Hậu Thạnh Đông đổi thay từ mô hình xã điểm nông thôn mới

13/04/2008 00:00

Từ năm 2002, Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh là một trong 3 xã của Long An được chọn xây dựng mô hình xã điểm nông thôn mới trên vùng Đồng Tháp Mười. Nguồn vốn được đầu tư góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của xã vẫn rất cần sự quan tâm của tỉnh và huyện để xây dựng thành công mô hình này.

      Được sự quan tâm của tỉnh, huyện và nỗ lực lớn của chính quyền, nhân dân địa phương, Hậu Thạnh Đông đã đạt được thành công trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt củng cố hệ thống chính trị, phát triển nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế hợp tác. Việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo để thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được chú trọng. Đội ngũ cán bộ công chức của xã đến nay cơ bản đạt chuẩn và có đào tạo dự nguồn.
      Sản xuất nông nghiệp được được chú trọng đầu tư và là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Giai đoạn 2002-2007, Sở NN và PTNT, Liên minh các Hợp tác xã Long An đã quan tâm, giúp hợp tác xã cung cấp giống lúa phù hợp với điều kiện canh tác; Đặc biệt, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng và năng suất lúa tăng cao. Xuất phát từ định hướng cùng chung sống với lũ nên xã đã chủ động nâng cấp các tuyến đê bao, sản xuất nông nghiệp được kết hợp với điện khí hóa nông thôn. Hiện, toàn xã có 9 đê bao lửng, bảo đảm việc chủ động gieo xạ các vụ đông xuân hàng năm. Tỉnh và huyện đã đầu tư hàng tỷ đồng kiên cố hóa hệ thống trạm bơm điện, hệ thống lưới điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trên 90% hộ dân được sử dụng nước sạch và có điện chiếu sáng. Bên cạnh đó, việc nâng cấp và xây dựng hệ thống cầu đường nông thôn cũng được quan tâm. Ngoài vận động đóng góp của nhân dân, địa phương còn kiến nghị tỉnh, huyện hỗ trợ. Do đó, hệ thống đường giao thông nông thôn của xã về cơ bản hoàn chỉnh. 
      Kinh tế hợp tác ngày càng phát triển, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, xã được đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản, trong tương lai sẽ là trung tâm mua, bán, chế biến nông sản của cả vùng Đồng Tháp Mười. Chợ nông sản đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động địa phương. Lĩnh vực văn hóa – xã hội và y tế cũng có bước khởi sắc. Phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn được xây dựng khang trang, trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân xã và 4 xã trong vùng. Trường THCS và THPT khu vực Hậu Thạnh Đông được đầu tư xây dựng hiện đại, đặt tại khu vực 5 xã của huyện Tân Thạnh. Năm 2007, trường mẫu giáo bán trú cũng đi vào hoạt động.
      Tuy nhiên, việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của xã thời gian qua  phụ thuộc rất lớn vào các nguồn vốn đầu tư từ trên. Vì vậy, để tạo thế chủ động, xã cần tăng cường vận động đóng góp của nhân dân và các cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng đang là vấn đề cần được chú trọng. Tuy được chọn làm điểm nhưng Hậu Thạnh Đông vẫn chưa thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Thu nhập của đại bộ phận nông dân vẫn ở mức thấp và tăng chậm. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương, rất cần đầu tư thêm các hạ tầng phục vụ sản xuất. Đặc biệt, ngành chức năng cần tư vấn, giúp đỡ nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng thành công mô hình xã điểm nông thôn mới ở Hậu Thạnh Đông.

Bảo Lâm