Hạnh phúc là gì?

02/04/2008 00:00

Nhà thơ Sergey Mikhalkov – nhà lãnh đạo lâu năm của Hội Nhà văn Liên Xô, tác giả những áng thơ thiếu nhi bất hủ và phần lời Quốc ca Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay – đã 94 tuổi. Khi được hỏi rằng “sống lâu như thế có thấy chán chê?”, nhà thơ lão thành cười sang sảng: “Không chán tý nào hết”.

      Mới đây, nhà thơ vừa cho công bố cuốn tự truyện Hạnh phúc là gì? ở Nhà xuất bản EXMO. Cứ tưởng đây là dịp con người với cuộc đời đầy ắp các sự kiện sẽ tiến hành một cuộc tổng kết nào đó, nhưng không – chủ yếu, tác giả chỉ kể về mối quan hệ của mình đối với những đại biểu của Phái Đẹp và của Chính quyền… Xin trích giới thiệu một số đoạn trong cuốn tự truyện lý thú này!

Hạnh phúc là gì? ảnh 1

      “Tay trong tay với Yulia”
      Khi tôi đã tám mươi ba tuổi, tôi được gặp một người phụ nữ. Ngay từ đầu, tôi đã cảm cô ấy, nhưng sau đó thì tôi hiểu rằng nếu thiếu cô ấy, tôi sẽ không sống nổi. Thế là tôi tục huyền. Tôi cưới làm vợ một người phụ nữ hấp dẫn, thông minh, duyên dáng – Yulia Valeryevna Subbotyna. Cô ấy là nhà vật lý lý thuyết, con gái của Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Valery Ivanovich Subboty... Vâng, cuộc sống của tôi nó mới lạ làm sao! Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, tôi thua vợ tôi mười tuổi  – Natalia Konchalovskaya (là con gái của họa sỹ Konchalovsky và cháu ngoại của danh họa Surikov). Đến cuộc thứ hai, tôi hơn vợ tôi những bốn mươi bảy tuổi, bởi đến ngày cưới, Yulia mới ba mươi sáu tuổi. Và hồi ấy, vào những năm 1930 xa xôi, bạn bè thân thích cứ nghi ngờ về độ bền vững của cuộc hôn nhân thứ nhất, rồi sáu chục năm sau, vào những năm 1990, khi tôi cưới Yulia, cũng lại bạn bè thân thích – nhưng đã là những người khác – cũng nói thẳng ra rằng họ không tin rằng cuộc hôn nhân lệch tuổi quá nhiều như thế lại có thể bền vững.
      Nhưng hai chúng tôi hầu như không rời xa nhau, ngay cả những chuyến ra nước ngoài cũng vẫn cùng nhau. Còn chuyện này nữa. Bao giờ tôi cũng thích tự tay cầm lái xe hơi. Nhưng hai chục năm về trước, trong khi đang cầm lái, tôi đột ngột thấy choáng nên mất phương hướng, quệt nhẹ vào cột đèn đường. Từ đó, tôi phải có lái xe riêng. Nhưng bây giờ, người cầm lái đã là nàng Yulia kiều diễm của tôi, mặc dù thuê một lái xe chuyên nghiệp đối với tôi không có gì là khó... Cô ấy lướt đi như một làn gió nhẹ, mang lại cho hai chúng tôi niềm mãn nguyện lớn lao.

