Linh hoạt điều tiết tỷ giá hối đoái
Trong xu thế tự do hóa dòng vốn, việc nước ta duy trì được tỷ giá hối đoái ổn định so với đồng USD đã được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi dòng vốn FDI tăng mạnh đã gây ra những tác động rõ rệt tới nền kinh tế, đặc biệt là gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo thống kê Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay của nước ta đạt trên 13 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2007, trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20,6 tỷ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, mức nhập siêu của quý I lên tới 7,5 tỷ USD, tương đương 30% GDP và 57% kim ngạch xuất khẩu. Trong bối cảnh nhập siêu tăng cao như hiện nay, Trưởng phòng chiến lược phát triển, Ngân hàng Nhà nước Doãn Hữu Tuệ cho rằng, việc điều hành linh hoạt tỷ giá hối đoái có tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Về nguyên lý, biến động tỷ giá hối đoái có tác dụng hai mặt, đó là nếu tích cực sẽ thúc đẩy xuất khẩu, song bên cạnh đó sẽ ảnh hưởng xấu đến thu hút đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, cần có sự điều tiết hợp lý đối với tỷ giá để có được nguồn vốn đầu tư nước ngoài và khuyến khích xuất khẩu.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng một số công cụ để điều tiết tỷ giá thông qua quy định về dự trữ bắt buộc hay nghiệp vụ thị trường mở nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng liều lượng các chính sách này, cũng như hiệu quả thu được từ các chính sách không như mong đợi. Do vậy, thâm hụt thương mại trong thời gian qua là khó tránh khỏi và đang ở mức báo động. Xem xét các dữ liệu thông qua việc phân tích tỷ giá hối đoái danh nghĩa và tỷ giá hối đoái thực, Vụ Chiến lược phát triển, Ngân hàng Nhà nước chỉ ra rằng, thực chất tiền đồng không hề tăng giá so với đồng USD kể từ năm 2000. Bởi, nếu lấy năm 2000 làm gốc thì tỷ giá VND/USD danh nghĩa tăng khoảng 13,7%, có nghĩa là đồng Việt Nam giảm giá 13,7%. Trong khi đó tỷ giá hối đoái thực cho thấy, đồng Việt Nam lại đang tăng giá khoảng 6,1% so với đồng USD. Mặc dù tỷ giá danh nghĩa tăng nhưng lạm phát của nước ta từ năm 2004 đến nay luôn tăng cao hơn tốc độ lạm phát của Mỹ. Điều này cho thấy xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ là bất lợi, mặc dù tăng về kim ngạch nhưng lại giảm về lợi nhuận xuất khẩu. Trong khi đó, theo các chuyên gia tài chính, nếu tính trong một rổ tiền tệ gồm 19 loại đồng tiền, kể cả đồng USD, tỷ giá hối đoái danh nghĩa đồng Việt Nam tăng 2%, tỷ giá thực hiệu quả tăng 11,9%, tức là đồng Việt Nam đang mất giá 11,9% so với rổ tiền tệ. Điều đó cho thấy, tỷ giá hối đoái hiện nay đang có lợi cho xuất khẩu hơn là nhập khẩu. Kết luận này có vẻ như ngược với kết quả thực tế hiện nay khi thâm hụt thương mại đang tăng. Theo ông Doãn Hữu Tuệ, có thể lý giải vấn đề này bằng hai cách: Hoặc là xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu thanh toán bằng USD, trong đó rủi ro hối đoái hoàn toàn do phía doanh nghiệp Việt Nam chịu nên độ co giãn tỷ giá nhập khẩu với giá hối đoái rất thấp, nhất là đối với nguyên liệu thô và các sản phẩm xuất khẩu là khoáng sản. Hoặc là do nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư gián tiếp, trực tiếp, kiều hối, và nguồn vốn ODA đổ vào quá lớn làm tăng cung tiền dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu, đặc biệt đối với hàng tiêu dùng, trong khi hàng rào thuế quan các nước giảm đáng kể.
Phân tích dưới góc độ về lãi suất, các chuyên gia cho rằng, khi lạm phát có xu hướng tăng cao ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm kìm chế lạm phát, đã khiến cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh và xuất khẩu do lãi suất ngân hàng tăng bất ngờ. Cùng với đó là chi phí nhân công, nguyên vật liệu cũng tăng cao đã khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, càng xuất khẩu thì càng lỗ. Thực tế đó đòi hỏi chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách tỷ giá, cần được điều chỉnh một cách linh hoạt hơn, nhanh nhạy hơn để phù hợp với điều kiện cụ thể.
Mục tiêu xuất khẩu của nước ta trong năm 2008 là đạt khoảng 58,6 tỷ USD, tăng 10 tỷ USD so với năm 2007. Trong bối cảnh tỷ giá đồng VND/USD và lãi suất huy động có chiều hướng tăng cao đã gây bất lợi cho xuất khẩu. Để kịp thời chia sẻ với các doanh nghiệp nhằm khuyến khích sản xuất, đẩy nhanh xuất khẩu, bên cạnh các biện pháp như tiết giảm chi phí sản xuất - kinh doanh xuất khẩu, hoàn thiện chính sách tài chính, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư xuất khẩu, việc điều hành linh hoạt các chính sách tỷ giá, chính sách lãi suất sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu này.
THANH VY