Vệ tinh đầu tiên của Việt Nam phóng lên quỹ đạo: Khẳng định chủ quyền quốc gia
Ngày 12.4 tới đây, tại sân bay vũ trụ Kourou (Guiana, Nam Mỹ), một tên lửa đẩy Arian-5 sẽ được phóng lên quỹ đạo, mang theo vệ tinh viễn thông VINASAT-1. Đây là vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam được phóng lên quỹ đạo để khai thác thương mại…
Khởi đầu khó khăn
Việc VNPT phóng vệ tinh đầu tiên của Việt Nam lên quỹ đạo là một sự kiện quan trọng của ngành TT_ TT năm 2008. Sau khi phóng vệ tinh, VNPT cần tập trung vào quảng bá, khai thác dịch vụ - điều này cũng phù hợp với mục tiêu vừa phục vụ vừa kinh doanh của VNPT. Khi có vệ tinh thì sẽ đáp ứng được tất cả nhu cầu của các lĩnh vực như phát thanh, truyền hình…sẽ mở ra triển vọng phát triển cao hơn. |
Dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam VINASAT là dự án cấp quốc gia. Từ năm 1998, Chính phủ đã thông qua Báo cáo tiền khả thi Dự án phóng vệ tinh Việt Nam - VINASAT của Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và VNPT. Năm 1999, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án VINASAT. Năm 2001, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học - Công nghệ) đã phê duyệt VINASAT là một trong các nội dung chủ yếu của Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm (2001-2005) có tên "Nghiên cứu khoa học và phát triển CNTT và truyền thông". Năm 2002, Chính phủ đã thông qua các nội dung cơ bản của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án VINASAT và đến năm 2005 đã ban hành Quyết định 1104/QĐ-TTg về đầu tư dự án, giao VNPT là chủ đầu tư.
Ý tưởng phóng vệ tinh viễn thông của riêng Việt Nam xuất phát từ việc các doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam đã và đang phải trả một khoản ngoại tệ lớn thuê vệ tinh của Nga, Úc, Thái Lan... để sử dụng cho các yêu cầu cung cấp dịch vụ và thông tin chuyên ngành. Nếu có vệ tinh riêng của mình, Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, do giá cho thuê thương mại một kênh vệ tinh thường cao hơn giá thành từ 1,8 đến 3 lần tuỳ thuộc vào cung cầu và băng tần sử dụng. Hơn nữa, có vệ tinh riêng, Việt Nam sẽ có điều kiện tự chủ thuận lợi để nâng cao năng lực mạng lưới và chất lượng các dịch vụ Viễn thông - CNTT và Truyền thông, rút ngắn khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị.

Do đây là một lĩnh vực mới nên trong quá trình triển khai Dự án, VNPT đã gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Nguyễn Bá Thước cho biết: Dự án cấp quốc gia này được khởi xướng từ năm 1995 đến nay là 13 năm. Trong quá trình triển khai, dự án đã gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến. Trước hết là khó khăn trong việc thống nhất cấu hình và băng tần phát đáp của vệ tinh. Thứ hai là việc đăng kí quỹ đạo với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Các Bộ, ngành đưa ra các yêu cầu cần thiết cho nghiệp vụ của mình nhưng quả vệ tinh chỉ có một nên cần sự bàn bạc thống nhất để có được yêu cầu chung. Khó khăn nhất là vấn đề đăng ký và phối hợp quỹ đạo. Vì Quỹ đạo vệ tinh là tài nguyên có hạn và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chỉ chấp nhận đăng ký theo nguyên tắc ai đến trước được đăng ký trước, người đến sau không được gây can nhiễu cho người đến trước và cũng không có luật nào buộc các nước phải có tinh thần hợp tác nên quá trình đàm phán phối hợp quỹ đạo với đối tác các nước rất khó khăn và kéo dài. Đến năm 2005, sau nhiều năm đàm phán, VNPT đã thành công và chủ quyền quỹ đạo của Việt Nam ở vị trí 1320E đã được công nhận.
