Điện thoại đường dài
Truyện ngắn của Trương Quế Chi

1
Mọi thứ yên bình.
Anthony nói rằng trong vườn nhà bà cậu cũng có một chiếc xích đu y hệt cái chúng tôi đang ngồi. Rằng cậu luôn khiến bà phải khổ sở đi tìm mỗi mùa cerises. Tôi kể sang chuyện hồi còn bé thích nhổ tóc sâu cho bà ngoại. Thích nhìn ánh nắng chiếu vào những sợi tóc bạc lấp lánh như kim tuyến trên bàn tay. Và tôi bao giờ cũng giấu đi đến hơn phân nửa những sợi tóc sâu nhổ được trong túi. Chìa ra cho bà những sợi còn lại mà véo von “Bà chưa già chút nào đâu ạ!”.
Anthony nhoẻn miệng cười. Nhịp điệu lên xuống. Chao liệng.
Tôi thư thái hoàn toàn. Tiếng gió. Tiếng dây xích đu chà xát.
Anthony bảo “Hình như thời gian chạy trốn mất rồi!”.
2
Thứ hai là một ngày uể oải. Đồ án 60 trang kỳ cạch 2 tuần chưa có gì tiến triển. 16 đứa Việt Nam trong Labo (Phòng thí nghiệm). Một nửa nhận học bổng trao đổi của hệ tiếng Pháp. Một mình tôi là con gái. Tính cả 5 anh đang học tiến sĩ. 7 đứa Master 2. Và 4 cậu Master 1 mới sang năm nay. Toàn dân Xây dựng và Giao thông Vận tải. Chỉ mình tôi là con gái. Ngày tôi đến nhận phòng được phân trong khu ký túc xá. Ai cũng nhìn. Ai cũng chỉ trỏ. Các anh khóa trên gọi ngay là “Mì chính cánh”. Tầng 4 là Vietnam town thu nhỏ. Nhà ăn tầng 4 là nhà hàng châu Á thu nhỏ. Ngày đầu tiên đến Lyon được đãi ngay một bữa lẩu ít rau ngồn ngộn thịt bò và hải sản. Tuần đầu tiên rụt rè lạ lẫm không nói được câu tiếng Pháp nào tử tế ngoài “Bonjour! Ca va?” (Xin chào! Bạn có khỏe không?) Đến trường, thầy nói 10 trang hiểu lõm bõm 3 trang rưỡi. Net mắc đến tận phòng. Tối học 2 tiếng nản thì đọc tin Việt Nam, xem phim Hàn Quốc. Ký túc xá cách trung tâm thành phố 45 phút bus. Nhìn thấy người nhập cư là chủ yếu. Có 2 con đường thuộc làu nhất là lộ trình từ ký túc đến Labo và đến chợ Tàu. Các tối cuối tuần, các thạc sĩ tiến sĩ tương lai tụ tập. Nấu đồ Việt và đàn hát đến sáng. Thỉnh thoảng nghĩ cuộc sống tôi năm 23 tuổi như thế là cũng ổn định. Thỉnh thoảng nghĩ nó hơi tẻ nhạt. Nhưng chả có sức đâu để nghĩ nhiều. Học tử tế mới mong giữ học bổng. Năm đầu tiên. Đến tháng thi. Hộp mì 30 gói vị gà. Cả tầng 4. Ai nhìn cũng mệt mỏi. Chả thiết rủ nhau ra khu bếp tập thể nấu chung nồi canh dưa hay kho chung nồi thịt. Kết thúc kỳ thi. Các phòng im thít khóa chặt cửa. Ngủ bù cho những đêm thức trắng hò nhau uống cà phê và chè đặc. Tôi ngủ. Và khóc. Ngủ. Và khóc. Việc học hành vốn không quá mệt mỏi. Nhưng đôi khi trở nên hơi quá sức. Cùng với nỗi nhớ nhà. Và có thể cộng cả mớ hoài nghi tuổi trẻ được gia vị bằng nỗi cô đơn của một đứa con gái vị kỷ giữa một cộng đồng toàn nam giới. Có lẽ tôi kém cỏi trong chuyện giao tiếp. Việc tiếp xúc với những du học sinh kém tuổi chỉ khiến tôi thấy mình lạc nhịp vô cùng. Thứ hai là một ngày uể oải. Đồ án 60 trang kỳ cạch 2 tuần chưa có gì tiến triển.
