“Mặt trời mọc” ở nước Nga
Hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda sẽ bắt đầu chuyến thăm Nga đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền. Đây là một cố gắng lớn thể hiện sự ưu tiên nhất định trong chính sách của ông Fukuda nếu xét đến tình hình đang rất phức tạp ở chính trường trong nước.

Thủ tướng Yasuo Fukuda đến Moscow trong một lịch trình gấp gáp. Trưa thứ sáu (25.4) rời Tokyo để đến Moscow lúc xẩm tối. Ngày hôm sau, ông sẽ có buổi nói chuyện với sinh viên học tiếng Nhật tại Nga trước khi gặp cả hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Dmitry Medvedev trong các buổi làm việc riêng rẽ. Tiếp đó, ông sẽ rời Moscow chiều cùng ngày. Lịch trình nghị sự căng thẳng tại Quốc hội Nhật Bản đặt ra nhiều vấn đề nóng bỏng không cho phép Thủ tướng Fukuda nấn ná được lâu hơn, thậm chí ông còn phải tạm hủy các chuyến đi Anh, Pháp, Đức vào đầu tháng 5 như dự kiến. Trước đó, Nga, Anh, Pháp, Đức là các quốc gia mà ông Fukuda đã lên lịch công cán để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 do Nhật Bản đăng cai tổ chức trên hòn đảo Hokkaido vào tháng 7 tới đây. Tại Moscow, Thủ tướng Fukuda sẽ thảo luận với Tổng thống Putin các vấn đề trong quan hệ song phương. Gặp Tổng thống đắc cử Medvedev, ông sẽ đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu trái đất và giải pháp khung cho thỏa thuận hậu Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Vấn đề biến đổi khí hậu trái đất đã được chọn làm trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G-8 năm nay.
Quan hệ Nga - Nhật Bản đang ngày càng được thắt chặt trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có một thực tế là ngay cả ở thời điểm thuận lợi nhất vẫn có vấn đề khó chịu như một cái nhọt “ương mãi không chín”. Nga - Nhật Bản là hai quốc gia láng giềng dù chỉ gần nhau ở dải lãnh hải thuộc vùng Viễn Đông. Cũng chính tại khu vực này đã tồn tại một vấn đề kéo dài hơn 6 thập niên qua và là yếu tố duy nhất khiến hai nước không hoàn tất được bản hiệp định hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nga hiện đang duy trì chủ quyền trên 4 hòn đảo nhỏ gồm Etorofu, Shikotan, Habomai, Kunashiri. Bốn hòn đảo mà Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phía Bắc này nằm trong quần đảo Kuril thuộc Nga, có hòn chỉ cách Hokkaido vỏn vẹn 15km. Tại đây, vẫn còn một bộ phận dân đảo mà trước năm 1945 được gọi chung là người Nhật, dù tại thời điểm nó được sáp nhập vào lãnh thổ Xô Viết thì 17.000 cư dân đã dời đi. Chính vì vậy, vấn đề tranh chấp đảo biển sẽ được đưa ra trên bàn nghị sự giữa ông Fukuda với Tổng thống Putin hôm nay, nhưng chắc chắn sẽ khó đạt được một đột phá nào.
Đàm phán về tương lai cho 4 hòn đảo đã được tiến hành rất nhiều nhưng chưa một lần người ta thấy hai nước đưa ra được một giải pháp khả dĩ. Chuyến công cán tới Moscow hôm đầu tuần của Ngoại trưởng Nhật Bản Masahiko Komura cũng đề cập đến vấn đề này khi ông thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Rời bàn họp, ông Komura thông báo không hề đạt được một sáng kiến cụ thể nào. Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov thừa nhận “sẽ còn mất nhiều thời gian”. Hiện tại, hai nước vẫn duy trì một đường bay dân sự nối liền Kunashiri với Hokkaido, nhưng chưa hề có một thỏa thuận hợp tác phát triển nào tại đây. Nga rất muốn Nhật Bản đầu tư giúp phát triển hạ tầng trên toàn bộ quần đảo Kuril, còn Nhật Bản thì chỉ giới hạn ở viện trợ nhân đạo. Đã có khoảng 350.000 USD được viện trợ cho cộng đồng ngư dân trên 4 hòn đảo tranh chấp.
Tuy hợp tác tại Kuril bị cản trở bởi lý do chủ quyền, nhưng trao đổi thương mại Nga - Nhật Bản đang phát triển nhanh chóng. Năm 1997, kim ngạch thương mại song phương chỉ có 3 tỷ USD, ì ạch đến năm 2002 cũng chỉ nhỉnh hơn 4 tỷ USD. Đến năm 2007, giá trị đã tăng 5 lần và đạt 21,2 tỷ USD. Nhật Bản và Nga cũng đang thảo luận hàng loạt dự án quan trọng dự định triển khai ở Siberia và phương hướng hợp tác kết nối cả vùng Viễn Đông thuộc Nga vào khu vực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Ở đây có lợi ích song trùng, Nga nhận được vốn cho vùng lãnh thổ xa xôi còn Nhật Bản được tiếp cận với nguồn dầu mỏ, khí đốt khổng lồ của Nga nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp tận Trung Đông.
Tháng 1.2003, Nga - Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa và chính trị. Các vấn đề xuất hiện trong chuyến thăm của ông Fukuda cũng nằm trong khuôn khổ thỏa thuận đó. Ông Fukuda dự kiến sẽ trấn an các nhà lãnh đạo Nga về sự hợp tác của Nhật Bản trong chương trình triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ. Hệ thống này đã được lắp đặt tại Nhật Bản với lý do đề phòng mối nguy hiểm đến từ Triều Tiên, nhưng địa điểm lại thuộc vùng nhạy cảm vì sát với lãnh thổ Nga.
Mặc dù chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda chỉ là chuyến thăm không chính thức, nhưng sự hiện diện của một vị lãnh đạo đến từ đất nước mặt trời mọc tại xứ sở bạch dương trong thời điểm hiện tại là một tín hiệu tốt để hai bên có cơ hội xóa bỏ những bất đồng trong lịch sử để siết chặt tay nhau.
Tô Trang