      Chỉnh lời Quốc ca Liên Xô tại Điện Kremli
      Tôi với Gabo (Gabriel Arakelian, nổi tiếng với bút danh El-Reghistan, đồng tác giả lời Quốc ca CCCP) đang ngồi bên bàn trà tại nhà và chia sẻ những cảm xúc. Chợt tiếng chuông điện thoại vang lên:
      - Bây giờ đồng chí Stalin sẽ nói chuyện với đồng chí! 
      - Hy vọng là tôi không làm dở giấc của đồng chí chứ? (vang lên một giọng nói quen thuộc pha ngữ điệu Gruzia)... Hôm nay chúng tôi vừa nghe thử bản Quốc ca. Có vẻ hơi tùng tiệm.
      - Nghĩa là thế nào, thưa đồng chí Stalin?
      - Còn kiệm lời. Chưa thấy nhắc đến Hồng quân. Phải bổ sung điệp khúc, phản ánh vai trò của Quân đội ta trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Phải chứng tỏ thế lực và niềm tin chiến thắng của chúng ta! 
      - Thưa, bao giờ phải có ạ? – tôi hỏi. 
      - Khi nào viết xong, gửi ngay, chúng tôi sẽ xem xét - Stalin trả lời khô khốc và đặt ống nghe. 
      Thâu đêm suốt sáng, chúng tôi soạn và khớp đoạn điệp khúc mới, rồi suốt cả ngày hôm sau lại chỉnh sửa nữa, rồi mới chuyển cho đồng chí Voroshilov đoạn thơ bốn câu, kèm thêm một vài phương án phụ của điệp khúc thứ ba. 
      Ngày 28.10, Tổng Biên tập báo Chim ưng Stalin, Chính ủy V. P. Moskovsky gọi điện tìm chúng tôi và thông báo: Stalin cho gọi gấp. 
      Một chiếc Lincoln xịch đến đón chúng tôi. Viên đại tá cảnh vệ đã trở thành chỗ thân quen có vẻ sốt ruột. 
      - Không thể nào tìm được các đồng chí! Mọi người đang nóng lòng chờ! 
      Chúng tôi qua cổng Điện Kremli, xe đỗ kề một trong những sảnh chờ. Chẳng cần kiểm tra giấy tờ. Chúng tôi được dẫn thẳng đến phòng tiếp khách của Stalin. Tại đây, đang chờ đến lượt được gọi lên báo cáo Tổng Tư lệnh là hai vị lãnh đạo Quân đội lừng danh. Chúng tôi biết hai vị này. Hai vị Nguyên soái lấy làm kinh ngạc khi thấy Poskrebyshev – trợ lý riêng của Stalin – đang ngồi bên bàn bỗng bật dậy để đón một anh thiếu tá và một anh đại úy quèn, giày chưa kịp đánh bóng... Đưa tay chỉ vào cánh cửa dày và nặng có tay nắm rất to bằng đồng, viên trợ lý nói cộc lốc: 
      - Vào đi. Đang chờ. Hai vị lỉnh đi đâu thế? 
      ... Ở đầu bên kia của chiếc bàn họp rất dài, trong bầu im lặng căng thẳng là cả một bộ “chân dung sống”: Molotov, Beria, Voroshilov, Malenkov, Scherbakov... 
      Đích thân Stalin với tờ giấy trong tay đến đứng ngay trước mặt chúng tôi...
      Rõ ràng, Stalin đang không vui. 
      - Hai đồng chí xem đi! – vừa nói, Stalin vừa đánh đầu về phía tờ giấy với những dòng nhận xét – Đầu óc các đồng chí để đâu? Chủ yếu là phải bám lấy ý. Như thế này, sao được? 
      - Cho phép chúng tôi suy nghĩ đến mai, được không ạ? – tôi thưa. 
      - Không được, chúng tôi cần ngay hôm nay. Bút chì đây, giấy đây... - Stalin mời chúng tôi ngồi vào bàn. 
      - Ngồi trước các bức “chân dung sống” như thế này, chúng tôi mất tự nhiên ạ. 
      - Sao? Làm việc ở đây không tiện à? – Stalin hỏi và mỉm cười - Thì bây giờ cho các đồng chí chỗ khác. 

      “Stalin tuyên bố với tôi là không ưa sấn sổ”
      ... Lần này thì phương án mới được chuyển cho đoàn ca nhạc A. V. Alexandrov và được Chính phủ thông qua. 
      Các tác giả được mời vào lô của khách Chính phủ... Tại đây, tiệc bày ngập bàn. 
      - Nào, theo phong tục cổ của người Nga, phải khao vì Quốc ca đã được thông qua chứ! – Stalin nói to rồi mời tất cả vào bàn tiệc. Stalin bảo tôi ngồi bên phải, El-Reghistan ngồi bên trái rồi tự mình ngồi vào giữa.
      Reghistan muốn đặt vào đĩa của Stalin một miếng bò hầm: 
      - Cho phép tôi được tiếp đồng chí, thưa đồng chí Stalin? 
      Stalin rút đĩa lại: 
      - Đúng ra tôi phải là người tiếp cho các đồng chí, chứ không phải đồng chí tiếp cho tôi. Ở đây, tôi là chủ... Mà này, đồng chí thuộc dân tộc nào? 
      Reghistan: 
      - Tôi người Armenia. 
      Stalin có vẻ trêu đùa:  
      - Thế sao lại gọi là El-Reghistan? Đồng chí theo bên nào: Công giáo hay bên Hồi? 
      Reghistan: 
      - Công giáo, thưa đồng chí Stalin. 
      Stalin: 
      - Thế mà tôi cứ ngỡ đồng chí theo bên Hồi. 
      Sau một lượt cụng ly nữa, ở đây cụng ly ít thôi, Stalin quay sang tôi và bảo:     
      - Sau mỗi lần chúc rượu, không nhất thiết phải uống cạn ly. Nói chuyện với đồng chí chắc là thú vị đấy. Đừng rụt rè! 
      - Tôi không rụt rè đâu ạ, thưa đồng chí Stalin! 
      - Chúng tôi không ưa những người sấn sổ - Stalin nói tiếp - nhưng cũng không thích những người rụt rè. Đồng chí đã vào Đảng chưa?
      - Chưa ạ. 
      Stalin im lặng một lát rồi bảo: 
      - Không sao. Thì tôi cũng có hồi chưa vào Đảng mà.
 