3
Anthony dẫn tôi ra Macdo.
Gọi 2 kem quế. 2 E đúng.
Hai đứa ngồi giữa quảng trường ngày nắng.
Anthony kể rằng từng đọc một bài báo nói rằng đá dùng trong nước cola của Macdo có nhiều vi trùng hơn ở bồn cầu.Tôi khẽ rùng mình nhưng vẫn tiếp tục liếm kem ngon lành. Kem ngọt, mát và ngon. Tôi kể ở Việt Nam, người ta có thể ăn những món ăn mà trước đó ruồi đã bâu bám đầy.
Tôi còn bĩu môi rất diễn nói rằng nếu như Anthony thấy cái bếp cửa hàng Việt nơi tôi làm thêm, chắc chắn nó sẽ không bao giờ dám đặt chân tới một nhà hàng Á nào nữa.
Anthony cười trêu tôi là “một sự thật Châu Á” sống động nhất!
Tôi thấy nhận xét ấy chả ăn nhập lắm. Nên vẫn đưa mắt nhìn dòng người qua lại nô nức quảng trường. Cắn hết nửa miếng ốc quế.
Anthony đưa tay nghịch tóc tôi.
4
Thứ hai là một ngày uể oải. Phải dậy từ 6 giờ sáng để đến Labo cho kịp. Labo và ký túc xá ở hai đầu thành phố. 45 phút metro, tramway, bus đủ cả. Tối chủ nhật đi làm thêm ở nhà hàng Á, 2 giờ sáng mới về tới nhà. Đi tắm. Vệ sinh cá nhân. Lọ mọ cũng phải 3 giờ mới đặt người được xuống giường. 3 tiếng ngủ không bao giờ đủ. Nên 45 phút metro, tramway, bus, mắt lúc nào cũng trong trạng thái khép hờ. Ngủ không ra ngủ. Tỉnh không ra tỉnh. Cũng chả quan trọng. Chả ảnh hưởng tới ai. Mọi người nườm nượp lên xuống các phương tiện công cộng. Chả ai cười. Chả ai nói. Ai cũng lăm lăm báo phát miễn phí và lòng thòng 1 máy nghe nhạc cá nhân. Thế nên mắt có khép hờ, ngủ không ngủ. Tỉnh không ra tỉnh. Cũng chả quan trọng. Thỉnh thoảng có một tiếng chuông điện thoại chói tai vang lên. Thì cũng choàng tỉnh ngoái đầu về phía tiếng động theo mọi người. Ném một cái nhìn như thể vừa bị phiền phức. Rồi mắt lại khép hờ như cũ. Cứ thế. 45 phút metro, tramway, bus không bao giờ đủ để có thể bắt đầu một ngày tại Labo trong bộ dạng tỉnh táo. Tới gần trưa thì gặp Bruno. Bruno hơn tôi 2 tuổi. Suốt ngày hát điệp khúc “Thôi mày nghỉ làm ở chỗ đó đi! Vừa vất vả mà họ lại chỉ trả mày bèo bọt!” Bruno mới chuyển từ Grenoble xuống Lyon. Học cùng lớp master 2. Câu đầu tiên tôi hỏi Bruno là tại sao nó hơn tôi 2 tuổi lại học ngang tôi. Bruno đùa bảo tôi thật vô ý. Nó kể từng học 2 năm Ngôn ngữ nhưng thấy không phù hợp nên chuyển ngành. Tôi bảo với nó, với tôi như thế là quá khó tin, tôi cứ thắc mắc mãi tại sao nó đã mất đến 2 năm học mà vẫn chấp nhận đi lại từ số không. Nó bảo đơn giản “Tao không thích nữa! Tao không còn thấy thú vị nên tao đổi!”. Ngày hôm sau. Tôi vỗ vai nó, giọng ngượng nghịu “Tao nghĩ là mày rất dũng cảm! Hồi trước, thỉnh thoảng, tao từng nghĩ đến chuyện đổi ngành nhưng tao lại nghĩ đấy là tội lỗi!”