Cái giá của một cuộc chiến

20/03/2008 00:00

Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq đã tiêu tốn của người Mỹ bao nhiêu tiền? Câu hỏi đặt ra vào thời điểm này có lẽ là rất đúng lúc bởi hôm nay, 20.3 là tròn 5 năm kể từ khi Tổng thống Bush phát lệnh tấn công Iraq. Nó càng trở nên đúng lúc khi nền kinh tế Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính mà các nhà quản lý chưa tìm được lối thoát.

      Cái giá của quyết định tấn công Iraq tính cho đến thời điểm này là 3.000 tỷ USD - đó là con số mà Joseph Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, giáo sư ĐH Columbia, và Linda Bilmes, giáo sư ĐH Harvard đưa ra trong cuốn sách có tựa đề The Three Trillion Dollar War: The True Cost of the Iraq Conflict (Ba nghìn tỷ đôla: Cái giá thực của cuộc chiến Iraq) xuất bản hôm 3.3.
      Theo hai giáo sư uy tín này, con số 3.000 tỷ USD không chỉ là số tiền mà nước Mỹ đã chi cho cuộc chiến này mà còn bao gồm cả những thiệt hại oan ức mà nền kinh tế thế giới phải gánh chịu. Theo phân tích của giáo sư Stiglitz và Bulmes, Tổng thống Mỹ Bush và bộ sậu đã đánh lừa cả nước Mỹ và thế giới từ đầu đến cuối câu chuyện ở Iraq. Ban đầu là việc Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, rồi chuyện ông này có dính líu đến Al Qeada. Nhà Trắng cũng dỗ ngon ngọt người Mỹ rằng cuộc chiến chống Saddam Hussein sẽ chỉ tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD và rằng thế giới sẽ trở nên an toàn hơn và nhất là kinh tế sẽ ổn định vì cuộc chiến này cho phép Mỹ kiểm soát được nguồn cung về dầu lửa. 
      Trên thực tế, 5 năm chiến tranh ở Iraq đã cho thấy chẳng có điều gì nêu trên là sự thật. Sự thật là những bằng chứng về cái gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq được ông Collin Powell đưa ra dọa dẫm là những văn bản được xào xáo một cách vụng về và đầy sai sót. Sự thật là Al Qeada đã chỉ có thể bén rễ ở Iraq sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, tức là họ đã xâm nhập vào Iraq cùng với quân đội Mỹ. Sự thật là 50 tỷ USD chỉ đủ cho quân đội Mỹ ở Iraq chi tiêu trong vòng 3 tháng. Và sự thật là thế giới chẳng những không an toàn hơn mà kinh tế toàn cầu còn đang lâm vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng bởi giá dầu lửa đã tăng từ 30 USD/thùng năm 2003 lên hơn 100 USD/thùng vào năm nay.
      Cái giá của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq đã vượt qua chi phí của Mỹ trong 12 năm trực tiếp gây chiến ở Việt Nam, gấp đôi chi phí Mỹ đã đổ vào cuộc chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên. Mỗi tháng Mỹ tiêu tốn 16 tỷ USD cho hoạt động quân sự ở Iraq (bằng ngân sách hàng năm của Liên Hiệp Quốc). Theo tính toán, với tổng chi phí 3.000 tỷ USD trong 5 năm qua ông Bush đáng lẽ đã có thể đầu tư xây dựng thêm 8 triệu nhà ở, trả lương cho 15 triệu giáo viên, bảo đảm chăm sóc cho 530 triệu trẻ em, cấp học bổng cho 43 triệu sinh viên, mua bảo hiểm xã hội cho người Mỹ đến tận năm 50 tuổi.
      Trong 5 năm qua ông Bush đã buộc nước Mỹ phải vay tới 2.000 tỷ để gây chiến và thậm chí là vay từ chính đối thủ cạnh tranh của Mỹ là Trung Quốc, nước trong suốt thời gian vừa qua liên tục tăng trưởng mạnh với dự trữ ngoại tệ lên đến hơn 1.400 tỷ USD. Hệ quả là Mỹ trở thành con nợ lớn nhất thế giới, góp phần lý giải việc đồng USD liên tục rớt giá trong thời gian gần đây. Quan trọng hơn, gánh nặng nợ này sẽ đè lên thế hệ tương lai ở Mỹ.
      Nhưng chừng đó vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Mỹ sẽ phải bồi thường thương tật cho khoảng 40% trong số 1.65 triệu lượt quân nhân tham chiến ở Iraq. Việc chạy chữa thương tật và chăm sóc sức khỏe cho quân nhân Mỹ tham chiến đã tiêu tốn khoảng 600 tỷ USD và con số này sẽ còn tăng nếu lính Mỹ còn ở lại “vùng đất chết”.
      Sau 5 năm chiến tranh, những con số ở phía Iraq cũng không kém phần hãi hùng. Không lớn như con số 3.000 tỷ nhưng cũng có tới một nửa số bác sỹ ở Iraq đã bị giết hại hoặc rời bỏ đất nước. 4 triệu người Iraq trở thành những người vô gia cư sau khi quân Mỹ vào đất nước họ và 2 triệu người bỏ ra nước ngoài. Trong 40 tháng đầu của cuộc chiến, 450.000 người Iraq đã thiệt mạng và cho đến nay, sau 5 năm, con số này là 600.000 người.
      Tờ Today’s Zaman của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10.3 mỉa mai rằng người Mỹ có câu nói mang đầy tính thực dụng là chẳng có bữa ăn nào là miễn phí (no free lunch) và vì vậy cái giá 3.000 tỷ USD có thể là quá đắt cho một cuộc chiến hay đúng hơn cho một bài học.

Hồng Hà