Hướng phát triển bền vững cây thanh long ở Hàm Thuận Nam
Huyện Hàm Thuận Nam hiện có trên 5.000ha trồng thanh long, chiếm gần 59% diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận. Hầu hết hộ trồng thanh long đã thoát nghèo, nhiều hộ trở nên giàu có. Tuy nhiên, vấn đề dư lượng hoá chất trong trái thanh long nếu không sớm được ngăn chặn, hậu quả sẽ khó lường. Do vậy, cuối tháng 3 vừa qua, nông dân 11 xã đã ký cam kết trồng thanh long sạch, mở ra hướng phát triển bền vững cho cây thanh long của địa phương.
Toàn huyện hiện có 2 cơ sở sản xuất thanh long sạch được các nước châu Âu chấp nhận là Hợp tác xã Thanh long Hàm Minh và Công ty Thanh long Hoàng Hậu. Tuy nhiên, do diện tích trồng thanh long sạch chỉ dừng ở vài trăm ha, nên sản lượng không đủ cung cấp cho các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và nhiều nước khác. Do đó, các nhà xuất khẩu phải thu mua ở nhiều nhà vườn không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn nên đã xảy ra tình trạng thanh long bị trả về do dư lượng hoá chất vượt quá mức cho phép. Nguyên nhân là do thói quen tuỳ tiện trong canh tác của đại bộ phận nông dân, từ cách trồng, chăm sóc đến sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, kể cả việc thu hái và phương pháp bảo quản đều không bảo đảm tiêu chuẩn sạch. Đa số nông dân hiện nay không có sổ theo dõi từng thửa ruộng, dùng thuốc kích thích và thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc... Tình trạng này đã được đề cập đến từ nhiều năm trước, nhưng việc khuyến cáo và vận động người dân thực hiện không mang lại hiệu quả. Trung Quốc là thị trường khá dễ tính về nhập khẩu mặt hàng này nhưng cũng đã cảnh báo tình trạng thanh long của Bình Thuận nói chung có dư lượng hoá chất.
Việc vận động nông dân thực hiện theo mô hình sản xuất thanh long sạch của Hàm Thuận Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn vì thực hiện mô hình này tốn công và chi phí cao. Đáng lo ngại, tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hàm Thuận Nam mà phổ biến trong toàn tỉnh. Trước thực trạng này, ngày 16.8.2007 UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị số 40 về việc tổ chức cho nông dân trồng thanh long sạch và Hàm Thuận Nam là huyện thực hiện triệt để nhất. Trong suốt tháng 3 vừa qua, huyện đã lần lượt tổ chức tuyên truyền để nông dân 11 xã hiểu rõ hơn tác hại của việc sản xuất thanh long tuỳ tiện; Vận động người dân ký cam kết “4 không” trong trồng thanh long là: Không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép; Không sử dụng thuốc quá hạn sử dụng; Thuốc BVTV, thuốc kích thích sinh trưởng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Không phun thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng trước thời gian thu hoạch từ 7 – 10 ngày; Không phun thuốc BVTV chất kích thích sinh trưởng quá liều lượng, nồng độ...
Hầu hết nông dân đều cho rằng, bản cam kết này thực sự mang lại lợi ích cộng đồng cao, hướng đến việc sản xuất thanh long an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Hai, một nông dân trồng thanh long của xã Thuận Quý cho biết: Huyện cần thường xuyên kiểm tra, xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Bà Nguyễn Thị Năm, một nông dân trồng thanh long có tiếng ở xã Hàm Mỹ cũng cho biết: Lâu nay thỉnh thoảng nghe tin thanh long xuất khẩu bị trả về nên chúng tôi lo lắm. Nay được huyện tổ chức học tập và ký cam kết sản xuất thanh long sạch là rất tốt vì lâu nay người trồng thanh long sạch cũng không được khuyến khích mà người trồng không sạch cũng không bị phạt. Về vấn đề này, cán bộ khuyến nông xã Hàm Cường Lê Văn Minh cho biết: Chúng tôi sẽ kiểm tra đột xuất các đại lý bán thuốc BVTV, các nhà vườn; Đề xuất để huyện biểu dương, khen thưởng những trường hợp chấp hành tốt; Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm với mức phạt từ 200 ngàn đến 3 triệu đồng theo Nghị định 26 của Chính phủ.
Việc hàng nghìn nông dân Hàm Thuận Nam ký cam kết trồng thanh long sạch đã nói lên tính cấp thiết của sản phẩm sạch. Tuy nhiên, quan trọng hơn là làm thế nào để người dân thực hiện đúng nội dung đã cam kết. Vì việc từ bỏ thói quen canh tác để chuyển sang làm nông nghiệp chất lượng cao không hề đơn giản và cũng không phải là chuyện có thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều. Trưởng phòng NN– PTNT huyện Trần Văn Ngọc cho biết: Điều mà chúng tôi tâm đắc là chính những nông dân vừa ký cam kết trồng thanh long sạch đã đề xuất với huyện những vấn đề rất xác đáng như: Yêu cầu doanh nghiệp không được mua thanh long của những hộ không sản xuất theo quy trình trồng thanh long sạch; Xử lý nghiêm những doanh nghiệp cung cấp các loại thuốc tăng trưởng cho các nhà vườn; Đồng thời, các doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng thu mua với nông dân. Huyện sẽ chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ để cùng thực hiện. Ngoài tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt nghiêm minh, huyện cũng sẽ lập quy trình trồng thanh long sạch; Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tham quan, học tập những mô hình trồng thanh long sạch ở địa phương khác.
Với sự hưởng ứng tích cực của người dân, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, cam kết trồng thanh long sạch sẽ được thực hiện nghiêm túc, mở ra hướng phát triển bêçn vững của cây thanh long ở Hàm Thuận Nam.
Phan Cao Thông