. Từ đấy tôi và Bruno chơi với nhau nhiều hơn. Bruno không có bạn gái. Cũng mới chuyển xuống Lyon. Nên cứ có thời gian rảnh hiếm hoi, lại rủ tôi đi chơi. Tôi cũng không hiểu. Tại sao với một người hoàn toàn xa lạ như Bruno tôi lại có thể nói nhiều được đến thế. Tiếng Pháp tôi tốt lên. Và Lyon biết nhiều đường hơn ngoài lộ trình từ ký túc xá dẫn đến chợ Tàu và Labo. Giáng sinh Master năm 2. Bruno mời tôi tới Grenoble trượt tuyết. Tôi ở nhà nó 4 ngày. Gia đình Bruno nồng nhiệt khiến tôi cảm động. Tôi gặp Anthony. Em trai Bruno. 18 tuổi. Sáng, cả nhà cùng dạy tôi trượt tuyết. Ban đêm, mấy đứa chơi trò đánh cược con nít. Tôi chụp rất nhiều ảnh. Tôi quên hẳn mùi thức ăn nhà hàng Á và mùi ẩm căn phòng ký túc xá.
5
7 giờ sáng.
Tuyết ngoài trời rơi không ngừng. Trắng xóa.
Tôi nhớ nhà. Cầm cốc trà thảo quả nóng. Tay run run.
Anthony tóc bù xù. Có lẽ mới tỉnh ngủ. Bước vào bếp. Dụi mắt. Nhìn tôi. Anthony nói rằng khi buồn không nên nhìn những khung cảnh hoang vắng thế này làm gì. Anthony cam đoan tôi đang buồn vì nhớ nhà. Anthony bảo tôi sắp khóc đến nơi.
Tôi trào nước mắt.
Anthony nhún vai, con gái ai cũng nhạy cảm, nhất là con gái Châu Á. Anthony bảo hình như đã từng nghe một câu chuyện rằng nước mắt của con gái có thể biến thành những viên ngọc trai. Thế là tôi sắp giàu to vì giọt nước mắt của tôi nhìn rất lớn. Tôi bật cười. Anthony tới gần quệt nhẹ tay lau nước mắt cho tôi.
Tôi mặc áo khoác, đi ra ngoài. Anthony chạy theo, huýt sáo.
Trời sáng rạng hẳn.
6
Thứ hai luôn là ngày uể oải. 3 tiếng ngủ không bao giờ đủ để kịp 6 giờ sáng dậy chuẩn bị đến Labo. Nhất là những ngày khó ngủ. Về nhà đầu chỉ ong ong tiếng chửi bới của bà chủ. Bà chủ là người miền Nam. Cũng không sung sướng gì. Cả đời đi làm cho nhà hàng Á. Bây giờ mở được tiệm riêng thì cũng lại làm đầu bếp chính. Làm cả 7 ngày trên 7. Cả ca trưa lẫn ca tối. Trên 50 tuổi đầu. Mà làm không ngưng nghỉ. Bao giờ cũng đội cái mũ tắm và quần áo ngủ rẻ tiền. Mặt chỉ biết cắm vào mấy cái chảo chiên. Có lẽ chửi bới cũng là cách để giảm bớt căng thẳng. Ngày nào bà chủ cũng chửi. Trong bếp có 3 người phụ giúp. Ngoài hàng 4 bồi bàn. Bà chửi hết 7 người. Cả chồng cũng mắng. Từ việc nho nhỏ đến việc to to. Nên lúc đầu còn phải về nhà uống thuốc chống nhức đầu. Về sau tôi quen. Cũng thương bà. Nhưng nhiều lúc cũng ngán ngẩm. Chỉ muốn bỏ. 23 tuổi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm phụ bếp. Rửa những chồng bát ngất ngưởng. Bóc mấy bao tải hành. Thái hàng cân thịt. Móc thông cống v.v... Và lau dọn