nhất, phát triển nhất, tiến bộ nhất trong khu vực. Hơn thế nữa, Israel cũng là một trong những “cực” của thế giới về công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau. 60 năm sau ngày ra đời, Nhà nước Israel đã có số dân nhiều gấp 8 lần, điều mà ngay cả những nhà lập quốc cũng không thể mong đợi. Tiếng Do Thái trước đó chỉ là ngôn ngữ trong những cộng đồng bị kỳ thị nay trở thành ngôn ngữ của văn học, của khoa học, nghệ thuật được dịch và phổ biến trong nhiều nền văn hóa.
      Một thành tựu khác mà mỗi người dân Israel có thể nhìn lại và tự hào là an ninh của chính họ. Người Do Thái giờ đây đã có một “quê hương” để có thể trở về. Và nơi mà họ có thể trở về giờ đây cũng an toàn và vững chãi hơn cách đây 60 năm rất nhiều, cho dù nó vẫn bị đe dọa “xóa khỏi bản đồ”. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh với các dân tộc láng giềng nhưng Israel không hề yếu đi mà ngược lại, ngày càng vững chắc hơn, mở rộng hơn. Liên minh quân sự với Mỹ, mối quan hệ chặt chẽ với các nước châu Âu, Nga, Trung Quốc bảo đảm cho Israel một sự an toàn mà cách đây 60 năm người ta khó có thể tưởng tượng.
      Nhưng đó chỉ mới là bức tranh màu sáng mà người Israel có thể tự hào. Để hướng tới tương lai, Israel cũng đang phải nhìn lại chính mình và nhận chân những thách thức không dễ vượt qua.
      Nhà nước Do Thái được thành lập năm 1948 với mục tiêu quy tụ các cộng đồng người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới trong một dự án Quốc gia – Dân tộc. 60 năm sau ngày lịch sử đó, Israel mới chỉ thu hút được khoảng 40% số người Do Thái đang sống rải rác trên khắp thế giới. Kể từ năm 1948, người nhập cư vẫn đều đặn đổ đến mảnh đất mà các cường quốc trao cho người Do Thái. Nhưng từ ít năm nay, tỷ lệ nhập cư đang có xu hướng giảm dần. Năm 2007, số người nhập cư vào Israel lần đầu tiên thấp hơn ngưỡng 20.000 người. Điều này là hệ quả tất yếu của việc các cộng đồng người Do Thái ở các nước thuộc Liên Xô cũ đã gần như hoàn toàn biến mất. Trong khi đó, các cộng đồng Do Thái lớn như ở Mỹ và Pháp lại không có xu hướng di dân đến Israel.
      Trong 60 năm qua, dân số Israel đã tăng 8 lần. Ngoài dòng người nhập cư, điều này có được là nhờ vào tỷ lệ sinh ở Israel rất cao, Đặc biệt là trong những nhóm Do Thái chính thống. Tuy nhiên, so với tỷ lệ sinh 3,9 trẻ/phụ nữ vào những năm 1950, tỷ lệ 2,8 hiện nay là khá thấp. Cả hai nguồn tăng dân số đều chững lại chứng tỏ ở tuổi 60 Israel đã đạt đến ngưỡng dân số. Điều đáng quan ngại hơn nữa là tỷ lệ tăng dân số vượt trội của cộng đồng người Israel gốc Arập. Nếu như vấn đề Palestine không nhanh chóng được giải quyết thì một ngày không xa Israel sẽ không còn là Nhà nước Do Thái như họ từng mong muốn xây dựng vào năm 1948.
      Khởi đầu bằng một học thuyết kinh tế tập thể với vai trò đặc biệt quan trọng của Nhà nước và công đoàn, ngày nay Israel đã chuyển hẳn sang hình thái kinh tế thị trường ở dạng cổ điển nhất. Nhà nước và các công đoàn đã dần dần giảm cam kết đối với lĩnh vực kinh tế. Trong những năm gần đây, tiêu dùng công cộng giảm mạnh. Ngân sách xã hội cũng bị cắt giảm. Kinh tế Israel giờ đây hội nhập hoàn toàn với kinh tế thế giới đang trong tiến trình toàn cầu hóa cao độ. Tính riêng năm 2006, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Israel lên đến 14,3 tỷ USD.
      Nền kinh tế Israel cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao so với các nền kinh tế phát triển khác. Năm 2007, tỷ lệ tăng trưởng của Israel là 5,3%. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2008 này dự kiến đạt mức 7,3%. Tăng trưởng kinh tế của Israel chủ yếu nhờ vào lĩnh vực công nghệ cao (chiếm 10% GDP), lĩnh vực giờ đây thay thế cho nông nghiệp ở vị trí dẫn dắt nền kinh tế Israel. Tự do hóa kinh tế ở Israel đặt ra cho đất nước 60 tuổi này những vấn đề mới mà những nhà sáng lập ra Israel không hề mong muốn phải đối mặt: Gần 1/4 dân số (24,7%) hiện nay sống trong mức nghèo khổ. Số người nghèo ở Israel tăng 20,3% kể từ năm 2002.
      Nhưng mối lo luôn thường trực đối với Israel không phải là dân số hay kinh tế mà là an ninh. Dù có được hiệp định hòa bình với Ai Cập, Jordan nhưng Israel chưa “chung sống hòa bình” với những người hàng xóm. Điều này có nghĩa Israel vẫn chưa biết đến một nền an ninh thực sự.
      Cuối cùng là thách thức đến từ chính nội bộ của Israel, một Nhà nước được hình thành trên cơ sở sự cố kết, chia sẻ của người Do Thái. Nhưng giờ đây Nhà nước đó không còn đóng vai trò như vậy nữa. Sau vụ ám sát nhằm vào cố Thủ tướng I. Rabin, người ta nhanh chóng nhận thấy một Israel chia rẽ, mâu thuẫn, thậm chí là thù địch. Thể chế chính trị Israel kể từ đó cũng lao vào các cuộc khủng hoảng triền miên. Các chính khách Israel ngày càng đánh mất sự tín nhiệm của công chúng và trở nên bất lực trước những quyết định mang tính đột phá ngang tầm với thách thức lớn nhất mà Israel phải đối mặt: Xây dựng một nền hòa bình với người Palestine.
      Ở tuổi 60, ngoảnh lại người Israel có nhiều thứ để tự hào. Nhưng tương lai của họ sẽ không chỉ là sự nối dài của quá khứ!.

Đông A