      Truyện ngụ ngôn giữa cuộc họp Trung ương
      Tôi còn nhớ một mẩu chuyện vui vui liên quan đến phiên họp Trung ương Đảng, chứ không dính dáng trực tiếp đến Khrushov. Có lần, trong phiên họp Trung ương Đảng, hai vị Bí thư Khu ủy đột nhiên cười to. Trên ghế Chủ tịch Đoàn, Khrushov tức giận: “Sao, các đồng chí đi xem văn nghệ đấy à? Các đồng chí cười gì hả?” Một vị Bí thư Khu ủy đứng lên: “Thưa Nikita Sergeyevich! Đồng chí cho chúng tôi xin lỗi, chúng tôi vừa đọc truyện ngụ ngôn của Mikhalkov...” Thì ra, trong giờ giải lao, hai vị này mua một cuốn của tôi ở quầy sách phục vụ hội nghị. Họ đọc thử một truyện ngụ ngôn và không nhịn được cười. 
 
      Đến Brezhnev cũng không gọi được
      Hôm tôi tròn sáu mươi tuổi, theo sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, tôi được phong danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa, được gắn Huân chương Sao Vàng và Huân chương Lenin. Về việc này, tôi nhận được cuộc gọi từ Trung ương Đảng, thông báo trước: 
      - Leonid Ilich sẽ nói chuyện với đồng chí! – Trợ lý của Tổng Bí thư dặn trước – Đồng chí cứ trực máy nhé.
Nhưng, tôi cứ ngồi canh điện thoại cho đến tận khuya mà vẫn không thấy Tổng Bí thư gọi về. Cuộc gọi của những người khác thì nhiều không đếm xuể, nhưng cuộc gọi của Leonid Ilich Brezhnev thì không...
      Vừa trở dậy, lập tức có chuông – hồi chuông đầu tiên của buổi sáng hôm đó. 
      - Tôi nghe đây! Ai đấy nhỉ? – tôi nhấc ống nghe, nói bằng giọng không được lịch sự cho lắm.
      - Anh làm sao mà sớm mai đã sủa thế? – đáp lời tôi là giọng ai đó quen quen.
      - Ai ở đầu dây bên ấy nhỉ? – tôi hỏi lại. 
      - Chưa nhận ra ai à? Nhận ra chưa? – vẫn giọng đó đáp lại. Đến lúc ấy, tôi mới kịp nhận ra: Người gọi là Brezhnev. 
      - Ô xin lỗi! Tôi nghe đây, thưa Leonid Ilich! 
      - Tối qua tôi không thể nào gọi được cho anh! – Brezhnev nói. – Tôi đã phải lệnh cho bên an ninh là phải truy nã anh cấp tốc. Thế nào, anh lủi vào trang trại đấy à? 
      - Tôi vẫn ngồi nhà đấy thôi. Ngồi đón chuông đồng chí gọi về - tôi thưa. 
      - Tối qua máy nhà anh cứ bận suốt - Brezhnev nhắc lại – Tôi chúc mừng anh được phong Anh hùng... Thể nào chúng ta cũng phải gặp nhau. Công việc chỗ tôi, anh biết đấy, cơ man là nhiều, anh hiểu đấy, bò sữa cũng đến mình, đại sứ cũng đến mình. Thôi, khỏe nhé, Seyozha! 
      Còn chuyện nữa. Tôi nhớ, trong một bữa tiệc tại Điện Kremli, nhà thơ Nikolai Tykhonov, Thư ký Hội Nhà văn đề nghị những người có mặt cùng nâng ly chúc sức khỏe Tổng Bí thư Leonid Ilich Brezhnev. Bỗng nhiên, nhà thơ dân tộc Balkar Kaisyn Kuliev, chừng như đã hơi tây tây, hô lớn: 
      - Tôi không uống đâu nhé! 
      - Tại sao vậy? – Brezhnev hỏi. 
      - Phải bỏ cái kiểu ăn gian đi mới được! – Kaisyn trả lời một cách hồn nhiên. 
      - Kiểu ăn gian nào chứ? - Brezhnev nghiêm mặt hỏi lại. 
      - Lão Mikhalkov toàn uống nước chanh! – Kaisyn Kuliev giải thích. 
      Mọi người xung quanh cười ầm cả lên, còn Brezhnev thì nói với giọng quyết không chịu cho ai cãi lại: 
      - Chúc sức khỏe tôi thì không uống nước chanh! 
      Tôi buộc phải tu cạn một ly đầy những cognac mà Brezhnev đưa cho. 
      Và chính tôi có lần đã đẩy Brezhnev vào tình huống khó xử. 
      Lần đó, trở về từ Sofia (Bulgaria) sau Đại hội Thiếu nhi, tôi mang về tặng Brezhnev một kỷ niệm chương của lễ hội vui vẻ đó. Tại buổi Tổng Bí thư tiếp đón đoàn, tôi đưa kỷ vật ra.
      - Đeo nó vào bên nào nhỉ? - Tổng Bí thư ngắm nghía tấm kỷ niệm chương tuyệt đẹp trên dải băng xanh biếc.
      - Chắc là bên ngực phải! - tôi thưa.
      Ngực áo phải của tôi lại hết chỗ mất rồi - Brezhnev tỏ ý tiếc rẻ để kỷ niệm chương sang một bên.

Sergey Mikhalkov
Đăng Bẩy
dịch từ KP (Nga
)