một cái bếp nhầy nhụa và bẩn thỉu nhất tôi từng thấy. 23 tuổi. Trước đấy tôi nghĩ việc học là việc tử tế nhất tôi biết làm. Bố mẹ lo lắng không bao giờ để con gái thông minh phải làm bất cứ việc nặng nào trong nhà. Và có lẽ đến bây giờ vẫn thế. Học vẫn là việc tử tế nhất tôi biết làm. Năm 2 master. Học bổng đủ cho những nhu cầu thiết yếu. Lũ con trai ai cũng đi làm. Tôi cũng đi làm. Và nghĩ người ta đi làm được mình cũng làm được. Nhà hàng Á bao giờ cũng có việc. Làm việc “lậu”, lương được nhận chỉ bằng già nửa mức lương tối thiểu qui định. Mấy ngày đầu đi làm không quen. Mặt mũi tôi nhợt nhạt. Bruno hỏi thăm. Hét toáng lên khi biết việc tôi làm. Từ đấy có cái “điệp khúc” mà tôi nghe đến nhàm. Vừa thương nó. Vừa không hiểu mình đang cố chứng tỏ điều gì. Đôi khi thấy rất mệt. Ngửi thấy mùi cơm rang thập cẩm là buồn nôn. Sáng thứ hai lại đi kêu ca với Bruno. Nó lại “điệp khúc”. 3 tiếng ngủ không bao giờ đủ. 45 phút metro, tramway, bus không bao giờ đủ. Đầu thỉnh thoảng lại ong ong tiếng chửi bới của bà chủ. Cũng ngán ngẩm. Chỉ muốn bỏ. Cũng không hiểu mình đang cố chứng tỏ điều gì. 23 tuổi. Bruno mãi điệp khúc.
7
Bầu trời trong vắt.
Anthony kể rằng đây là lần đầu tiên dẫn một người tới vách núi này.
Hơn 1 tiếng đồng hồ leo lên đỉnh núi, Anthony kể chuyện vẫn đến đây một mình vào rạng sáng, chụp ảnh cây cỏ và nghe tiếng chim hót lảnh lót. Câu nào Anthony cũng nhấn mạnh chữ “một mình”. Tôi cũng lan man rằng tôi luôn có cảm giác đó, dù ở bên có bao nhiêu người đi chăng nữa.
Anthony chỉ cho tôi một triền xanh mởn toàn hoa cúc dại.
Tôi thích thú. Ngắm mãi. Anthony đột nhiên bảo tôi nên cười nhiều hơn. Tôi hỏi tại sao. Anthony không trả lời.
Tôi không quan tâm lắm. Chỉ thấy nhẹ nhõm.
8
Ngày thứ hai uể oải. Ngáp dài sau 3 tiếng ngủ không bao giờ đủ. Thì Bruno khiến tôi giật mình. Mặt nó đỏ lựng. Vai run run. Nó ôm tôi. Khóc òa như đứa trẻ. Tôi cứng người. Đứng như tượng gỗ. Không biết điều gì xảy ra. Bruno khóc xong, ướt đầm vai áo tôi. Vừa nói vừa nấc “Mẹ tao gọi điện. Bố tao tự tử. Ngay trong sân nhà. Thằng Anthony là người phát hiện… Tao phải về Grenoble ngay. Mày đi với tao nhé!” Tôi không dám hỏi lý do tại sao. Bruno bối rối cực điểm. Lấy vội 1 bộ màu đen tôi chưa bao giờ mặc. Tôi đi cùng nó về Grenoble. Căn nhà Bruno. Tôi gần như không nhận ra với lúc tới chơi kỳ nghỉ đông. Ảm đạm. Tôi rợn người. Tôi chơi vơi. Như trôi ngang trong ngôi nhà. Với những câu hỏi tự đặt ra trong đầu, về lý do bố Bruno tự tử. Tôi đặt ra nhiều giả thiết. Rồi gạt đi. Tôi không thể hiểu nổi. Và cũng không tin