Khẳng định chủ quyền quốc gia
Sau quá trình đấu thầu kỹ lưỡng, VNPT đã lựa chọn được nhà thầu tư vấn giàu kinh nghiệm Telesat Canada. Tiếp đó, VNPT cũng đã lựa chọn nhà thầu sản xuất vệ tinh là Lockheed Martin Commercial Space Systems - Tập đoàn sản xuất thiết bị công nghệ vũ trụ lớn nhất của Mỹ và Công ty Vận tải hàng không vũ trụ Châu Âu Arianespace là nhà thầu phụ đảm nhận việc phóng vệ tinh. VNPT cũng đã thành lập Trung tâm Thông tin vệ tinh VINASAT với hai trạm điều khiển đặt tại Hà Tây và Bình Dương.
Vệ tinh VINASAT-1 được phóng lần này là vệ tinh được sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất, cao 4m, nặng 2.600 kg, có dung lượng 20 bộ phát đáp trên băng tần C và Ku và có tuổi thọ đạt 15-20 năm. Sau một tháng đo và kiểm tra hoạt động các hệ thống trên quỹ đạo, hãng Lockheed Martin sẽ bàn giao VINASAT-1 cho VNPT để đưa vào khai thác thương mại. |
Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 là sự kiện khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên quỹ đạo không gian, đồng thời nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam nói chung và Viễn thông CNTT Việt Nam nói riêng. VINASAT-1 đi vào hoạt động sẽ làm hoàn thiện cơ sở hạ tầng TTLL của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT-CNTT, phát thanh, truyền hình của Việt Nam. Với dung lượng truyền dẫn tương đương với 10.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 120 kênh truyền hình, VINASAT-1 sẽ giúp Việt Nam sớm hoàn thành việc đưa các dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình đến tất cả các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo... là những nơi mà phương thức truyền dẫn khác khó có thể vươn tới được; trong đó, đặc biệt VINASAT-1 sẽ hỗ trợ hiệu quả cho công tác thông tin phục vụ phòng chống và ứng cứu đột xuất khi xảy ra bão lũ, thiên tai... Sẽ có hai loại dịch vụ cơ bản được VINASAT-1 cung cấp phục vụ khách hàng là cho thuê băng tần vệ tinh (cung cấp đến trọn bộ phát đáp trên băng tần vệ tinh, hoặc thuê lẻ dung lượng) và các dịch vụ trọn gói như kênh thuê riêng ; phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, truyền dữ liệu ngân hàng, đường truyền ISP, kênh thuê riêng cho di động, điện thoại vùng sâu vùng xa...


Để khai thác hiệu quả vệ tinh VINASAT-1, VNPT đã trình lên Ban chỉ đạo quốc gia Dự án VINASAT cơ chế ưu đãi cho khách hàng thuê kênh vệ tinh. Theo đó, VNPT đã đề nghị Bộ TT-TT miễn cước sử dụng tần số trong 10 năm đầu cho các doanh nghiệp sử dụng. VTI - đơn vị khai thác kinh doanh VINASAT-1 - cũng sẽ hỗ trợ cho khách hàng chuyển đổi thiết bị mặt đất cho phù hợp với vệ tinh này. Đồng thời, Quỹ Viễn thông công ích sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp sử dụng vệ tinh VINASAT-1 với vai trò là kênh truyền dẫn đến hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cho người dân sử dụng những dịch vụ cơ bản. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Nguyễn Bá Thước khẳng định: VNPT cam kết thực hiện dự án VINASAT-1 dựa trên các tiêu chí: đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro; Đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, độ tin cậy và yêu cầu về công nghệ hiện đại, đã qua trải nghiệm; có các điều kiện thương mại và giá cả hợp lý.
MINH ĐỨC.