nổi. Mới 3 tháng trước bố Bruno vẫn vui vẻ nhiệt tình đưa chúng tôi đi chơi khắp nơi. Tối ngày hỏa táng. Đến lượt Anthony gục đầu vào tôi. Khóc òa lên. Tôi vẫn vậy. Vẫn đứng yên như tượng gỗ. Tự nhiên tôi chỉ thấy kỳ khôi. Trong 23 năm tôi sống chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh con trai khóc nhiều đến thế. Tôi cũng không biết mình có bị tác động sâu sắc bởi điều này không. Tôi chỉ thấy kỳ khôi. Thậm chí hơi mệt. 2 ngày sau đám tang bố Bruno. Tôi làm tình. Lần đầu tiên. Với Anthony. Tôi không cảm thấy gì. Cũng không đau như tưởng tượng. Cũng không đến nỗi hoang mang hay sợ hãi rối bời như tôi vẫn nghĩ. Hình như tôi không còn khả năng bất ngờ về bản thân mình nữa. Hoặc là tôi đang cố nhấn chìm nó xuống. Bruno biết chuyện. Giận dữ. Lập tức bắt tôi mua vé về Lyon. Anthony cũng không hứa hẹn gì. Tôi cũng không chờ đợi gì. Tôi chỉ thấy trống rỗng. Chờ cảm giác áy náy tội lỗi đến bóp nghẹt mình. Tôi chỉ thấy đau quặn bụng. Tôi đi mua carte điện thoại 15 E. Vào cabine được 120 phút. Tôi gọi về cho Dương. Ngày tôi đến Lyon mười mấy anh con trai không ai dám có hành động quá gần gũi với tôi. Ai cũng giúp tôi nhiệt tình nhưng không bao giờ dám đi quá giới hạn dù chỉ 1 nấc nhỏ. Phòng tôi 10 giờ tối bao giờ cũng chỉ một mình tôi. Những cuộc viếng thăm đột xuất ban đêm bao giờ cũng sẽ trên hai người. Dương học trên tôi 4 khóa. Cũng học Thạc sĩ tại Lyon. Cũng ở khu ký túc xá tôi đang ở. Ai cũng biết Dương. Ai cũng biết tôi là bạn gái của Dương. Ai cũng cũng biết Dương gửi gắm tôi cho mọi người. Tôi đi làm thêm. Mọi người gàn. Tôi hay đi với Bruno. Mọi người gàn. Dương yêu tôi 3 năm. Dương bảo tôi chịu khó học nốt Thạc sĩ rồi về nhà cưới nhau là vừa. Tôi từng nghĩ như thế cũng tốt. Lúc tôi gọi điện cho Dương. Tôi biết Dương sẽ phản ứng thế nào. Tôi bảo tôi muốn chia tay Dương. Tôi đã có tình cảm với người khác. Dương hỏi một hồi về người kia bao nhiêu tuổi, tây hay ta, việc làm thế nào. Dương hỏi thế chuyện hai đứa tính cưới nhau thì sao? Dương hỏi cộng đồng du học sinh bên ấy sẽ nghĩ em ra sao? Tôi dập máy.
9
Trời mưa như trút.
Tôi cùng Anthony ngồi kề nhau dưới mái hiên nhà thờ. Anthony tựa đầu lên vai tôi. Êm dịu. Anthony kể. Bố tự tử vì ông thấy không còn có thể cứu vãn nổi cuộc hôn nhân với mẹ cậu. Gần đây, bà mệt mỏi đến cực điểm và luôn đề nghị ly dị.
Tôi lẩm cẩm nói nhỏ rằng ở Việt Nam, gia đình nào cũng lắm trục trặc nhưng họ giấu kỹ chúng đến độ chính họ thỉnh thoảng cũng bị phỉnh lừa là mình hạnh phúc thành đạt. Anthony cười nhạt và nói rằng cậu thấy mệt mỏi lắm.
Chúng tôi gần nhau tới độ khi tôi quay nhẹ đầu, Anthony hôn tôi. Tôi không cưỡng được. Tôi hôn Anthony. Sau gần 2 năm. Không có bất cứ va chạm giới tính nào. Và về sau tôi nghĩ không có lý do gì để cưỡng lại.
Trời mưa. Dưới mái hiên nhà thờ. Ngực tôi căng lên. Phập phồng.
10
Thứ hai tôi không đến Labo. Tối chủ nhật tôi xin nghỉ bên nhà hàng Á. Tôi nằm trên giường. Rất muốn suy nghĩ mình phải làm gì. Nhưng không nghĩ gì được cả. 3 tuần. Dương tìm mọi cách liên lạc với tôi. Tôi tránh. 3 tuần. Bruno không ngừng bảo tôi đừng ngu dại mà vội quyết định lung tung. Bruno không ngừng nhắc nhở tôi rằng Anthony mới 18 tuổi, năm sau mới bắt đầu sinh viên năm 1 và sẽ gặp hàng tá con gái. 3 tuần. Tôi lại đi làm thêm tối cuối tuần bên nhà hàng Á. Ngủ 3 tiếng 45 phút ngày chủ nhật cho kịp đến Labo sáng sớm. 3 tuần. Anthony vẫn gửi mail đều. Bảo năm sau lên Lyon học cùng tôi và Bruno. 3 tuần. Tôi trễ kinh. Bruno cùng tôi mua que thử. Bộ dạng sốt sắng và lo lắng hơn cả tôi. Tôi có thai. Bruno giận dữ. Gọi điện chửi Anthony thậm tệ. Tôi gọi điện lại cho Dương. Dương gào lên. Đến đau tai. Tôi biết Dương không bao giờ chấp nhận những điều đang xảy ra. Toàn những thứ Dương chưa từng lập trình. Cả tôi cũng thế. Dương gào lên. Tôi bỏ tai nghe ra xa. Trong khoảnh khắc tôi thấy cả tôi và Dương đều là những loài thú kinh tởm. Tôi thấy mệt. Dương gào lên. Tôi nuốt nước bọt. Và trơ người. Dương gào lên. Tôi dập máy. Từ đấy tôi không bao giờ muốn gọi cho Dương nữa. Có thể tại vì tôi thấy ăn năn mà tôi không biết. Hoặc chẳng vì bất cứ điều gì to tát. Chỉ vì Dương làm tôi mệt. Anthony đến Lyon từ chuyến tàu gần nhất. Ôm tôi chặt. Và có vẻ rất xúc động. Đón Anthony ở ga tôi lại thấy nhớ nhà. Đến đỉnh điểm. Bỗng nhiên tôi thấy chán ngấy. Tôi chán ngấy metro, tramway, bus. Tôi chán ngấy những khuôn mặt không cười không nói im bặt với máy nghe nhạc cá nhân. Tôi chán ngấy những bữa lẩu ít rau toàn thịt. Tôi chán ngấy mùi ẩm mốc phòng ký túc. Tôi chán ngấy lộ trình đến chợ Tàu, Labo. Tôi chán ngấy 60 trang đồ án 2 tuần không thấy tiến triển. Tôi chán ngấy mùi cơm rang thập cẩm nhà hàng Á. Tôi chán ngấy tối chủ nhật ngủ 3 tiếng không bao giờ đủ. Tôi bật khóc.
11
Tôi nằm úp mặt vào tường.
Anthony quàng tay ôm từ phía sau.
Anthony thủ thỉ. Năm sau, tôi, Anthony và Bruno sẽ thuê 1 căn hộ 2 buồng ngủ ở Lyon. Cùng đi học và đi làm. Hơi thở Anthony ấm. Hắt nhẹ vào cổ.
Anthony nắm tay tôi nói nhất định đứa trẻ sẽ rất xinh vì đứa con lai nào cũng đẹp rất đặc biệt.
Tôi không tưởng tượng gì cả. Thấy việc huyễn hoặc thật xa xỉ.
Anthony lại nói câu quen thuộc “Hình như thời gian chạy trốn mất rồi!”